Đặt vòng tránh thai có gây vô sinh?
T.L (35 tuổi) ở Hưng Yên đến phòng khám Bệnh viện Phụ sản Trung ương để khám hiếm muộn. Cô chia sẻ, cô đã có con đầu lòng 9 tuổi, sau khi sinh T.L đã đi đặt vòng tránh thai, cách đây 1 năm 2 vợ chồng lại quyết định sinh em bé thứ hai nên đã tháo vòng nhưng đến nay vẫn chưa mang thai. T.L lo lắng không biết có phải do đặt vòng nên giờ không mang thai được nữa?
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết: "Sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết tố như đặt vòng, uống thuốc tránh thai, cấy que tránh thai… không ảnh hưởng đến khả năng sinh con trong tương lai".
Việc sử dụng thuốc tránh thai đường uống trong thời gian dài không ảnh hưởng đến khả năng có con trong tương lai vì trên thực tế, những người đã sử dụng thuốc tránh thai kết hợp (estrogen và progestin) trong nhiều năm được phát hiện là có khả năng sinh sản cao hơn so với nhiều phụ nữ đã sử dụng thuốc tránh thai trong thời gian ngắn hơn.
Giống như thuốc uống, các hình thức tránh thai nội tiết tố khác cũng không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản trong tương lai. Cho dù là vòng âm đạo, miếng dán, dụng cụ tử cung (vòng tránh thái), que cấy, thuốc tiêm, khả năng mang thai sau này sẽ không bị ảnh hưởng bởi các phương pháp này.
Bác sĩ Tuấn Anh cũng cho biết thêm, có nhiều nguyên nhân dẫn đến vô sinh, chẳng hạn như Hội chứng buồng trứng đa nang, u xơ tử cung, khối u lành tính (không ung thư) phát triển trong niêm mạc tử cung, lạc nội mạc tử cung, số lượng tinh trùng thấp và một số các vấn đề sức khỏe khác chứ không phải do dùng các biện pháp tránh thai.
Nguyên nhân nào chưa có thai sau khi sử dụng biện pháp tránh thai?
Chị H.N (29 tuổi) ở Hai Bà Trưng, Hà Nội cũng khám hiếm muộn sau khi sinh con được 3 năm và đã sử dụng thuốc uống tránh thai được 1 năm nhưng khi đã dừng thuốc được 6 tháng chị cũng chưa có thai. Chị N lo lắng vì trước khi uống thuốc tránh thai, chị cũng đã được bác sĩ tư vấn sau khi ngừng thuốc sẽ mang thai bình thường. Theo bác sĩ Tuấn Anh, sau khi dừng sử dụng các biện pháp tránh thai, khả năng sinh sản sẽ quay trở lại bình thường, nếu chưa mang thai có thể có một vài lý do sau:
Trì hoãn khả năng sinh sản
Chu kỳ kinh nguyệt sẽ trở lại trong vòng khoảng ba tháng sau khi ngừng hầu hết các hình thức ngừa thai nội tiết tố, nếu không muốn nói là sớm hơn. Mặc dù vậy, tùy thuộc vào biện pháp tránh thai được sử dụng và từng người, có thể mất một thời gian để khả năng sinh sản quay trở lại. Vì sự chậm trễ này, có vẻ như kiểm soát sinh sản đã ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản.
Có thể xảy ra hiện tượng chậm sinh sản trong thời gian ngắn từ 2 đến 6 tháng sau khi ngừng uống thuốc tránh thai. Vòng tránh thai, que cấy và miếng dán cũng có thể bị chậm từ 2 đến 4 tháng trước khi khả năng sinh sản trở lại sau khi ngừng sử dụng.
Với mũi tiêm ngừa thai có thể mất khá nhiều thời gian để cơ thể bạn bắt đầu rụng trứng sau mũi tiêm cuối cùng, trung bình phải mất có thể mất từ 6 đến 12 tháng sau lần tiêm cuối cùng trước khi chu kỳ bình thường trở lại và một số phụ nữ bị gián đoạn khả năng sinh sản trong tối đa 18 tháng. Lưu ý phải nói chuyện với bác sĩ về các lựa chọn tránh thai nếu đang có kế hoạch mang thai.
Đối với thuốc tránh thai đường uống, hiện tượng chậm kinh kéo dài ít nhất 6 tháng được gọi là vô kinh sau khi uống thuốc. Hiện tượng không rụng trứng này có thể không phải do sử dụng biện pháp tránh thai mà là do tình trạng sức khỏe tiềm ẩn.
Dụng cụ tử cung (vòng tránh thai) là một dụng cụ nhỏ hình chữ T có thể giữ nguyên vị trí trong nhiều năm và là một hình thức ngừa thai rất hiệu quả. Đây là điều mà mọi người có vẻ lo lắng nhất. Thực tế không có gì lo lắng nếu vòng tránh thai được đặt đúng cách sẽ không dẫn đến các vấn đề về khả năng sinh sản sau này. Trong những trường hợp rất hiếm, vòng tránh thai có thể bị dính vào mô tử cung hoặc gây ra sẹo. Nhưng ngay cả khi điều này xảy ra và vòng tránh thai phải được tháo ra thì cũng rất khó dẫn đến vô sinh.
Tình trạng sức khỏe
Khi ngừng các biện pháp tránh thai có thể phát hiện ra có những vấn đề sinh sản khác khiến không thể mang thai. Một số tình trạng sức khỏe có thể dẫn đến không rụng trứng hoặc rụng trứng không đều bao gồm:
- Mức độ căng thẳng cao
- Hyperprolactinemia (sản xuất quá nhiều hormone prolactin)
- Cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức)
- Suy giáp (tuyến giáp hoạt động kém)
- Trọng lượng cơ thể thấp
- Béo phì
- Suy buồng trứng sớm
- Hội chứng buồng trứng đa nang
Lớp lót nội mạc tử cung
Một lý do khác khiến nhiều phụ nữ tin rằng việc sử dụng biện pháp tránh thai lâu dài ảnh hưởng đến khả năng sinh sản liên quan đến nội mạc tử cung và lớp niêm mạc, đó là nơi phôi sẽ làm tổ trong thai kỳ. Những phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai trong 5 năm trở lên có nhiều khả năng có lớp lót nội mạc tử cung mỏng hơn. Lớp niêm mạc mỏng có thể khiến phôi khó cấy ghép để mang thai.
3. Lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp
Mặc dù chu kỳ kinh nguyệt tự nhiên trở lại sau khi sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết tố có thể bị trì hoãn, nhưng các chuyên gia đồng ý rằng việc sử dụng biện pháp tránh thai trong thời gian dài không phải là nguyên nhân gây vô sinh, điều đó có nghĩa là sử dụng biện pháp tránh thai để tránh mang thai hiện tại sẽ không ảnh hưởng đến khả năng thụ thai sau này. Bất kể kế hoạch ngắn hạn và dài hạn là gì, kế hoạch tốt nhất là đi khám theo định kỳ và có nghi ngờ gì về sức khỏe sinh sản hay nói chuyện với bác sĩ
Bác sĩ Tuấn Anh cho biết: "Điều quan trọng cần biết là có nhiều lựa chọn kiểm soát sinh sản. Đặc biệt là kiểm soát sinh sản nội tiết tố đã đi một chặng đường dài trong nhiều năm qua. Có một biện pháp tránh thai sẽ hiệu quả với tất cả mọi người, cho dù thích biện pháp tránh thai có nội tiết tố hay không có nội tiết tố".
4. Ngừng ngừa thai khi đã sẵn sàng mang thai
Bác sĩ Tuấn Anh khuyên: Khi lên kế hoạch mang thai, chỉ cần ngừng sử dụng các biện pháp tránh thai mà không cần đợi một khoảng thời gian dài, tuy nhiên nên thực hiện một số bước để chuẩn bị cho cơ thể mang thai như:
- Uống vitamin trước khi sinh.
- Bỏ hút thuốc (nếu hút thuốc)
- Giảm căng thẳng.
- Tập thể dục.
- Ăn uống tốt.
Khi dự định mang thai là thời điểm tốt để đến gặp bác sĩ để có thể nói về tiền sử sức khỏe, thuốc men và bất cứ điều gì có thể ảnh hưởng đến khả năng mang thai và có một thai kỳ khỏe mạnh.
Và nếu đã cố gắng mang thai trong 6 tháng đến một năm mà không thành công (hoặc từ 35 tuổi trở lên), cần đến cơ sở y tế chuyên khoa, bác sĩ có thể tư vấn các lựa chọn sinh sản để giúp mang thai.
Ngoài những yếu tố về tiềm ẩn sức khỏe, bác sĩ Tuấn Anh cũng nhấn mạnh, lối sống cũng có thể tác động đến khả năng thụ thai, uống nhiều rượu hoặc cà phê cũng có thể ảnh hưởng xấu đến việc sản xuất hormone. Hay hút thuốc, hút thuốc thụ động có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ hội mang thai. Khói thuốc lá, khói thuốc thụ động có thể gây rối loạn nội tiết tố. Chú ý, cân nặng cũng có thể là một yếu tố, mặc dù thừa cân hay thiếu cân không phải là nguyên nhân trực tiếp gây vô sinh nhưng nó cũng có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất hormone.
Trong trường hợp đã cố gắng mà không mang thai cần đi khám cả vợ lẫn chồng.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Thuốc tránh thai có thể giải nồng độ cồn, đúng hay sai?