Biện pháp hỗ trợ giảm triệu chứng viêm họng do liên cầu khuẩn

SKĐS - Viêm họng do liên cầu khuẩn là một bệnh nhiễm trùng cổ họng và amidan do vi khuẩn gây ra, cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, để giảm đau, khó chịu tại họng, bạn có thể áp dụng một số biện pháp khắc phục tại nhà.

Theo PGS.TS. Phạm Bích Đào - Bộ môn Tai Mũi Họng, Trường Đại học Y Hà Nội, viêm họng do liên cầu khuẩn có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng gặp nhiều ở lứa tuổi 5-15 tuổi.

Vi khuẩn gây bệnh thường khu trú ở họng và mũi. Bệnh dễ lây lan từ người bệnh sang người khỏe mạnh qua các hành động như sổ mũi, ho...

Các triệu chứng phổ biến nhất của viêm họng do liên cầu khuẩn là:

  • Sốt
  • Có những đốm đỏ nhỏ li ti trên vòm miệng
  • Đau khi nuốt
  • Đau họng
  • Sưng hạch bạch huyết
  • Amidan sưng đỏ, có mảng trắng hoặc mủ.

Các triệu chứng khác có thể là:

  • Buồn nôn
  • Đau bụng
  • Đau đầu
  • Phát ban lan rộng khắp cơ thể (tình trạng được gọi là bệnh ban đỏ)
  • Nôn (ở trẻ em).

Bệnh thường được điều trị bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, người bệnh có thể áp dụng thêm một số biện pháp để giảm nhanh triệu chứng đau họng, nuốt khó...

1. Chanh giúp giảm viêm họng

Mặc dù quả chanh có kích thước nhỏ nhưng chanh chứa nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin C, một chất chống oxy hóa mạnh tác dụng như một chất tăng cường miễn dịch. Bên cạnh đó, chanh còn có đặc tính kháng khuẩn cao, có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn, giúp giảm đau.

Cách sử dụng chanh:

- Nước chanh: Sử dụng 1 thìa nước cốt chanh pha với nước ấm giúp giảm đau họng.

- Múi chanh: Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS. Đỗ Tất Lợi, dùng múi chanh phối hợp với muối ăn (muối trắng) để ngậm giúp sát khuẩn, chữa viêm họng.

photo-1690250618078

Uống nước chanh ấm giúp giảm đau họng.

2. Mật ong hỗ trợ giảm triệu chứng viêm họng

Mật ong còn gọi là bách hoa tinh, bách hoa cao, phong đường, phong mật. Một số nhà bác học Nga ở Kiep đã nghiên cứu ảnh hưởng của nhiều loại mật ong đối với nhiều loại vi khuẩn gây bệnh như Staphylococ, Streptpcoc, vi khuẩn lỵ, thương hàn… Kết quả của trên 2.000 thí nghiệm đã chứng minh mật ong có đặc tính kháng khuẩn, tiêu diệt hoặc ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn.

Bên cạnh đó, mật ong còn có tác dụng chữa lành vết thương, làm giảm đau và viêm liên quan đến viêm họng do liên cầu khuẩn.

Cách sử dụng: Pha mật ong với nước ấm hoặc cho mật ong vào trà. Uống hỗn hợp nước mật ong vài lần một ngày để giúp giảm đau họng.

Lưu ý, theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS. Đỗ Tất Lợi, mật ong có thể có độc nếu ong hút mật ở những cây có hoa độc như hoa phụ tử, hoa thuốc lá, hoa cà độc dược... nên khi sử dụng cần lựa chọn loại mật ong rõ nguồn gốc. Không sử dụng mật ong cho trẻ dưới một tuổi.

photo-1690250619713

Uống nước mật ong giúp sát khuẩn, giảm đau họng khi bị viêm họng do liên cầu khuẩn.

3. Gừng

Gừng chứa các chất hóa học thực vật có giá trị như zingerone, paradols, shogaols và gingerols có đặc tính kháng khuẩn, chống viêm và chống oxy hóa. Do đó, gừng được sử dụng như một trong những phương thuốc thảo dược chữa viêm họng do liên cầu khuẩn.

Cách sử dụng: Lấy lượng gừng tươi vừa đủ, giã nát và cho vào nước, đun sôi trong vài phút, lọc chất lỏng và loại bỏ trước khi uống. Có thể uống nhiều lần trong ngày giúp giảm đau họng do viêm họng do liên cầu khuẩn.

photo-1690250620289

Sử dụng gừng hỗ trợ trị viêm họng do liên cầu khuẩn.

4. Nước muối sát khuẩn họng

Do nước muối có tính ưu trương, nghĩa là có áp suất thẩm thấu cao hơn chất lỏng trong các tế bào nên khi súc miệng, chất lỏng trong tế bào bị hút ra bề mặt, kéo theo cả virus, vi khuẩn. Từ đó, giúp bạn loại bỏ vi khuẩn khi nhổ bỏ nước muối.

Mặc dù súc miệng nước muối không giúp giảm đau ngay lập tức nhưng tác dụng sát khuẩn có tác dụng hỗ trợ, tăng cường hiệu quả của các biện pháp khác khi kết hợp trị viêm họng do liên cầu khuẩn.

Cách pha nước muối hỗ trợ trị viêm họng: Dùng 1/4 thìa cà phê muối pha vào một nửa cốc nước ấm do nước ấm, giúp hòa tan muối dễ hơn và tăng cường lưu lượng máu trong cổ họng, cải thiện hoạt động của hệ miễn dịch. Bạn có thể dùng nước muối súc quanh miệng trong khoảng vài giây. Lặp lại điều này 2-4 lần trong ngày cho đến khi giảm đau họng.

photo-1690250620795

Súc miệng nước muối giúp tăng cường hiệu quả của các biện pháp điều trị viêm họng do liền cầu khuẩn.

5. Trà thảo dược

Trà thảo dược như trà xanh, đinh hương, hoa cúc, mâm xôi và trà bạc hà có thể là biện pháp khắc phục tại nhà hiệu quả cho bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn.

Đối với trà xanh, tác dụng hỗ trợ trị viêm họng do liên cầu khuẩn được biết đến do trà xanh chứa polyphenol, chủ yếu là catechin, có khả năng ngăn chặn các cytokin gây viêm, từ đó giảm viêm họng do liên cầu khuẩn.

Bên cạnh đó, trà xanh và trà đinh hương đều có hoạt tính kháng khuẩn và chống oxy hóa. Trà bạc hà, quả mâm xôi và hoa cúc có thể giúp giảm đau và giảm viêm. Trà bạc hà còn có thể giúp làm tê cổ họng, từ đó giúp giảm đau.

Cách sử dụng: Bạn có thể sử dụng trà lá hoặc trà túi lọc. Cho lá rời hoặc túi trà vào nước sôi. Hãm trong vài phút và sử dụng nước sau khi lọc lá. Bạn nên uống trà một vài lần một ngày để có kết quả tốt nhất.

photo-1690250621282

Trà thảo dược hỗ trợ giảm đau họng tại chỗ khi sử dụng.

Mời bạn xem tiếp video về người viêm họng cần lưu ý gì khi ăn uống:

Người Viêm Họng Nên Ăn Và Kiêng Thực Phẩm Nào? | SKĐS


Lê Thu Lương
Ý kiến của bạn