1. Ai dễ mắc thoái hóa xương sụn tuổi thiếu niên?
Thoái hóa xương sụn thiếu niên là bệnh gặp thường ở trẻ em, cũng có thể gặp ở người trưởng thành. Bệnh có thể gặp ở nhiều vị trí với các tên bệnh khác nhau. Nhìn chung người ta phân làm ba nhóm chính:
- Nhóm có tổn thương ở cột sống: Bệnh gù đau thiếu niên Scheuermann.
- Nhóm có tổn thương khớp, xương như bệnh Legg- Perthes- Calve tổn thương chỏm xương đùi. Bệnh Kohler tổn thương xương thuyền cổ chân. Bệnh Panner tổn thương lồi cầu khuỷu tay. Bệnh Freiberg tổn thương xương đốt bàn chân thứ hai...
- Nhóm khác: Nhóm này không có đầy đủ những đặc điểm của nhóm bệnh thoái hóa xương sụn tuổi thiếu niên (không hay gặp ở tuổi thiếu niên hoặc vị trí bệnh không đặc hiệu) như bệnh Kienbock tổn thương xương nguyệt ở cổ tay thường gặp ở người lớn 20-40 tuổi. Bệnh Sever tổn thương xương gót. Bệnh Osgood-Schlatter tổn thương lồi củ xương chày, viêm xương sụn bóc tách.
Hiện nay, nguyên nhân của bệnh chưa rõ, nhưng do bệnh hay gặp ở những đứa trẻ đang tuổi phát triển có hoạt động thể lực nhiều nên người ta cho rằng có thể yếu tố vi chấn thương lặp đi lặp lại là nguyên nhân khởi phát bệnh.
2. Thoái hóa xương sụn có triệu chứng thế nào?
Nhìn chung bệnh có tiến triển âm ỉ, đau tại vị trí xương bị tổn thương. Chẩn đoán chủ yếu dựa vào lâm sàng và hình ảnh Xquang. Biện pháp này có giá trị quyết định chẩn đoán.
Về tiên lượng bệnh nhìn chung rất thay đổi, phụ thuộc vào vị trí tổn thương, bệnh được phát hiện sớm hay muộn.
Bệnh sưng đau lồi củ trước xương chày hay xảy ra ở trẻ em dưới 16 tuổi. Đặc biệt là nam giới và những em chơi các môn thể thao như đá bóng, nhảy cao, nhảy xa hay chạy. Những môn này đòi hỏi cơ tứ đầu đùi phải vận cơ mạnh và động tác lặp đi lặp lại. Chỗ bám của gân cơ tứ đầu đùi vào lồi củ trước xương chày bị kích thích nhiều gây ra tổn thương tại chỗ viêm và sưng đau, thậm chí đứt gân hay bong xương tại chỗ bám.
Triệu chứng bệnh bao gồm đau tại lồi củ trước ở đầu trên xương chày, ngay dưới xương bánh chè. Chỗ sưng đau nhiều, đau lặp đi lặp lại nhiều đợt, nặng lên sau trong hay ngay sau các hoạt động gắng sức và đỡ khi nghỉ ngơi. Đau có thể tồn tại vài tháng hoặc thậm chí chỉ hết khi trẻ trưởng thành.
Một số ít trường hợp có thể điểm bám bị giật đứt khỏi xương chày làm người bệnh đau rất nhiều và hạn chế vận động các động tác như duỗi chân, động tác đá. Nếu tình trạng bong điểm bám diễn ra lâu dài có thể dẫn đến bị teo cơ. Hình ảnh Xquang tại chỗ thấy lồi củ trước xương chày hơi lồi ra, có thể có canxi hóa gân cơ tứ đầu đùi hay mảnh xương nhỏ bong ra khỏi xương chày.
3. Điều trị thoái hóa xương sụn
Điều trị chung bao gồm thuốc điều trị triệu chứng, phục hồi chức năng, sử dụng nẹp cố định, nghỉ ngơi tránh làm việc nặng và phẫu thuật chỉnh sửa khi cần thiết.
Trước hết, bệnh nhân cần nghỉ ngơi, tránh các nguyên nhân gây khởi phát hoặc làm nặng tình trạng bệnh.
Khi đau nhiều có thể dùng thuốc giảm đau paracetamol đơn thuần hoặc thuốc chống viêm giảm đau không steroid như diclofenac, meloxicam...
Có thể dùng corticoid tiêm tại chỗ nhưng cần thận trọng, phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa khớp.
Nếu triệu chứng kéo dài dai dẳng cần bất động khớp gối. Một số ít trường hợp cần phẫu thuật lấy bỏ tổ chức viêm và xương bị bong, cố định lại điểm bám của gân cơ từ đầu đùi mới giải quyết được triệt để bệnh.
Về vấn đề chơi thể thao, nhìn chung bệnh nhân không cần ngừng tuyệt đối. Tuy nhiên nên ngừng chơi những môn thể thao tác động xấu như đá bóng, nhảy cao, nhảy xa hay chạy khi đang đau nhiều một thời gian. Nếu vẫn đau dai dẳng cần ngừng chơi tất cả các môn.
Chườm đá tại chỗ khoảng 5 phút trước và sau khi chơi thể thao cũng góp phần giảm đau, giảm viêm.
Ngoài ra, cần đeo các tấm che gối khi chơi các môn thể thao như đá bóng để tránh chấn thương trực tiếp.
3.1. Điều trị viêm xương sụn bóc tách
Là bệnh trong đó một mảnh sụn bị bong tách ra khỏi xương rơi vào trong ổ khớp. Bệnh thường xảy ra ở nam giới trẻ tuổi, đặc biệt sau chấn thương ở khớp. Khớp gối là khớp bị ảnh hưởng nhiều nhất, mặc dù bệnh có thể gặp ở bất kỳ khớp nào như khuỷu, vai, háng và khớp cổ chân.
Bệnh nhân thường đau tại khớp tổn thương. Đây là triệu chứng phổ biến nhất. Nếu bị ở khớp gối thường khởi phát sau hoạt động thể lực như leo cầu thang, leo núi hoặc chơi thể thao. Kẹt khớp do mảnh sụn bong ra rơi vào giữa khớp gối gây triệu chứng kẹt cứng khớp ở một vị trí, không gấp duỗi được như bình thường. Ngoài ra có thể yếu khớp, giảm biên độ vận động khớp, sưng đau nóng quanh khớp hiếm gặp.
Để chẩn đoán xác định bệnh cần chụp Xquang. Giai đoạn sớm hình ảnh Xquang bình thường; muộn hơn thấy bề mặt khớp mất tính liên tục, sắc nét do tổn thương sụn khớp tại vị trí đó; mất xương thành đường viền quanh khu vực tổn thương tạo hình ảnh như một mẩu xương nhỏ nằm trong ổ xương. Bị tách một phần hay hoàn toàn mảnh xương sụn ra khỏi xương chính nhưng vẫn nằm trong ổ xương. Giai đoạn muộn mảnh xương sụn rơi hẳn vào khớp. Chụp cắt lớp vi tính cho hình ảnh rõ hơn chụp Xquang thấy hình lún xương, mảnh xương sụn bóc tách một phần hay hoàn toàn. Chụp cộng hưởng từ thấy hình ảnh phù tủy, kén dưới sụn, mảnh xương sụn bóc tách.
Mục đích của điều trị là duy trì, phục hồi chức năng khớp bị ảnh hưởng, giảm đau, giảm nguy cơ thoái hóa.
Điều trị bảo tồn, đặc biệt khi phát hiện sớm: Cho khớp được nghỉ ngơi, tránh các hoạt động, vận động đặc biệt như chạy, nhảy. Có thể cần đi nạng khi đau nhiều. Tập các bài tập vận động cơ mà không có tính chất ép lên vùng khớp tổn thương nhằm duy trì, bảo tồn sức cơ, biên độ vận động khớp.
Điều trị phẫu thuật trong trường hợp điều trị bảo tồn không hiệu quả, đặc biệt khi bong mảnh xương sụn vào khớp gây triệu chứng kẹt khớp cần lấy bỏ những mảnh đã rời ra. Đa phần chỉ cần can thiệp nội soi khớp, hiếm khi cần phẫu thuật mở khớp.
3.2. Điều trị thoái hóa xương sụn Kienbock
Bệnh Kienbock xảy ra khi dòng máu cung cấp nuôi dưỡng xương nguyệt cổ tay bị gián đoạn, nhẹ có thể gây giảm hoạt động xương, nặng có thể gây hoại tử xương. Tổn thương nói chung ở xương nguyệt cổ tay và bệnh Kienbock đều gây đau đớn nghiêm trọng, viêm sưng, cứng khớp và khiến bệnh nhân gặp nhiều khó khăn khi vận động.
Bệnh hay gặp ở người trưởng thành từ 20-40 tuổi. Ngoài các nguyên nhân như đã đề cập ở trên, tình trạng thiếu máu trong bệnh còn có thể liên quan đến bất thường ngắn đầu xa của xương trụ dẫn đến tăng áp lực quá mức lên xương nguyệt. Biểu hiện người bệnh đau ở cổ tay, thường đau trực tiếp tại vị trí tương ứng xương nguyệt, có thể kèm sưng nóng tại chỗ, giảm động tác gấp cổ tay.
Chụp Xquang thành 4 giai đoạn theo Lichtman:
- Giai đoạn 1 có hình ảnh Xquang bình thường.
- Giai đoạn 2 có xơ hóa đặc xương nguyệt nhưng chưa xẹp.
- Giai đoạn 3 có vỡ, lún xẹp xương nguyệt nhưng chưa có thoái hóa khớp cổ tay - quay.
- Giai đoạn 4 có vỡ, lún xẹp kèm thoái hóa thứ phát khớp cổ tay- quay. Chụp cộng hưởng từ hay chụp cắt lớp vi tính, chụp xạ hình xương giúp chẩn đoán sớm bệnh ngay ở giai đoạn mới chỉ thiếu hụt dòng máu tới xương mà chưa có tổn thương trên Xquang.
Điều trị bệnh phụ thuộc vào giai đoạn phát hiện. Giai đoạn 1 chỉ cần điều trị triệu chứng, dùng thuốc chống viêm giảm đau, hạn chế cử động cổ tay.
Trong giai đoạn 2 cần tái cung cấp máu cho xương bằng cách ghép xương tự thân. Trong trường hợp có ngắn xương trụ thì có thể áp dụng kỹ thuật phẫu thuật làm ngắn xương quay hay làm dài xương trụ nhằm làm giảm áp lực dòng máu đến xương nguyệt - tăng cấp máu tại chỗ.
Giai đoạn 3, 4 tùy mức độ có thể phẫu thuật lấy bỏ xương chết, thay thế xương nguyệt bằng đĩa nhân tạo. phẫu thuật cắt bỏ các xương cổ tay gồm xương thuyền, nguyệt, tháp thay bằng đĩa nhân tạo hoặc thậm chí làm đông cứng khớp cổ tay toàn bộ.
Mời độc giả xem thêm video:
121 tuyến xe bus trợ giá của Hà Nội hoạt động 100% công suất từ ngày 13-2 | SKĐS