Hà Nội

Biện pháp đơn giản khắc phục táo bón khi mang thai để ngăn ngừa bệnh trĩ

19-02-2022 13:19 | Sức khỏe sinh sản

SKĐS - Có đến 40% phụ nữ mang thai bị táo bón. Bệnh trĩ cũng rất phổ biến, đặc biệt là trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của thai kỳ. Khoảng 30 - 40% phụ nữ sẽ mắc bệnh trĩ khi mang thai.

1. Những nguyên nhân gây táo bón và trĩ khi có thai

Táo bón là tình trạng khi phân khô và khó thoát ra ngoài. Nói chung, đi tiêu ít hơn 3 lần mỗi tuần cũng có liên quan đến táo bón. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến táo bón ở phụ nữ mang thai:

- Sự gia tăng các hormone, đặc biệt là progesterone trong thời kỳ mang thai làm chậm sự di chuyển của thức ăn qua ruột và tăng khả năng hấp thụ nước. Giai đoạn sau của thai kỳ, tử cung mở rộng sẽ chèn ép ruột già và do đó có thể làm chậm quá trình di chuyển của thức ăn qua ruột.

- Ngoài ra, nhiều bà bầu thay đổi chế độ ăn uống vì cảm giác buồn nôn. Một số thậm chí gặp khó khăn khi uống nhiều nước như bình thường hoặc bị mất nước do nôn nghén khi mang thai. Thêm nữa, phụ nữ mang thai thường ít vận động hơn trong thai kỳ, điều này có thể thúc đẩy táo bón.

- Bổ sung sắt cũng có thể gây táo bón ở một số phụ nữ.

Trĩ là các tĩnh mạch xung quanh hậu môn có thể sưng lên. Táo bón là nguyên nhân chính dẫn đến sự xuất hiện của các búi trĩ. Ngoài ra, khi quá trình mang thai phát triển, tử cung mở rộng và gây áp lực lên các tĩnh mạch xung quanh hậu môn, khiến chúng bị sưng lên. Bệnh trĩ có thể rất khó chịu. Chúng có thể gây ngứa và chảy máu nhẹ.

ThS.BS. Nguyễn Ngọc Đan - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.
https://suckhoedoisong.vn/benh-tao-bo...

2. Một số phương pháp đơn giản giúp cải thiện táo bón

Có một số cách để giảm táo bón. Ngoài ra, vì táo bón thường là nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của bệnh trĩ, những mẹo này cũng có thể giúp ngăn ngừa bệnh trĩ.

Biện pháp đơn giản khắc phục táo bón khi mang thai để ngăn ngừa bệnh trĩ - Ảnh 1.

Thực phẩm giàu chất xơ phụ nữ mang thai nên bổ sung hàng ngày.

2.1. Chế độ ăn uống

Chất xơ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của ruột. Một số loại chất xơ làm tăng khối lượng phân, giúp tăng tốc độ di chuyển qua ruột. Những chất xơ khác hút nước vào phân. Dù bằng cách nào, chất xơ cũng làm cho phân mềm hơn. Do đó, phụ nữ mang thai nên tăng lượng chất xơ nạp vào mỗi ngày để đạt được tổng số 28g.

Dưới đây là một số thực phẩm giàu chất xơ:

  • Ngũ cốc nguyên hạt (cám lúa mì, cám yến mạch, lúa mạch)
  • Các loại đậu (đậu tây, đậu lăng, đậu gà,...)
  • Trái cây (táo, trái cây họ cam quýt, dâu tây, lê) và rau (bắp cải, bông cải xanh, măng tây, đậu xanh và đậu Hà Lan, cải Brussels, cà rốt)
  • Quả hạch và hạt (hạt lanh, hạt chia)
  • Trái cây khô, đặc biệt là mận khô. Nước ép mận khô cũng có thể là một lựa chọn thú vị.

Tuy nhiên, việc đột ngột tiêu thụ một lượng lớn chất xơ có thể gây đầy hơi. Để tránh những nhược điểm này, cách tốt nhất là tăng dần lượng chất xơ tiêu thụ.

Ngoài ra, tăng lượng chất xơ nên đi kèm với tăng lượng nước. Nếu không, phân sẽ có khối lượng lớn hơn, nhưng vẫn khô. Điều này sau đó có thể làm cho tình trạng táo bón trở nên tồi tệ hơn. Do đó, bạn nên uống từ 1,5-2 lít nước mỗi ngày, tức là từ 6-8 ly.

Biện pháp đơn giản khắc phục táo bón khi mang thai để ngăn ngừa bệnh trĩ - Ảnh 2.

Bà bầu nên uống đủ lượng nước cần thiết mỗi ngày.

2.2. Tập thể dục

Tập thể dục thường xuyên để tác động lên cơ bụng và cải thiện nhu động ruột. Phụ nữ mang thai nên vận động thể dục cường độ trung bình 30 phút khoảng 3- 4 lần một tuần. Đi bộ và bơi lội là những lựa chọn tốt.

Biện pháp đơn giản khắc phục táo bón khi mang thai để ngăn ngừa bệnh trĩ - Ảnh 3.

Phụ nữ mang thai nên duy trì chế độ tập luyện thích hợp.

2.3. Thay đổi thói quen vệ sinh

Một số thói quen trong lối sống có thể giúp bạn đi tiêu đều đặn hơn.

  • Cố gắng đi vệ sinh vào cùng một giờ mỗi ngày.
  • Đi vệ sinh vào buổi sáng khi thức dậy hoặc sau bữa ăn.
  • Đi tiêu khi có nhu cầu và tránh nhịn.
  • Ngoài ra, tư thế sau sẽ dễ dàng cho sự di chuyển phân hơn: đặt chân lên một băng ghế nhỏ sao cho đầu gối cao hơn hông một chút và đặt cẳng tay lên đùi trong khi vẫn giữ thẳng lưng.
  • Có thể mát-xa bụng bằng cách xoa theo vòng tròn về phía bên trái có thể hữu ích.

2.4. Một số biện pháp giảm khó chịu khi mắc bệnh trĩ

Nếu đã áp dụng những mẹo này nhưng bệnh trĩ vẫn xuất hiện thì những mẹo sau đây sẽ giúp bạn giảm bớt sự khó chịu.

  • Tránh đứng quá lâu.
  • Hãy thử ngủ nghiêng về bên trái.
  • Chườm lạnh vào búi trĩ.
  • Không rặn khi đi tiêu.
  • Sau khi đi đại tiện, lau vùng hậu môn bằng khăn ẩm chứ không dùng giấy vệ sinh khô. Thực hiện động tác nhấn hơn là xoa lau.
  • Tắm tại chỗ bằng cách ngâm vùng xung quanh hậu môn vào bồn tắm (trong nước ấm khoảng 20 phút, 3 đến 4 lần một ngày).

3. Sử dụng một số thuốc không kê đơn hỗ trợ điều trị

Nếu việc áp dụng các biện pháp kể trên không giúp thuyên giảm táo bón, bạn có thể sử dụng một loại thuốc làm mềm phân. Các sản phẩm không kê đơn này an toàn cho phụ nữ mang thai và cho con bú. Nếu tình trạng táo bón vẫn tiếp diễn, hãy hỏi ý kiến bác sĩ.

Trong trường hợp bị trĩ, có thể bôi thuốc mỡ kẽm hoặc thuốc chứa glycerin có bán tại hiệu thuốc. Tuy nhiên, một số loại thuốc mỡ kẽm có chứa thuốc giảm đau hoặc thuốc đạn có chứa esculin không được khuyến khích trong thời kỳ mang thai. Trong trường hợp bị đau, bạn có thể dùng acetaminophen giúp giảm đau an toàn. Nếu cơn đau vẫn đáng kể mặc dù đã áp dụng các biện pháp này, hãy thảo luận tình hình với bác sĩ. Bác sĩ có thể kê một loại thuốc mỡ hiệu quả hơn.

https://suckhoedoisong.vn/benh-tao-bo...
Vì sao phụ nữ dễ bị trĩ khi mang thai và sinh con? Vì sao phụ nữ dễ bị trĩ khi mang thai và sinh con?

SKĐS - Thiên chức làm mẹ là điều thiêng liêng mà phụ nữ nào cũng mong muốn. Thế nhưng khi mang thai, hầu hết các chị em đều bị nghén với nhiều biểu hiện khác nhau như nôn, mệt mỏi, thiếu sắt, buồn ngủ...

Xem thêm video đang được quan tâm:

Lớp học xuất hiện F0: Trường học an toàn không phải là “Zero COVID".

Thiên Châu
Ý kiến của bạn