Hà Nội

'Biến rác thành tiền' giúp người khó khăn

25-08-2023 21:22 | Nhịp cầu Nhân ái
google news

SKĐS - Bất kể thời tiết mưa nắng, hễ có người gọi cho ve chai, giấy vụn, rác thải nhựa… là những người phụ nữ tốt bụng ở Ninh Phước (Ninh Thuận) lại lên đường thu gom về bán lấy tiền giúp đỡ người khó khăn.


"Biến rác thành tiền" là mô hình được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) thành lập và lan tỏa rộng rãi đến tận nhiều thôn, xóm, cứu giúp kịp thời bao mảnh đời bất hạnh. Việc làm nòng cốt của mô hình là vận động các chị em phụ nữ đi xin, thu gom rác thải nhựa, ve chai… về bán lấy tiền giúp những hoàn cảnh khó khăn, người nghèo, người bệnh tật tại địa phương.

Tại huyện Ninh Phước, mô hình này phát triển mạnh mẽ nhất tại các xã Phước Thuận, Phước Sơn…

Xem việc giúp người là niềm vui, hàng ngày các hội viên hội phụ nữ xã Phước Thuận và Phước Sơn lại đến các hộ gia đình hay đi dọc các tuyến đường trong khu dân cư để thu gom phế phế liệu, ve chai, sau đó mang đến điểm tập kết chung để bán lấy tiền gây quỹ từ thiện.

Vừa phân loại phế liệu, chị Nguyễn Thị Ninh - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Hiệp Hòa (xã Phước Thuận) vừa cho biết: "Tuy là việc nhỏ nhưng đã có không ít số phận gian khó được chúng tôi tiếp sức từ mô hình này. Công việc của các chị em trong chi hội xuất phát từ tinh thần "tương thân, tương ái", "lá lành đùm lá rách". Có hôm thời tiết rất khắc nghiệt nhưng nghe tin báo được cho rác thải nhựa, vỏ lon bia là chúng tôi đến nhận ngay, chưa bao giờ các chị em than mệt".

“Biến rác thành tiền” giúp người khó khăn - Ảnh 2.

Phụ nữ xã Phước Thuận tham gia mô hình "Biến rác thành tiền", tích cực đi nhặt rác để bán lấy tiền giúp người khó khăn.

Cũng theo chị Nguyễn Thị Ninh, năm học mới 2023 - 2024 sắp khai giảng, các hội viên càng "tăng tốc" thu gom phế liệu hơn để bán lấy tiền mua vở, dụng cụ học tập tặng học sinh khó khăn.

Sau hơn một năm triển khai, mô hình "Biến rác thành tiền" tại xã Phước Thuận đã phát huy hiệu quả, nâng cao ý thức, trách nhiệm tham gia bảo vệ môi trường của người dân. Khi có rác thải nhựa, ve chai là gọi hội phụ nữ đến thu gom chứ không xả bừa bãi nữa.

Bà Ngô Thị Thủy Tiên - Chủ tịch Hội phụ nữ xã Phước Thuận cho biết, thời gian đầu chỉ có vài hội viên tham gia, nhưng dần dần nhận thấy được ý nghĩa của mô hình, đến nay đã có 35 hội viên tự nguyện tham gia đi nhặt rác, xin rác, phế liệu. Ai làm việc này cũng thấy tràn ngập niềm vui trong lòng vì được giúp người khác.

Nhân rộng mô hình giúp đỡ người yếu thế

Biết được ý nghĩa của mô hình "Biến rác thành tiền", đã có hàng trăm phụ nữ tham gia, từ đó ngày càng nhiều người yếu thế được giúp đỡ hơn.

Bà Lê Thị Xuân Hương (57 tuổi, ở thôn Hiệp Hòa, xã Phước Thuận) chia sẻ: "Trước đây chồng tôi là lao động chính trong gia đình nhưng cách đây 7 năm ông bị tai biến nằm liệt một chỗ, kinh tế gia đình eo hẹp dần. Nhờ có các chị em phụ nữ ở thôn, xã thường xuyên quan tâm và trích tiền quỹ từ mô hình "Biến rác thành tiền" để mua gạo đến tặng nên gia đình đã giảm phần nào khó khăn. Không chỉ riêng gia đình tôi mà nhiều gia đình có hoàn cảnh tương tự cũng được các chị em giúp đỡ nhiệt tình".

“Biến rác thành tiền” giúp người khó khăn - Ảnh 3.

Các hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Hiệp Hòa (xã Phước Thuận) dùng tiền từ mô hình "Biến rác thành tiền" mua gạo, nhu yếu phẩm đến tặng bà Lê Thị Xuân Hương (đứng giữa).

Tại Chi hội Phụ nữ thôn Phước Thiện 1 (xã Phước Sơn), mô hình mới được triển khai từ giữa năm 2022 đến nay nhưng số tiền bán phế liệu, rác thải nhựa… đã kịp thời trao đến tay hàng chục hộ nghèo, người già neo đơn…

Bà Mai Thị Huyền Trang - Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) chia sẻ, thông qua mô hình, hội viên phụ nữ đã tích cực tham gia phân loại rác thải tại nguồn. Đối với rác thải có thể tái chế như chai nhựa, vỏ lon, sắt vụn, bìa cát tông… sẽ được tập kết để bán cho cơ sở thu mua phế liệu. Từ số tiền bán phế liệu, các cơ sở hội đã gây quỹ giúp đỡ hộ nghèo, người già neo đơn, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Mô hình này đã đem lại hiệu quả thiết thực, được hưởng ứng tích cực bởi nó rất phù hợp với thực tế địa phương, thời gian tới mô hình này chắc chắn sẽ được nhân rộng.

Giảm tác hại của bạo lực gia đình, nhất là với phụ nữ, người yếu thế, trẻ emGiảm tác hại của bạo lực gia đình, nhất là với phụ nữ, người yếu thế, trẻ em

SKĐS - Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 tại Quyết định số 2238/QĐ-TTg.


Ý Thảo
Ý kiến của bạn