Kỳ 1: Chì độc hại thế nào?
Trong xã hội hiện đại văn minh, chúng ta không thể sống thiếu các kim loại. Điều này cũng không nằm ngoài quy luật với chì. Song chì cũng là một chất mà dưới góc độ y học, nó được liệt vào những kim loại hàng đầu gây ra bệnh tật và nhiễm độc cho cơ thể.
Trẻ em bị nhiễm độc chì do sống gần nhà máy hóa chất. |
Chì là một kim loại được liệt vào hàng độc nhất. Nó độc đến mức nếu người lao động làm việc trong các lò nấu chì, nếu hít thở 1.000mg chì thì tử vong ngay tại chỗ. Liều gây chết còn hạ thấp hơn nếu hít phải hơi chì hữu cơ. Chỉ cần hít thở không khí có nồng độ 5mg/lít chì hữu cơ thì đã có thể tử vong. Người bệnh sẽ bị đau bụng chì, bỏng rát thực quản, suy thận, suy gan, ức chế thần kinh, suy sụp chức năng tim mạch, thường là tử vong trước ngày thứ 4 của quá trình bệnh lý.
Khi chúng ta hít phải 10mg chì trong khí thở thì chỉ sau vài tuần sẽ bị nhiễm độc chì. Còn với nồng độ thấp hơn là 1mg/lít không khí hằng ngày thì thời gian bị bệnh là vài tháng. Đây chính là các trường hợp nhiễm độc chì mạn tính mà chúng ta vẫn hay gọi là bệnh nghề nghiệp do chì.
Khi vào cơ thể, chì tích lũy trong các mô nhiều mỡ, nhiều sừng, nhiều khoáng. Vì thế chì được tích lũy mạnh ở mỡ, não, thần kinh, da, lông, tóc, móng, xương, gan, thận, lách. Chúng sẽ tích lũy và sẽ gây hại dần dần.
Không kể các trường hợp cấp tính, hai bệnh cảnh nhiễm độc chì điển hình đó là thiếu máu do chì và bệnh não chì.
Thiếu máu do chì là vì chì làm ức chế tổng hợp hem, một nhân tố tối quan trọng của quá trình sản sinh hồng cầu. Không có nhân hem thì hồng cầu không thể được tạo ra và người bệnh sẽ rơi vào bệnh cảnh thiếu máu. Chì gây ra ức chế nhân hem vì nó ức chế một enzym chìa khoá trong tổng hợp chất này là hemosynthetase. Không những thế, chì còn gây ra biến dạng hồng cầu làm hồng cầu mất chức năng, người bệnh sẽ thiếu máu nặng nề hơn. Người ta còn thấy, chì có thể làm cho hồng cầu dễ vỡ, chết nhanh, nên nạn nhân đã thiếu máu lại càng thiếu máu trầm trọng. Thiếu máu là một trong những dấu hiệu đầu tiên và dễ thấy trong nhiễm độc chì.
Cảnh giác với bát đĩa màu sắc đẹp dễ nhiễm chì. |
Bệnh cảnh thứ hai hay gặp trong nhiễm độc chì là bệnh não chì. Vì chì ái tính với mỡ nên chì sẽ tồn lưu rất lâu trong thần kinh trung ương, nhất là não bộ. Khi chì thấm vào hệ thần kinh trung ương, chì phá hủy lớp màng tế bào thần kinh, tiêu diệt những tế bào thần kinh đệm, chì sẽ phá hủy bao myelin của hệ thần kinh ngoại vi làm hệ thần kinh ngoại vi mất chức năng. Người bệnh có dấu hiệu của một bệnh cảnh rối loạn thần kinh trung ương như thay đổi tính tình, dễ cáu giận, nhức đầu, hoang tưởng, ảo giác, đến mức độ nặng thì mê sảng, co giật, hôn mê và tử vong. Nếu không tử vong thì người bệnh sẽ bị teo não do chì. Ở hệ thần kinh ngoại vi thì xung động thần kinh không được dẫn truyền nên người bệnh mất khả năng vận động, chân tay teo nhỏ, thường là bệnh nhân bị dị cảm, tê buồn chi, mức độ nặng thì mất hoàn toàn cảm giác đau.
Dù với hình thức như thế nào và biểu hiện bệnh là gì thì mọi nạn nhân bị nhiễm độc chì đều có một số biểu hiện chung như: da xanh xao, tái nhợt, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, khó ngủ, ngủ không sâu. Mức độ nặng người bệnh bị dị cảm chi, yếu cơ, teo cơ, hoang tưởng, mê sảng, co giật và hôn mê. Nhiễm độc chì được chẩn đoán khi nồng độ chì trong máu trên 80µg%, hay có trên 80µg chì trong nước tiểu 24h hoặc giá trị delta ALA niệu trên 10mg/lít nước tiểu.
Ở những người trong độ tuổi sinh đẻ, chì gây ra đẻ non, đẻ nhẹ cân. Trong một số trường hợp, chì gây ra quái thai, dị dạng bẩm sinh ở trẻ em. Vì thế, việc phòng chống nhiễm độc chì cần được ưu tiên hàng đầu.
BS. Phúc Lâm (Học viện Quân y)