(SKDS) - Trong cuộc đọ sức và khẩu chiến do tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, Trung Quốc đã đe dọa trừng phạt thương mại Nhật Bản. Thế nhưng, giới chuyên gia cho rằng, có thể đây chỉ là một cú hù dọa và không thể xảy ra những hành động trừng phạt trên quy mô lớn, bởi vì nền kinh tế của Trung Quốc và Nhật Bản rất phụ thuộc vào nhau.
Các cáo buộc dọa dẫm nhau hiện nay giữa Nhật Bản và Trung Quốc chỉ dừng lại ở mức khẩu chiến. |
Trong thời gian qua, quan hệ căng thẳng Trung - Nhật đã làm giảm trao đổi du lịch giữa hai nước. Trong những tuần gần đây, số lượng xe hơi Nhật Bản bán tại Trung Quốc đã giảm, nhiều nhà máy, cửa hàng của Nhật Bản tại Trung Quốc đã phải tạm thời đóng cửa trước làn sóng bạo lực của các cuộc biểu tình bài Nhật. Các cuộc biểu tình này có giảm đi trong những ngày qua, các nhà máy của Nhật Bản đã hoạt động trở lại, nhưng lo ngại vẫn tồn tại. |
Nếu Nhật Bản nhập khẩu các thành phẩm của Trung Quốc như điện thoại, hàng may mặc, vải sợi, máy ảnh, ghi âm, truyền hình,… thì Tokyo lại xuất sang Bắc Kinh những sản phẩm quan trọng như máy móc, phụ tùng xe hơi hoặc các thiết bị điện, điện tử, bán dẫn rất cần cho các ngành công nghiệp của Trung Quốc. Một khối lượng lớn các mặt hàng, tuy được ghi là sản xuất tại Trung Quốc, nhưng trong đó có các phụ tùng hoặc thiết bị của Nhật Bản.
Nhà kinh tế Ivan Tselichtchev, thuộc Đại học quản trị Niigata, Nhật Bản nhấn mạnh: “Làm yếu Nhật Bản về kinh tế sẽ đi ngược lại các lợi ích kinh tế của chính Trung Quốc”, các lãnh đạo ở Bắc Kinh rất thực dụng, khôn ngoan và hoàn toàn ý thức được điều này. Theo chuyên gia Tselichtchev, các cáo buộc, dọa dẫm nhau hiện nay chỉ dừng lại ở mức khẩu chiến và chủ yếu là gây sức ép về mặt tinh thần. Do vậy, “sẽ không có trả đũa kinh tế trên quy mô lớn. Ngược lại, Trung Quốc có thể có một số hành động mang tính biểu tượng để thể hiện sự bất bình như đình chỉ một dự án đầu tư hoặc ngăn cản một giao dịch nào đó”.
Theo các công ty xuất nhập khẩu Nhật Bản, hải quan Trung Quốc trong những ngày qua đã kiểm tra một cách tỉ mỉ hàng hóa nhập khẩu từ xứ sở hoa anh đào. Cách đây hai năm, cũng do căng thẳng về tranh chấp chủ quyền ở Senkaku/Điếu Ngư, Trung Quốc đã đình hoãn trong một thời gian việc xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản. Lần này, giới quan sát chưa ghi nhận được một hành động tương tự như vậy. Ông Chu Vĩnh Sinh (Zhou Yongsheng), giáo sư Trường đại học Ngoại giao Trung Quốc ở Bắc Kinh nhận định rằng, Trung Quốc có thể phát động một cuộc chiến tranh thương mại nếu như tình hình xấu đi, ví dụ Nhật Bản đưa tàu chiến tới khu vực đang có tranh chấp. Thế nhưng, kiểu trừng phạt này như con dao hai lưỡi, nhất là khi bên bị trừng phạt tiến hành biện pháp trả đũa và cuối cùng thì cả hai bên đều bị thiệt hại.
Nhật Bản trong quá khứ đã có lần trừng phạt kinh tế đối với Nga và hiện nay, đối với CHDCND Triều Tiên. Thế nhưng, theo chuyên gia Tselichtchev, cho dù bị Bắc Kinh trừng phạt, Tokyo sẽ không trả đũa để chứng tỏ là Nhật Bản chín chắn, hành xử có suy nghĩ hơn.
Lê Sơn (Theo AFP, Kyodo)