Biện pháp giảm quá tải tại viện Nhi Trung Ương

08-04-2014 20:18 | Thời sự
google news

SKĐS - 2 tháng trở lại đây, BV Nhi TW luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhân trầm trọng. đặc biệt là bệnh nhân nội trú, trung bình khoảng 1.400 ca, nay đã tăng vọt lên đến 1.700 ca.

2 tháng trở lại đây, BV Nhi TW luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhân trầm trọng. đặc biệt là bệnh nhân nội trú, trung bình khoảng 1.400 ca, nay đã tăng vọt lên đến 1.700 ca.

Theo PGS.TS. Lê Thanh Hải - Giám đốc BV Nhi TW cho biết số bệnh nhân nặng cần thở máy từ 100 - 120 ca; bệnh nhân cần thở ôxy từ 200 - 250 ca. Số bệnh nhân sởi 203 ca; bệnh nhân viêm phổi 200 ca. Lượng bệnh nhân tăng trong khi nhân lực, máy móc, trang thiết bị không đáp ứng được nhu cầu khiến công tác điều trị gặp rất nhiều khó khăn.

Trước tình trạng này, ngày 04 tháng 4 năm 2014, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp chỉ đạo tuyến bàn giải pháp giảm tình trạng quá tải bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Nhi Trung ương và định hướng nâng cao năng lực chuyên ngành Nhi khoa của các bệnh viện tuyến dưới. Tại cuộc họp, PGS. TS. Nguyễn Viết Tiến đã có ý kiến kết luận chỉ đạo như sau:

Về phía bệnh viện Nhi Trung ương, trước mắt phải tiếp tục tập trung tối đa nguồn lực để khám chữa bệnh cho các bệnh nhi nặng bằng các biện pháp như: bố trí, tăng cường nhân lực tại phòng khám của bệnh viện để sàng lọc, phân loại bệnh nhi, chuyển các trường hợp bệnh nhẹ về tuyến dưới. Tập trung thầy thuốc, trang thiết bị y tế, thuốc điều trị và đặc biệt kê thêm giường bệnh để khám bệnh, chữa bệnh cho các bệnh nhi nặng, bố trí các khoa, phòng hợp lý, sử dụng giường bệnh của các khoa không quá tải để tập trung điều trị bệnh nhi thuộc các khoa quá tải. Thực hiện chuyển về tuyến dưới các trường hợp bệnh ổn định.

Các y, bác sĩ Bệnh viện Nhi TW phải thay nhau bóp bóng thở cho bệnh nhi vì thiếu máy thở do quá tải. Ảnh: Trần Minh

Phối hợp giữa các viện để điều trị bệnh nhân nặng

Các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế như: Bạch Mai, E, Bệnh Nhiệt đới Trung ương sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ Bệnh viện Nhi Trung ương trong việc điều trị bệnh nhân nặng khi cần thiết. Đặc biệt là bệnh sởi đang bùng phát hiện nay, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẩn trương tổ chức các nghiên cứu để kết luận về tình trạng bệnh Sởi hiện nay. Xem xét xem những bệnh nhân mắc bệnh sởi đã được tiêm chủng hay chưa tiêm chủng, tìm hiểu nguyên nhân khiến các gia đình không cho trẻ tiêm chủng, cần tư vấn và giải thích hợp lý cho người dân về bệnh dịch và tiêm chủng.

Bên cạnh đó, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương: Phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác truyền thông về chẩn đoán, chăm sóc và điều trị các bệnh lý hô hấp như viêm phế quản phổi, bệnh sởi, cách chăm sóc và điều trị tại nhà; tích cực đưa tin để người dân hiểu về các cảnh báo của ngành y tế, chia sẻ khó khăn của ngành y tế, tuy nhiên không nên đưa thông tin gây tình trạng hoang mang đối với người dân.

Tăng cường tuyên truyền, khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến dưới

Sở y tế tại các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo, thực hiện, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát tình hình bệnh hô hấp tại trẻ em trên địa bàn địa phương và việc tổ chức khám bệnh, chữa bệnh cho bệnh nhân tại bệnh viện nhi, sản nhi, bệnh viện đa khoa tỉnh có khoa nhi. Đồng thời thực hiện việc khảo sát, đánh giá thực trạng chuyên ngành nhi khoa tại địa phương, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố tăng cường đầu tư trang thiết bị y tế, nâng cấp cơ sở hạ tầng cho các bệnh viện nhi, sản nhi, khoa nhi của bệnh viện đa khoa tỉnh

Các bệnh viện nhi, sản nhi, bệnh viện đa khoa tỉnh có khoa nhi chuẩn bị tốt các điều kiện khám bệnh, cấp cứu và điều trị các bệnh lý nhi khoa khác khi có diễn biến dịch bệnh xảy ra. Các bệnh viện Rà soát, xác định nhu cầu đào tạo, chuyển giao kỹ thuật đề nghị tuyến trên hỗ trợ theo các nguồn tài trợ của các đề án, dự án: Đề án bệnh viện vệ tinh, Đề án 1816, Đề án 47, Đề án 930, Dự án Hỗ trợ y tế các tỉnh Đông Bắc Bộ và Đồng bằng sông Hồng và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Tăng cường công tác chỉ đạo tuyến

Về lâu dài, để giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện cần tăng cường thực hiện hoạt động hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật nâng cao năng lực tuyến dưới theo các Đề án bệnh viện vệ tinh, Đề án 1816, Đề án 47, Đề án 930 và Dự án hỗ trợ y tế các tỉnh Đông Bắc bộ và Đồng bằng Sông Hồng.

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh sẽ làm đầu mối chỉ đạo thực hiện quy định về chuyển tuyến hợp lý, quán triệt thực hiện vận chuyển bệnh nhân an toàn, cần có sự trao đổi liên hệ giữa bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới trước khi chuyển bệnh nhân. Nếu bệnh nhân yêu cầu chuyển lên tuyến trên phải có hướng dẫn và tư vấn hợp lý.

Cần có sự phối hợp liên ngành

Vụ Kế hoạch – Tài chính Bộ Y tế cần phối hợp với Bộ Tài chính và Cục Dự trữ Quốc gia giải quyết nguồn kinh phí cho bệnh viện để đáp ứng công tác chống dịch khi có dịch bệnh xảy ra và bổ sung máy thở kịp thời phục vụ bệnh nhân.

Vụ Bảo hiểm y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam thống nhất phương án thanh toán viện phí phù hợp cho các bệnh nhân nặng, giải quyết kịp thời vấn đề vượt trần bảo hiểm tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

 

Thanh Loan

 


Ý kiến của bạn