Với tình trạng ô nhiễm môi trường đáng báo động như hiện nay thì việc biến rác thải sinh hoạt, chất thải động vật, những phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp như mùn cưa, rơm rạ... thành phân bón, đó là những việc làm hay vừa làm sạch môi trường sinh thái và tạo ra nguồn phân hữu cơ rất tốt để bón cho cây trồng, không những vậy còn tiết kiệm được nhiều chi phí cho sản xuất nông nghiệp.
Dễ làm, tiết kiệm chi phí, ưu điểm vượt trội
Hiện mô hình biến rác thải thành phân cũng được nhiều tỉnh thành thực hiện bởi các ưu điểm của nó. Theo tìm hiểu, khi bón 1 tấn phân hữu cơ vi sinh (chi phí sản xuất ước tính khoảng 1,9-2 triệu đồng) sẽ tương đương với sử dụng khoảng 360kg phân NPK (ước tính 3,6 triệu đồng). Không những vậy, sử dụng phân hữu cơ vi sinh giúp kéo dài hiệu quả lên đến 8-10 tháng, trong khi sử dụng phân hóa học chỉ có tác dụng tươi tốt trong 3-4 tháng. Mặt khác, bón cây bằng phân hữu cơ vi sinh sẽ giúp đất tơi xốp, khả năng giữ ẩm tốt, độ màu mỡ đất dài lâu.
Biến rác thành phân bón - cần được nhân rộng để đảm bảo môi trường bền vững.
Ở Cà Mau hiện người dân đang áp dụng 2 mô hình biến rác thải thành phân rất hiệu quả và thân thiện với môi trường được thực hiện theo quy mô hộ gia đình. Quy trình xử lý rác rất đơn giản: mỗi hộ được trang bị một phuy nhựa dung tích 200 lít, xung quanh khoan nhiều lỗ tròn có đường kính 1,5cm, bên dưới có một cánh cửa có kích thước khoảng 20cm2. Hằng ngày, các loại rác thải sinh hoạt trong gia đình được thu gom và phân loại: lá cây, cỏ khô, cơm thừa cá cặn và rau quả hư hỏng… sẽ được cho vào thùng, đậy kín nắp. Sau khoảng 60 ngày, rác thải sẽ được các loại vi sinh vật phân hủy biến thành phân hữu cơ, hay còn gọi là phân compost, rất có lợi cho cây trồng. Dùng loại phân này để bón rau màu các loại rất hiệu quả, ít sâu bệnh, cây phát triển nhanh. Việc sử dụng phân hóa học lâu năm sẽ làm chai đất, còn phân compost có tác dụng làm cho đất tơi xốp, tăng độ phì nhiêu và màu mỡ.
Mô hình xử lý rác thải thứ hai gọi là hố rác di động. Được cấu tạo bằng composit, có kích thức 70cm2, không đáy và ở giữa có nắp đậy. Các bước được tiến hành rất đơn giản: Đào hố rác sâu khoảng 1m, đặt nắp rác di động lên, cho những loại rác thải dễ phân hủy vào đó, đến khi hố rác đầy sẽ di chuyển nắp rác đi nơi khác và lấp đất lại. Sau một thời gian, rác thải sẽ phân hủy thành phân hữu cơ. Đây được xem là một quy trình xử lý rác thải khá độc đáo, phù hợp với mô hình cải tạo vườn tạp trồng cây ăn trái.
Cần khuyến khích nhân rộng
Ông Lê Văn Đức - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết: Trên thế giới có 3 phương pháp chủ yếu để xử lý rác: chôn lấp, đốt và làm phân vi sinh. Trong đó, phương pháp chôn lấp vệ sinh là giải pháp ít tốn kém nhất nhưng đòi hỏi phải có diện tích đất rộng lớn, các lớp lót an toàn để bảo vệ nguồn nước mặt và nước ngầm. Ngược lại, đốt rác là phương pháp tốn kém nhất. Phương pháp còn lại làm phân vi sinh từ rác giải quyết được vấn đề cơ bản là ngăn chặn sự thoái hóa của môi trường. Chế biến rác hữu cơ thành phân vi sinh sẽ tạo ra một sản phẩm có giá trị cho xã hội, đồng thời phương pháp này lại ít tốn đất hơn, giảm thiểu chi phí đầu tư và phí vận hành, bảo dưỡng.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng: Sử dụng hiệu quả lượng phân vi sinh từ rác hữu cơ, mỗi năm chúng ta có thể tiết kiệm 30-40 triệu USD do bớt được khoảng 300.000 tấn phân urê nhập khẩu. Sản xuất phân vi sinh từ chất thải sinh hoạt có thể tận dụng được lượng chất hữu cơ dồi dào trong rác thải và thực tế đã chứng minh đây là một khả năng có thể áp dụng rộng rãi thay thế phương pháp chôn lấp và đốt vốn còn nhiều hạn chế và không phù hợp với điều kiện của chúng ta hiện nay.