Biện pháp chữa mất ngủ ở người viêm khớp vẩy nến

SKĐS - Viêm khớp vẩy nến ảnh hưởng trực tiếp đến giấc ngủ do tổn thương tại các khớp. Để giảm triệu chứng và giúp nâng cao chất lượng giấc ngủ, người bệnh có thể thực hiện một số biện pháp sau đây...

1. Tại sao bệnh viêm khớp vẩy nến gây khó ngủ?

Viêm khớp vảy nến là bệnh viêm khớp được phát hiện ở người mắc bệnh vẩy nến. Đây là một bệnh lý mạn tính, có thể gây phá hủy khớp dẫn đến mất chức năng vận động và tàn phế...

Viêm khớp vẩy nến có biểu hiện sưng, đau, cứng khớp, có thể diễn biến từ nhẹ tới rất nặng và có thể đối xứng hoặc không.

Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị khỏi bệnh viêm khớp vẩy nến nên người bệnh cần thực hiện một số biện pháp nhằm làm giảm triệu chứng và hạn chế tổn thương các khớp xương.

Theo chuyên gia về giấc ngủ Carlie Gasia, tại Bắc Carolina, Mỹ, do viêm khớp vẩy nến gây viêm, đau, cứng khớp và tình trạng có thể trầm trọng hơn vào ban đêm nên có thể khiến người bệnh khó đi vào giấc ngủ, thường bị thức giấc giữa đêm, ảnh hưởng lớn đến chất lượng giấc ngủ.

Trên thực tế, một nghiên cứu vào tháng 6 năm 2017 trên ‌Journal of Rheumatology‌ đã phát hiện ra rằng, giấc ngủ kém do viêm khớp vẩy nến có liên quan đến sự mệt mỏi, lo lắng và tác động xấu đến chất lượng cuộc sống.

Tuy nhiên, người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp không dùng thuốc để cải thiện giấc ngủ ban đêm, tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần.

photo-1690253887681

Đau, cứng khớp thường khiến người bệnh viêm khớp vẩy nến khó ngủ vào ban đêm.

2. Biện pháp giúp người viêm khớp vẩy nến ngủ ngon

2.1. Tập thể dục nhẹ nhàng trong ngày

Bạn có thể nghĩ rằng tập thể dục làm cho các triệu chứng viêm khớp vẩy nến trở nên tồi tệ hơn, nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Các nghiên cứu cho thấy, tập thể dục thường xuyên có thể giúp giảm các triệu chứng như đau khớp và cứng khớp ở người bệnh viêm khớp vẩy nến, hỗ trợ giấc ngủ sâu hơn và giúp người bệnh phục hồi nhiều hơn.

Các hoạt động ít tác động như đi bộ, đi xe đạp và bơi lội có tác dụng tốt với người bệnh viêm khớp vẩy nến. Người bệnh nên thực hiện các hoạt động này ít nhất 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần để đạt được tác dụng trị liệu của việc tập luyện.

Với các hoạt động thể lực cường độ cao như tập tạ, chống đẩy hoặc sử dụng dây kháng lực, người bệnh có thể thực hiện giúp giảm đau, dễ đi vào giấc ngủ hơn nhưng phải theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.

photo-1690253888887

Đi bộ nhẹ nhàng mỗi ngày giúp người bệnh viêm khớp vẩy nến ngủ ngon hơn.

2.2. Áp dụng các kỹ thuật thư giãn để giảm căng thẳng trước khi đi ngủ

Theo BS. Nilanjana Bose, chuyên gia điều trị viêm khớp vẩy nến tại Houston, Mỹ cho biết, giấc ngủ ngon có vai trò quan trọng nhằm giúp kiểm soát các bệnh tự miễn dịch như viêm khớp vẩy nến. Việc thực hành các kỹ thuật chánh niệm như thiền, yoga... có thể giúp người bệnh có giấc ngủ ngon hơn.

Người bệnh có thể áp dụng biện pháp dưới đây để dễ đi vào giấc ngủ:

  • Nằm xuống ở một vị trí thoải mái.
  • Nhắm mắt lại.
  • Hít vào và thở ra chậm rãi trong ít nhất năm phút.
  • Tập trung vào hơi thở khi cơ thể thư giãn.
photo-1690253889399

Nằm thư giãn, thoải mái giúp người bệnh viêm khớp vẩy nến dễ dàng đi vào giấc ngủ.

2.3. Thực hành vệ sinh giấc ngủ tốt

Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), vệ sinh giấc ngủ tốt bao gồm các hoạt động chuẩn bị cho tâm trí và cơ thể để đi vào giấc ngủ. Điều này rất quan trọng đối với bất kỳ ai, nhưng đặc biệt đối với người đang gặp khó khăn khi ngủ do các triệu chứng của bệnh viêm khớp vẩy nến.

Vệ sinh giấc ngủ tốt bao gồm hạn chế lượng caffeine (như trà, cà phê hoặc soda) uống vào cuối ngày, hạn chế uống rượu vài giờ trước khi đi ngủ, vì cả hai đều có thể ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ. Rượu còn được biết là làm tăng các dấu hiệu viêm trong cơ thể, có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm khớp vẩy nến.‌

Bên cạnh đó, NIH cũng khuyên người bệnh nên tránh các bữa ăn nhiều chất béo ngay trước khi đi ngủ và đảm bảo phòng ngủ đủ tối, mát mẻ và yên tĩnh.

Hơn nữa, nên tránh sử dụng điện thoại và công nghệ khác trong một hoặc hai giờ trước khi đi ngủ, vì ánh sáng xanh có thể làm gián đoạn nhịp sinh học.

Chính vì vậy, việc tuân thủ thời gian đi ngủ và thức dậy nhất quán mỗi ngày (kể cả vào cuối tuần) có thể giúp duy trì nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể và chuẩn bị giấc ngủ ngon hơn vào buổi tối.

photo-1690253889856

Người bệnh viêm khớp vẩy nến không nên uống cà phê vào cuối ngày.

2.4. Trị liệu bằng nhiệt nóng hoặc lạnh

Liệu pháp nhiệt nóng và lạnh có thể giúp giảm sưng, viêm và cứng khớp ở người bệnh viêm khớp vẩy nến. Khi thực hiện biện pháp này trước khi đi ngủ giúp thư giãn và giảm bớt các triệu chứng của bệnh, giúp người bệnh dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn.

Người bệnh có thể sử dụng miếng đệm sưởi ấm, chăn điện, túi gel hoặc túi chườm lạnh và đắp lên vị trí tổn thương trong 15 đến 20 phút mỗi lần. Tuy nhiên, cần chú ý tránh nhiệt quá nóng hay quá lạnh để bảo vệ tối đa các xương khớp.

Ngoài các biện pháp trên, để có giấc ngủ ngon, người bệnh viêm khớp vẩy nến có thể kiểm soát triệu chứng bằng một số loại thuốc giảm đau không kê đơn nhưng nếu tình trạng khó ngủ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần thì cần được tư vấn cụ thể của bác sĩ chuyên khoa.

photo-1690253890335

Áp dụng trị liệu nhiệt nóng hoặc lạnh làm giảm triệu chứng đau, cứng khớp giúp người bệnh ngủ ngon.

Mời bạn xem tiếp video:

6 Loại Thực Phẩm Nên Tránh Khi Bị Viêm Khớp | SKĐS


Lê Mỹ Giang
Theo livestrong
Ý kiến của bạn