Biến thể coronavirus tiếp theo sẽ xuất hiện như thế nào?

12-04-2022 10:44 | Quốc tế
google news

SKĐS - Việc ngăn chặn biến thể coronavirus tiếp theo liên quan đến việc biết được nó có thể đến từ đâu.

Biến thể coronavirus tiếp theo sẽ xuất hiện như thế nào? - Ảnh 1.

Hiện giới khoa học chưa thể giải thích được cách Omicron xuất hiện ngay từ đầu

Với Omicron, những câu trả lời đó vẫn còn là một bí ẩn. Những câu hỏi được đặt ra như: Làm thế nào mà một biến thể trông rất khác với tất cả những người anh em họ của nó lại đột ngột xuất hiện như vậy? Làm thế nào để giải thích mớ bòng bong về các đột biến của nó, nhiều trong số đó hiếm khi được nhìn thấy ở các biến thể được quan tâm?

Nhà virus học Mehul Suthar của Đại học Emory cho biết: "Khi chuỗi virus đó lần đầu tiên xuất hiện, tôi khó có thể nghĩ rằng nó sẽ bùng phát". Virus luôn thay đổi, thường theo những cách làm tổn hại đến cơ hội sống sót của chúng. Nhưng thỉnh thoảng, những đột biến đó có thể xảy ra có lợi cho virus.

Các dữ liệu hiện nay cho thấy BA.2, một loại biến thể phụ lây lan nhanh hơn của Omicron, đã trở nên thống trị ở Mỹ.

Tiến sĩ Mike Ryan - Giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp về y tế của Tổ chức Y tế Thế giới, giải thích: "Do virus tự tái tạo nên có sai sót trong việc sao chép mã của nó. Hầu hết những lỗi đó đều dẫn đến một loại virus không có khả năng mạnh lên hoặc chỉ chết đi."

Nhưng hiếm khi, quá trình này lại có thể tạo lợi thế cho virus, khiến cho nó dễ lây lan hơn hoặc trở nên tốt hơn trong việc thoát khỏi khả năng miễn dịch của con người.

Sarah Cobey - Phó giáo sư sinh thái học và tiến hóa tại Đại học Chicago (Mỹ), nói rằng khả năng lây truyền của coronavirus sẽ đạt mức trần - cuối cùng. Tuy nhiên, nó có thể sẽ không ngừng phát triển theo những cách thức mà phản ứng miễn dịch của chúng ta gặp phải.

Nhưng không phải tất cả các đột biến đều xảy ra theo cùng một cách.

Theo thời gian và trải qua hàng trăm lần lây nhiễm, virus lưu hành ngày càng di chuyển xa khỏi tổ tiên của chúng trên cây tiến hóa. Đó là một quá trình được gọi là trôi dạt kháng nguyên.

Điều này có thể giải thích các biến thể xuất hiện gần hơn trên cây tiến hóa - như Omicron và nhánh BA.2 của nó - thì nó lại không thể giải thích được cách Omicron xuất hiện ngay từ đầu.

"Omicron đã khiến mọi người ngạc nhiên" – GS  Cobey nói.

Marietjie Venter, một giáo sư tại Khoa Virus Y tế tại Đại học Pretoria ở Nam Phi, cho biết không có khả năng một "sự thay đổi chậm" dẫn đến Omicron.

"Delta gần như biến mất, và rồi đột nhiên chúng tôi nhìn thấy Omicron hoàn toàn khác" – GS. Venter cho hay.

Trong một số trường hợp, virus không trôi dạt, mà chúng thay đổi. "Sự thay đổi kháng nguyên" là một sự thay đổi mạnh mẽ hơn có thể xảy ra, ví dụ, khi virus ở động vật tìm đường đến con người hoặc khi hai chủng lây nhiễm cho cùng một người và trao đổi gen.

Biến thể coronavirus tiếp theo sẽ xuất hiện như thế nào? - Ảnh 3.

Việc đón đầu virus là nhằm đảm bảo độ bền của vaccine

Các nhà nghiên cứu tại một công ty chuyên theo dõi biến thể, đã xác định được một số ít trường hợp nhiễm Delta-Omicron kết hợp ở Mỹ trong số gần 30 nghìn mẫu coronavirus từ cuối tháng 11 đến giữa tháng 2, khi cả hai biến thể đang lưu hành.

Trong số các mẫu đó, các nhà nghiên cứu đã xác định được 20 trường hợp bị nhiễm cả hai biến thể cùng một lúc. Một trong những mẫu này cho thấy các biến thể đã trao đổi gen, dù ở mức độ thấp.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy hai trường hợp không liên quan mà có nguồn gốc từ virus lai.

Các nhà nghiên cứu cho biết: "Hiện tại không có bằng chứng cho thấy hai loại virus tái tổ hợp Delta-Omicron được xác định có khả năng lây truyền giữa các vật chủ nhiều hơn so với các dòng Omicron đang lưu hành".

Khả năng hoán đổi gen đã thúc đẩy sự tái xuất hiện của nhiều loại virus, nổi bật nhất là bệnh cúm. Vật chất di truyền của bệnh cúm được tạo thành từ nhiều đoạn RNA có thể xáo trộn qua lại khi hai loại virus đồng nhiễm vào cùng một tế bào. Đây được gọi là phân loại lại. Nhưng coronavirus "thực sự có thể làm điều gì đó thậm chí còn khó khăn hơn đối với chúng ta" – GS. Cobey giải thích, đề cập đến một quá trình hoán đổi gen được gọi là tái tổ hợp.

Không giống như virus cúm, coronavirus có một chuỗi   RNA như mã di truyền của nó. Khi hai chủng lây nhiễm cùng một tế bào, bộ máy sao chép của chúng có thể nhảy từ chủng này sang chủng khác. Điều này tạo ra các "điểm ngắt" ngẫu nhiên trong mã di truyền được nối với nhau.

Trong khi bệnh cúm xáo trộn toàn bộ thẻ mã di truyền, theo một nghĩa nào đó, thì mỗi coronavirus chỉ có một thẻ - nhưng đó là một thẻ dài hơn, và nó có thể được cắt ra và dán lại với nhau theo nhiều cách khác nhau. "Điều này có nghĩa là coronavirus có "nhiều không gian tiến hóa hơn"  - GS.Cobey lý giải.

GS.Cobey và các đồng sự của mình nói rằng, những biến thể virus mà con người mới nhìn thấy hiện nay chỉ là phần nổi của tảng băng chìm số lượng các đột biến có thể có mà virus có thể duy trì và vẫn có thể lây nhiễm sang các tế bào của con người.

Theo GS.Cobey, mặc dù hiện không rõ liệu sự tái tổ hợp có nhiều khả năng hơn các con đường khác để tạo ra biến thể tiếp theo được quan tâm hay không song sự xuất hiện của Omicron nói riêng đã cho các nhà khoa học hiểu về nguồn gốc của nó và phạm vi thực sự của các đột biến khả thi.

 "Đó là kiểu phân kỳ rất khó nghiên cứu và lường trước trong phòng thí nghiệm" – GS.Cobey nói.

Không có lời giải thích nào có vẻ phù hợp với Omicron. Nhưng các chuyên gia đang muốn giải thích sự xuất hiện đột ngột của nó vào năm ngoái.

Quan điểm phổ biến nhất dường như liên quan đến tình trạng nhiễm trùng tồn tại lâu dài ở một người bị suy giảm miễn dịch. "Chúng thực sự phát triển các kháng thể, nhưng chúng không loại bỏ được virus" - Venter, đồng chủ trì Nhóm Cố vấn Khoa học của WHO về Nguồn gốc của Các mầm bệnh mới cho biết.

Điều đó cho virus có nhiều thời gian để tích lũy những thay đổi, có khả năng là những thay đổi cho phép nó né tránh các kháng thể của người đó và có được miễn dịch.

Một giả thuyết khác được gọi là chứng động vật ngược. Điều này đề cập đến việc con người lây nhiễm sang quần thể động vật, nơi virus tích lũy các đột biến mới trước khi truyền lại cho người.

Theo các chuyên gia, việc đón đầu virus không chỉ là vấn đề dự đoán động thái tiếp theo của nó. Đó là việc tìm cách tránh các mối đe dọa và cuối cùng là đảm bảo độ bền của vaccine.

Thứ trưởng Bộ Y tế: Tỷ lệ chấp thuận của phụ huynh về việc tiêm vaccine cho trẻ là 60-80%


Hà Anh (Theo CNN)
Ý kiến của bạn