Biện pháp đơn giản để phòng muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết

14-09-2019 09:32 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virut Dengue gây ra có thể lây thành những vụ dịch lớn.

Bệnh thường xảy ra ở các nước nằm trong khu vực có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Ở Việt Nam, bệnh lưu hành rộng rãi kể cả thành thị và nông thôn. Bệnh thường xảy ra tập trung chủ yếu vào mùa mưa.

Virut Dengue thuộc chi Flavivirus gồm 4 týp được ký hiệu lần lượt là D1, D2, D3, D4. Cả 4 týp đều có thể gây bệnh và chúng thường luân phiên gây nên các vụ dịch. 4 týp này không có miễn dịch chéo nên khi người bệnh mắc 1 trong 4 týp vẫn có khả năng bị lại do các týp khác gây ra.

Trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết là muỗi aedes hay còn gọi là muỗi vằn. Muỗi vằn sau khi đốt, hút máu người bệnh sốt xuất huyết hoặc người bệnh mang virut Dengue nhưng không biểu hiện triệu chứng (người lành mang bệnh), rồi sau đó đốt người khỏe mạnh sẽ đưa virut vào cơ thể người khỏe mạnh qua vết đốt đó.

Muỗi aedes gồm 2 loại với tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó loại muỗi Aedes aegypti là tác nhân chính gây bệnh trong các ổ dịch lưu hành. Muỗi Aedes có màu đen, trên thân và chân có những đốm trắng nên có tên khác là muỗi vằn. Muỗi vằn cái thường chỉ hoạt động và đốt người vào ban ngày, mạnh nhất là vào lúc sáng sớm và lúc chiều tối. Thường cư trú tại góc tối trong nhà, trên quần áo và các đồ dùng trong nhà. Muỗi vằn sinh sản, đẻ trứng ở những vùng có nước đọng như: ao, hồ, trong các dụng cụ chứa nước... Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình hàng tháng trên 200C. Nhiệt độ cao thì khả năng sinh sản của muỗi tăng lên.

Muỗi vằn cái hút máu người bệnh nhiễm virut Dengue, virut sẽ ủ bệnh trong cơ thể muỗi khoảng 8 - 11 ngày. Sau đó, virut đến cư trú tại tuyến nước bọt của muỗi, lúc này, chúng có thể gây bệnh sốt xuất huyết trong suốt thời gian sống còn lại, vì thế chỉ cần 1 con mang mầm bệnh có thể lây bệnh cho nhiều người lành.

Bệnh sốt xuất huyết lây bệnh chủ yếu qua muỗi vằn nên loại trừ trung gian truyền bệnh là một trong những cách phòng bệnh hiệu quả.

Một số biện pháp phòng sốt xuất huyết hiệu quả.

Một số biện pháp phòng sốt xuất huyết hiệu quả.

Một vài cách đơn giản để khống chế muỗi

Trước đây, các biện pháp thường được sử dụng để diệt muỗi như bình xịt, kem bôi da, hương diệt muỗi. Nhưng hiện nay, các biện pháp hiện đại sử dụng các sinh vật có khả năng tiêu diệt muỗi hoặc các phương pháp sinh học và vật lý khác, hạn chế sử dụng chất hóa học có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Dùng sinh vật (sử dụng thiên địch để diệt muỗi): Ở nhiều nơi, để diệt muỗi và ấu trùng được các nhà chức trách khuyến cáo nuôi cá hoặc lươn nhỏ trong bể nước để tiêu diệt bọ gậy.  Nuôi chuồn chuồn ngoài đồng ruộng. Các ấu trùng chuồn chuồn trong nước ăn bọ gậy, còn chuồn chuồn trưởng thành bắt muỗi trong không trung.  Nuôi bò sát nhỏ như thạch sùng để ăn muỗi trong nhà. Bảo vệ dơi bắt muỗi trong không trung. Dùng các côn trùng thủy sinh thuộc họ corixidae để diệt lăng quăng.

Cải tạo môi trường: mục đích chủ yếu là làm giảm hoặc phá bỏ các ổ nước là nơi muỗi đẻ, do đó sẽ làm giảm mật độ muỗi. Đây là biện pháp đơn giản, rẻ tiền nhưng nhiều khi mang lại hiệu quả cao. Có thể thực hiện các hình thức sau: Hủy bỏ nơi sinh sản: thu dọn và phá hủy các dụng cụ như lốp xe ôtô, mũ sắt, các hộp kim loại, hộp nhựa... Lấp đầy các ổ nước bằng đất, đá hoặc tháo cạn nước trong các ổ nước. Làm thay đổi tốc độ dòng chảy, thay đổi độ mặn của nước, vớt thực vật thủy sinh trong các thủy vực làm cho môi trường trở nên không thuận lợi cho sự phát triển của bọ gậy và lăng quăng. Phát quang cây cối: vừa làm giảm nơi sinh sản của các loài thích đẻ trứng trong các ổ nước có bóng râm, vừa phá bỏ nơi trú ẩn của muỗi trưởng thành.

Bẫy điện: Đèn bẫy muỗi được chế tạo với một đèn phát ánh sáng hấp dẫn muỗi và côn trùng tụ tập đến, bao quanh bởi lưới kim loại có hiệu điện thế thấp. Khi muỗi và côn trùng sa vào lưới, dòng điện nhỏ sẽ phóng qua và tiêu diệt chúng. Phương pháp này sử dụng được trong nhà và ngoài trời. Ngoài ra, dùng vợt điện có thể có ích trong nhà nhưng không có tính hiệu quả cao.

Lưới chống muỗi: Lưới chống muỗi ngoài việc chống muỗi, chống bụi còn có tác dụng tạo không khí thoáng mát trong phòng, ngăn cản ánh sáng, sử dụng tiện lợi, tạo một phòng tuyến mạnh khỏe cho gia đình.

Máy phát siêu âm xua muỗi: Các máy này được chế tạo nhỏ như đồng hồ, đeo ở tay, chạy pin, phát ra sóng siêu âm khiến muỗi không muốn lại gần nhưng tai người không nghe thấy gì. Tiện dụng khi ta đi du lịch các vùng đất nhiều muỗi.

Sử dụng muỗi biến đổi gene: Có thể tạo ra chủng muỗi đực bị mất khả năng sinh sản khi chiếu phóng xạ rồi thả chúng vào tự nhiên. Các con muỗi đực vô sinh sẽ cạnh tranh giao phối với muỗi đực thường, giảm tỷ lệ sinh của muỗi.

Xua muỗi: Một cách khác để giảm thiểu khả năng bị muỗi ảnh hưởng đến sức khỏe là ngăn cản không cho chúng tiếp xúc với cơ thể.

Bật đèn sáng: Muỗi rất sợ đèn sáng vào buổi tối, những ngôi nhà có ánh sáng mạnh sẽ xua được muỗi vào nhà tìm mồi đốt máu.

Màn chống muỗi: Các biện pháp dùng màn và lưới không gây hại cho sức khỏe hay môi trường, chi phí không cao và phát huy tác dụng trong thời gian dài. Màn ngủ là phương pháp hiệu quả để phòng chống muỗi đốt khi ngủ. Lưới cửa là các lưới kim loại (hay nhựa) có lỗ nhỏ, không cho muỗi hay các loại côn trùng vượt qua và xâm nhập nhà ở nhưng vẫn đảm bảo thoáng khí và ánh sáng.

Thuốc xua muỗi: Thuốc bôi lên da để xua muỗi khỏi da, tiện dụng khi đi du lịch đến vùng đất nhiều muỗi. Chúng thường chứa các hóa chất sau: Deet, tinh dầu, nepetalactone...

Dùng hóa chất: Thuốc xịt, có thể được xịt ở những khu vực ngoài trời rộng lớn. Một số thuốc xịt còn được xịt tiêu diệt muỗi và các côn trùng khác trong nhà ở, khi mọi người đi vắng. Việc dùng thuốc xịt gây tranh cãi vì nó không chỉ độc cho con người mà còn tiêu diệt các sinh vật ăn muỗi, làm mất cân bằng sinh thái.

Hương xua muỗi (còn gọi là nhang muỗi), có thể được đốt trong nhà khi mọi người đi vắng. Nó có thể tiêu diệt muỗi trong phạm vi nhà ở và không duy trì được tác dụng lâu dài. Hương xua muỗi có thể gây độc cho người và tạo nguy cơ hỏa hoạn.


ThS. Đức Hùng
Ý kiến của bạn