Biện pháp giúp tuân thủ dùng thuốc

17-10-2020 11:33 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Không tuân thủ dùng thuốc là một trong những nguyên nhân quan trọng làm thất bại điều trị, dẫn đến kết quả xấu, giảm chất lượng cuộc sống, tăng tỷ lệ nhập viện và tăng chi phí khám chữa bệnh.Vậy làm cách nào giúp người bệnh có thể tuân thủ dùng thuốc hiệu quả.

Tuân thủ dùng thuốc là hành vi dùng thuốc theo chỉ định của thầy thuốc. Điều này bao gồm việc luôn dùng đúng thuốc, đúng liều lượng, vào đúng thời điểm, trong khoảng thời gian được khuyến nghị và không tự dùng thêm bất cứ thuốc nào... Thực hiện tối ưu và kiên trì điều trị sẽ giúp bệnh nhân đạt được kết quả lâm sàng tốt hơn và cải thiện chất lượng cuộc sống.Có thể thấy tuân thủ thuốc là một một phần của kế hoạch điều trị tổng thể cho những bệnh nhân mắc bệnh cấp tính và mạn tính phụ thuộc vào thuốc.

Nguyên nhân khiến người bệnh không tuân thủ và hệ lụy

Các lý do không tuân thủ thuốc ở mỗi người bệnh là khác nhau nhưng thường bao gồm:

Cảm thấy hết triệu chứng bệnh thì ngừng thuốc: Điều này rất thường xuyên xảy ra. Ví dụ, khi bị viêm họng, bác sĩ kê kháng sinh uống 7 ngày. Khi dùng thuốc được 3-4 ngày, hết ho, sốt, người dễ chịu hơn, người bệnh thôi không uống thuốc nữa.

Cần nhớ, triệu chứng giảm không có nghĩa là bệnh đã khỏi. Việc ngừng thuốc sẽ làm cho vi khuẩn có cơ hội bùng phát trở lại, mạnh mẽ hơn làm cho bệnh có thể sẽ trầm trọng hơn và tăng nguy cơ kháng thuốc. Đối với các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường... việc ngừng thuốc này sẽ làm cho người bệnh khó kiểm soát huyết áp, hay đường huyết... khiến huyết áp, đường huyết tăng trở lại, người bệnh không kịp trở tay, dễ gây biến chứng nặng nề.

Quên uống thuốc: Tình trạng này xảy ra đối với cả bệnh cấp và mạn tính. Thuốc thường được kê đơn uống 1-2 lần/ngày, nhưng do bận công việc, hay một lý do nào đó, người bệnh không uống đủ số lần trong ngày hoặc quên uống cả ngày thuốc hôm đó. Đối với các bệnh cấp tính, việc dùng thuốc này sẽ làm giảm hiệu quả điều trị, còn với bệnh mạn tính khó kiểm soát được bệnh, thậm chí gây nhờn thuốc...

Nhầm thuốc này với thuốc khác: Tình trạng này thường xảy ra khi phác đồ điều trị quá phức tạp, dùng nhiều loại thuốc cùng lúc hoặc trong ngày, trong khi nhận thức hoặc trí nhớ của người bệnh có hạn.

Biện pháp giúp tuân thủ dùng thuốcSử dụng các hộp chia thuốc giúp người bệnh tránh quên thuốc

Gặp tác dụng phụ khó chịu của thuốc: Đây cũng là một nguyên nhân phổ biến khiến người bệnh không tuân thủ thuốc. Khi gặp các bất lợi này, người bệnh thường cho rằng, thuốc không có hiệu quả còn gây hại và tự ý bỏ thuốc. Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với người bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, hen suyễn... Vì bỏ thuốc sẽ không kiểm soát được bệnh dễ gây biến chứng nặng nề. Trong trường hợp này, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn, hoặc thay thế thuốc thích hợp. Trong những trường hợp gặp tác dụng phụ nặng cần được xử lý y tế kịp thời.

Ngoài ra, các nguyên nhân khiến người bệnh không tuân thủ thuốc còn do người  bệnh thiếu sự tin tưởng vào liệu pháp điều trị của bác sĩ, thiếu nhận thức về sức khỏe và hậu quả của việc không tuân thủ, không có khả năng thanh toán thuốc (do chi phí điều trị cao)...

Những cách giúp bệnh nhân tuân thủ dùng thuốc

Phối hợp chặt chẽ giữa bệnh nhân với bác sĩ hoặc dược sĩ trong quá trình dùng thuốc

Người bệnh phải cởi mở, chủ động trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ để được giúp đỡ trong việc sử dụng thuốc khi còn những băn khoăn, thắc mắc... Ví dụ, trước khi dùng thuốc cần hiểu tại sao lại được kê đơn thuốc này, cách dùng thuốc và các tác dụng phụ có thể xảy ra...

Trong quá trình sử dụng nếu gặp các bất thường (có thể do thuốc hoặc do bệnh), cần liên hệ với bác sĩ để có lời tư vấn và hành động phù hợp. Ví dụ, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều lượng, thay đổi thời gian và liều dùng phù hợp với lịch trình của người bệnh hoặc thay sang một loại thuốc khác ít nguy cơ bất lợi hơn...

Sử dụng dụng cụ chia thuốc

Việc tuân thủ dùng thuốc trở nên phức tạp hơn khi kê đơn nhiều loại thuốc và càng khó khăn hơn khi lịch dùng thuốc khác nhau giữa các loại thuốc. Bệnh nhân cao tuổi mắc bệnh mạn tính có thể dùng lên đến 7 loại thuốc khác nhau cùng một lúc. Vì vậy, các hệ thống nhắc nhở người bệnh khi đến lúc uống thuốc có thể hữu ích cho việc tuân thủ thuốc.

Sử dụng các hộp chia thuốc sẽ giúp người bệnh phân loại thuốc theo ngày hoặc phân theo liều dùng trong ngày. Điều này sẽ giúp người bệnh tránh nguy cơ bỏ sót liều thuốc và uống thuốc đều đặn...

Đặt đồng hồ báo thức uống thuốc

Việc đặt báo thức có thể được lên lịch báo vào thời gian dùng thuốc được khuyến nghị. Với sự trợ giúp của điện thoại thông minh, việc đặt báo thức là một hình thức đắc lực hỗ trợ việc tuân thủ thuốc cho người bệnh...

Ngoài ra, có thể sử dụng lời nhắc để hỗ trợ bệnh nhân dùng thuốc. Ví dụ, các ứng dụng tự quản lý có thể gửi tin nhắn nhắc nhở bệnh nhân hoặc sử dụng giấy dán nhắc nhở cũng có hiệu quả trong hỗ trợ tuân thủ thuốc.


DS. Nguyễn Thu Giang
Ý kiến của bạn