Khi bạn chỉ có đơn độc một trong các chứng này thì không có nghĩa là bạn bị hội chứng chuyển hóa. Tuy vậy, bất kỳ một chứng nào trong số đó cũng đều có thể làm tăng nguy cơ và khi có nhiều hơn các chứng bệnh phối hợp thì nguy cơ càng lớn hơn.
Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh
Người mắc hội chứng chuyển hóa (HCCH) thường xuất hiện các triệu chứng: tăng huyết áp, tăng insulin làm rối loạn dung nạp glucose; tăng nồng độ chất béo triglyceride; giảm cholesterol tốt HDL; béo phì.
Theo tiêu chuẩn chẩn đoán của Tổ chức Y tế Thế giới, người mắc bệnh sẽ gồm 3 trong 5 dấu hiệu sau: có béo bụng, vòng eo trên 102cm ở nam và trên 88cm ở nữ; tăng triglyceride máu trên 150mg/dl; nồng độ HDL-c dưới 40mg/dl ở nam và dưới 50mg/dl ở nữ; huyết áp trên 130/85mmHg; đường huyết lúc đói trên 110mg/dl.
Người châu Á, trong đó có Việt Nam mắc bệnh gồm các tiêu chuẩn: vòng eo trên 90cm ở nam và trên 80cm ở nữ; đường huyết lúc đói trên 110mg/dl hoặc bị bệnh đái tháo đường; HDL-C dưới 40mg/dl ở nam và dưới 50mg/dL ở nữ; triglyceride trên 150mg/dl; huyết áp trên 130/85mmHg hoặc đang điều trị tăng huyết áp.
Những ảnh hưởng của hội chứng chuyển hóa.
Ai dễ gặp và hệ lụy?
HCCH là kết quả của nhiều yếu tố: tuổi tác, bệnh sử gia đình và di truyền (một số gene làm cho dễ mắc hội chứng này), ăn uống không hợp lý, các thay đổi hormon (như ở tuổi sau mãn kinh, hội chứng buồng trứng đa nang ở tuổi sinh đẻ), môi trường sống tĩnh tại, ít hoạt động thể lực, stress... Có càng nhiều yếu tố nguy cơ thì càng có nguy cơ lớn hơn của đái tháo đường và bệnh tim mạch.
Các rối loạn về chuyển hóa kết hợp thúc đẩy sự hình thành và phát triển của các mảng xơ vữa trong động mạch, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và mạch máu não cũng như làm tăng tỷ lệ tử vong do các nguyên nhân này. HCCH dẫn đến tình trạng xơ vữa mạnh ở các mạch máu lớn và nhỏ, trong đó, những vùng thường gặp là: cung (quai) động mạch chủ, động mạch vành; động mạch cảnh trong, động mạch dưới đòn; động mạch não giữa, động mạch thân nền. Phình mạch: hay gặp ở động mạch thân nền, động mạch cảnh trong. Các bệnh động mạch nhỏ.
Dự phòng và điều trị HCCH
Mục đích chính của điều trị HCCH là nhằm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đái tháo đường type 2. Vì vậy, việc thay đổi lối sống là điều quan trọng hàng đầu để đề phòng và giảm nhẹ các nguy cơ ngắn và dài hạn. Can thiệp vào lối sống bao gồm:
Ăn uống hợp lý: Giảm lượng ăn các chất béo và đường; ăn nhiều rau, hạt, củ, quả, thịt nạc và cá, tránh dùng các thực phẩm chế biến với dầu thực vật (dễ tạo ra các acid béo không no), hạn chế dùng các thực phẩm chế biến (thường có nhiều muối và được cho thêm đường).
Chế độ ăn Địa Trung Hải cũng rất đáng tham khảo: giàu mỡ “tốt” (dầu olive), chứa tỷ lệ carbohydrat và protein hợp lý (như cá và gà).
Tập thể dục: Tập nặng vừa phải, ví dụ như đi bộ ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5-7 ngày trong tuần.
Giảm cân nặng: Giảm cân nặng giúp giảm nguy cơ bệnh tim. Mục tiêu là giảm 7-10% cân nặng hiện có của bạn, cần ăn giảm 500-1.000 calo/ngày để đạt chỉ số trọng lượng cơ thể (BMI) dưới 25kg/m2.
Giảm LDL-cholesterol và giảm huyết áp: Bằng cách giảm cân, tập thể dục kết hợp dùng thuốc khi cần. Bỏ thuốc lá là yếu tố nguy cơ chính của các vấn đề về tim mạch.
Lời khuyên của thầy thuốc
Để phòng tránh các rối loạn chuyển hóa, cần loại bỏ những yếu tố gây xơ vữa động mạch có thể phòng tránh được gồm: tránh béo phì; bỏ hút thuốc lá; điều trị tích cực bệnh tăng huyết áp; kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường; điều trị rối loạn lipid máu; tăng cường vận động thể lực; bỏ hẳn hoặc hạn chế uống rượu; tránh mọi căng thẳng (stress); phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn... Ngoài ra, cách đơn giản nhất và hiệu quả nhất là tầm soát sớm theo định kỳ để biết tình trạng sức khỏe của mình và chủ động điều chỉnh. Cần tầm soát định kỳ những bệnh lý thường gặp, tầm soát những nhóm bệnh nhất định trên những đối tượng nhất định (nhóm nguy cơ). Chủ động khám sức khỏe và xét nghiệm định kỳ ít nhất mỗi năm 1 lần. Phát hiện sớm các rối loạn là cách duy nhất để ngăn ngừa nguy cơ bệnh lý diễn ra.