Quá trình lão hóa diễn ra nhanh, chậm rất khác nhau, phụ thuộc vào những yếu tố bên trong như gene, các hormon (nội tiết tố) và tuổi tác cũng như các yếu tố bên ngoài như môi trường, công việc, gia đình...
Những yếu tố khiến cơ thể nhanh lão hóa
Ngoài những tác động áp lực của sự mưu sinh cuộc sống, lao động, lo toan cho gia đình, cơm áo gạo tiền mà hầu như bất kỳ một cá nhân nào cũng phải đối mặt thì những thói quen, nếp sống trong sinh hoạt hàng ngày đã tác động không nhỏ và đó là những nguyên nhân chung gây ra hiện tượng lão hóa sớm cho cả hai giới nam và nữ.
Thói quen ngồi một chỗ và lười vận động không chỉ có hại cho sức khỏe, giãn tĩnh mạch hai chi dưới, bị trĩ mà còn khiến da bị lão hóa sớm. Lo lắng và căng thẳng tạo ra nhiều nếp nhăn trên trán và lâu dần sẽ hình thành những nếp nhăn cố định, khiến khuôn mặt trông như “già trước tuổi”. Bên cạnh đó, mất ngủ gây thiếu ngủ, ngủ không đủ giấc có thể làm mất cân bằng hormon dẫn đến tình trạng gia tăng lượng cortisol, mất cân bằng oxy hóa. Bên cạnh các yếu tố chung, mỗi giới nam và nữ còn có những yếu tố riêng mang đặc trưng giới tính gây ra hiện tượng lão hóa sớm.
Đối với nữ giới thì vấn đề sinh nở, cường độ làm việc cao (cả việc nhà và việc cơ quan), mặc cảm, thiếu tự tin (không dám làm đẹp cho mình), dễ dãi với bản thân hay chăm sóc bản thân không đúng cách... là những yếu tố thúc đẩy quá trình lão hóa sớm. Bên cạnh đó, sự suy giảm estrogen, nội tiết tố nữ, bắt đầu từ tuổi 35 và suy giảm nhanh chóng sau tuổi 40 càng khiến cơ thể nhanh lão hóa với biểu hiện khô, nám da, da nhăn nheo, kém tươi tắn.
Tập luyện thường xuyên là một cách làm chậm lão hóa.
Đối với nam giới việc suy giảm nội tiết tố nam testosteron, đặc biệt sau tuổi 40, do căng thẳng thường diễn ra một cách từ từ nên không được chú ý đúng mức không chỉ gây cho nam giới nhiều phiền toái về sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến hình dáng như rụng tóc, béo phì...
Biện pháp làm chậm lão hóa
Lão hóa là hiện tượng tự nhiên không thể nào tránh khỏi. Không có loại thuốc nào giúp kéo dài sự sống nhưng ta có thể sống một cuộc sống khỏe mạnh hạnh phúc lúc tuổi già. Nghĩa là ta có thể làm chậm hay giảm thiểu được những hậu quả không mong muốn của quá trình lão hóa, vẫn có thể duy trì được sức khỏe về thể chất lẫn tinh thần, giữ được tính năng động và độc lập trong cuộc sống. Muốn đạt được điều này cần nỗ lực thực hiện những yêu cầu sau:
Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Nhờ khám sức khỏe định kỳ bạn có thể phát hiện sớm trước khi bệnh trở nặng. Hãy luôn chú ý đến những bất thường của cơ thể ngay từ khi mới phát hiện và trao đổi với bác sĩ là cách tốt nhất để giữ gìn sức khỏe. Thận trọng khi dùng thuốc chữa bệnh, tốt nhất là chỉ dùng khi có ý kiến của bác sĩ hay dược sĩ.
Dinh dưỡng tốt: Khẩu phần cân đối, ăn nhiều rau quả, chất xơ, không ăn mỡ bão hòa, hạn chế thức ăn thức uống có đường, không ăn vặt. Càng lớn tuổi càng phải giảm bớt lượng calo đưa vào cơ thể. Nên hỏi ý kiến bác sĩ có nên dùng thêm vitamin bổ sung hoặc các loại thực phẩm chúc năng. Hạn chế rượu bia, uống nhiều nước.
Rèn luyện thể chất và tinh thần: Tập luyện đều đặn, một ngày ít nhất 30 phút. Hãy chọn bất cứ môn nào bạn thích: đi bộ, chạy, đạp xe, tập yoga, chơi thể thao, khiêu vũ... Nếu có bệnh, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tập môn gì. Đều đặn tập luyện mỗi ngày có thể làm cho người ta trẻ lại 10-15 tuổi.
Đọc sách, chơi cờ, chơi ô chữ, học một môn học mới rất tốt để giữ tinh thần khỏe mạnh. Ngay cả khi tuổi đã già cũng không nên ngưng học vì sử dụng bộ não là bạn cải thiện sức khỏe cho tinh thần.
Thái độ sống tích cực lạc quan sẽ giúp bạn kéo dài tuổi thọ, khỏe mạnh và hạnh phúc hơn. Tiếng cười là phương thuốc tốt nhất giúp giảm stress và làm cho người ta trẻ lại, vì vậy đừng để một ngày qua đi mà không có nụ cười. Cần phải linh hoạt và chấp nhận những thay đổi bởi vì đó là điều tất yếu của cuộc sống. Gạt bỏ đi những tư tưởng bi quan tiêu cực vì chúng cũng nguy hại như độc chất làm hủy hoại sức khỏe của bạn. Đời người là một cuộc hành trình, còn biết bao điều thú vị ta chưa khám phá. Hãy tận hưởng cuộc sống.