Lú lẫn tuổi già thể hiện bắt đầu từ những trục trặc trong sinh hoạt thường ngày rất quen thuộc như nấu cơm, tắt mở đèn, tưới cây, đặt cất các đồ vật trong nhà... Khi bệnh tiến triển nặng, người bệnh thậm chí tiểu tiện lung tung, nói năng khó khăn, lú lẫn thời gian, quên cả người thân. Dù còn nhiều ý kiến chưa thống nhất và chưa rõ ràng về nguyên nhân gây nên bệnh lú lẫn tuổi già nhưng do việc điều trị căn bệnh này còn nhiều khó khăn nên việc phòng ngừa bệnh từ sớm rất cần được chú trọng. Sau đây là một số động tác tập luyện đơn giản, phổ biến, dễ thực hiện hàng ngày cho người trung niên, cao tuổi để phòng, chữa căn bệnh trên.
Đi bộ
Vào sáng sớm hay chiều tối (trước hoặc sau bữa ăn 1-2 tiếng) nên tập đi bộ (tốc độ tương đối nhanh) trong 30-60 phút ở nơi thoáng sạch. Tập như thế làm cho các cơ từ eo mông trở xuống phải căng thẳng, cử động cần thiết, nâng cao mức hấp thụ ôxy, kích thích có lợi cho tế bào não, phòng chống thoái hóa não. Cách tập này có tác dụng dự phòng cao và rất thích hợp với người cao tuổi.
Đi bộ tốc độ tương đối nhanh hàng ngày giúp phòng ngừa lú lẫn tuổi già.
Vận động 10 ngón tay
Chú ý kết hợp vận động 10 ngón tay với suy nghĩ qua việc khắc, vẽ tranh, nặn tượng, cắt hình, viết thư pháp, làm thơ, ghi nhật ký, khâu thêu, chơi đàn... Như thế sẽ giúp máu lưu thông rộng ở nhiều vùng trên não, thúc đẩy tuần hoàn não, kích hoạt cần thiết, phòng chống suy, teo não.
Tập tay với bi
Thường xuyên dùng lòng bàn tay và các ngón tay tập bóp, xoay viên bi đá, bi sắt hay một vật tương đương. Dùng hai tay co duỗi, mở ra, nắm vào hay tung bắt như trong trò chơi đánh chuyền, đánh chắt.
Tập cổ
Thường xuyên tập cổ: xoay, gập đầu cổ ra trước, sau, hai bên. Động tác này có thể làm ở mọi nơi, mọi lúc, bất kỳ khi nào rảnh rỗi. Tập luyện thế này không những làm cho khớp cổ linh hoạt, chống thoái hóa đốt sống cổ, dự phòng xơ cứng động mạch, thiếu máu não.
Ở người cao tuổi, các động tác xoay chuyển các khớp vai, eo, háng, đầu gối, cổ tay, cổ chân... đều có tác dụng tương tự như trên.