Hà Nội

Biện pháp ngăn chặn cúm gia cầm A/H7N9

26-02-2017 13:44 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc thống kê tỷ lệ tử vong do cúm gia cầm A/H7N9 vào tháng 1 năm nay cao gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái...

Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc thống kê tỷ lệ tử vong do cúm gia cầm A/H7N9 vào tháng 1 năm nay cao gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái và nâng số người chết vì căn bệnh này tính từ tháng 10/2016 lên 100 người, nguy cơ cúm gia cầm tái bùng phát rất có thể xảy ra nếu biện pháp phòng ngừa ít có hiệu lực. Vì vậy, chúng ta cần cảnh giác cao và đề phòng để không cho bệnh dịch này tràn sang nước ta.

Một số đặc điểm của bệnh cúm A/H7N9

Đặc điểm của virut cúm A/H7N9 là có khả năng biến đổi rất nhanh (biến đổi gene) và độc tính rất cao, khi lây sang người, bệnh diễn biến rất nặng và nguy cơ tử vong rất cao.

Virut cúm gia cầm A/H7N9 có khả năng gây bệnh trên người và hiện nay đang có nguy cơ bùng phát mạnh ở Trung Quốc. Chúng có khả năng nhân lên trong các cơ quan hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu, sinh sản ở đó và chúng có mặt trong chất tiết của đường hô hấp như nước mắt, nước mũi, nước bọt và chất tiết của đường tiêu hóa. Virut A/H7N9 gây bệnh cho gia cầm, có khả năng lây sang người và gây bệnh cho người (cho đến nay chưa thấy xuất hiện virut A/H7N9 lây từ người sang người).  Đối với chủng A/H7N9 là loại độc lực cao gây viêm hô hấp cấp, dẫn tới suy hô hấp nhanh chóng và nguy cơ tử vong rất cao (có thể đến 100%).Nghiêm cấm buôn bán gia cầm không rõ nguồn gốc. Ảnh: TM

Nghiêm cấm buôn bán gia cầm không rõ nguồn gốc. Ảnh: TM

Giống như các loại virut cúm gia cầm khác, chủng A/H7N9 có thể xâm nhiễm vào nhiều loại động vật khác nhau như gà, thủy cầm, chim hoang dại, lợn, ngựa, hải cẩu, cá voi, hổ và con người. Tuy nhiên, hiện giờ chưa có bằng chứng thực nghiệm nào cho thấy virut cúm gà có thể sống sót trong thức ăn đã được nấu chín, tuy vậy, chúng có khả năng tồn tại, phát triển trong thịt, trứng chưa nấu chín và các loại chất thải, nhất là chất thải lỏng (tồn tại được 105 ngày vào mùa đông), trong phân khoảng từ 30 - 35 ngày ở 4°C và 7 ngày ở 20°C. Virut cúm A/H7N9 cũng có thể tồn tại trong máu và tử thi ở nhiệt độ lạnh khoảng 3 tuần. Tuy vậy, chúng có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 700C trong vòng 15 phút hoặc có độ pH mạnh hoặc các loại hóa chất, thuốc sát trùng. Bệnh cúm gia cầm A/H7N9 lây truyền qua thịt, ruột của chúng, qua không khí, chất thải, phân và có thể gây nhiễm cho thức ăn, nước, dụng cụ vận chuyển, dụng cụ giết mổ, chế biến thực phẩm và quần áo. Do độc tính cao của A/H7N9 trong khi chưa có thuốc đặc trị và chưa có vắc-xin dự phòng nhưng chúng ta có thể hạn chế đến mức tối đa mầm bệnh lây lan từ bên kia biên giới sang Việt Nam.

Một số biện pháp ngăn chặn bệnh cúm A/H7N9

Đối với Việt Nam, Bộ Y tế nêu rõ, cho tới thời điểm này chưa ghi nhận có bất kỳ trường hợp nào nhiễm cúm A/H7N9 ở trên người. Tuy nhiên, nước ta có đường biên giới giáp với Trung Quốc. Việc buôn bán, giao lưu, đi lại giữa 2 quốc gia rất phức tạp, đặc biệt là việc buôn bán gia cầm nhập lậu, do đó, nguy cơ lan truyền dịch bệnh qua biên giới là rất lớn nếu không thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh một cách hiệu quả, nhất là trong mùa đông xuân như hiện nay. Vì vậy, để ngăn chặn không cho mầm bệnh vượt biên sang nước ta, điều quan trọng nhất và cốt lõi nhất là không cho các loại gia cầm, thủy cầm (cả loại gà thịt, cả loại gà giống, trứng của chúng), thịt động vật xâm nhập bất hợp pháp vào nước ta, đặc biệt là các tỉnh có biên giới giáp với Trung Quốc. Muốn đạt được kết quả tốt nhất, bắt buộc phải nghiêm cấm mọi cá nhân, tổ chức nhập lậu gà vịt, trứng của chúng, các loại thực phẩm thịt động vật qua biên giới và phải coi công việc này như một pháp lệnh. Nhập gia cầm, thủy cầm, trứng gà vịt, thịt động vật lậu vào thời điểm này ngoài việc không những không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn có nguy cơ cao đưa mầm bệnh gây chết người vào nước ta.

Với mọi người dân, cần đề cao cảnh giác chứ không nên hoang mang, lo lắng quá mức cần thiết, bên cạnh đó, cần tránh tiếp xúc với gia cầm, thủy cầm ốm, chết. Không mua, không ăn các loại gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc xuất xứ và tránh xa các loại thịt động vật và trứng gà, vịt nhập lậu.

Các loại thực phẩm có liên quan đến thịt gà, thủy cầm cần nấu chín. Các loại dụng cụ dùng giết mổ, chế biến thịt gia cầm cần vệ sinh và sát khuẩn bằng cách rửa xà phòng và luộc nước sôi. Với người chăn nuôi và buôn bán gà, vịt cần đề cao tinh thần trách nhiệm với sức khỏe của cộng đồng bằng cách không thịt, buôn, bán gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc. Và gia cầm ốm, chết phải chôn thật sâu kèm theo có hóa chất sát khuẩn (vôi bột, cloraminB). Phải chôn xa nguồn nước, xa khu dân cư, trường học, công sở. Ngay sau khi tiếp xúc với gia cầm, thủy cầm và giết mổ chúng, phải rửa tay sạch bằng xà phòng.


BS. Nguyễn Văn Khánh
Ý kiến của bạn