Trong thời gian qua, tình hình bệnh sốt rét đã gia tăng ở một số nơi. Nguyên nhân chính được xác định do sốt rét ngoại lai với tình trạng giao lưu, biến động, đi rừng, ngủ rẫy, đào đãi vàng, lao động làm ăn... ra khỏi địa phương bị nhiễm bệnh trở về. Các đối tượng này thường sử dụng võng nằm để cơ động, thuận lợi khi di chuyển. Vậy cần biết các biện pháp phòng chống muỗi đốt khi nằm võng để phòng tránh sự mắc bệnh.
Ở nhiều nơi trên thế giới, cộng đồng người dân thường có tập quán ngủ hoặc nghỉ trên võng. Võng thường được người dân sử dụng để ngủ, nghỉ khi đi vào các vùng rừng núi, nương rẫy... nhiều hơn là đi tìm kiếm chỗ ngủ, nghỉ ở những nơi khác không thuận tiện. Võng nằm có những ưu điểm như phòng tránh những loại côn trùng đốt máu, bọ cạp, rắn, rết và các động vật nguy hiểm khác... không tiếp cận được; nằm võng rất thoáng khí và thích hợp với khí hậu nóng nực. Ngoài ra, dùng võng sẽ có nơi ngủ, nghỉ khô ráo, không tiếp xúc với mặt đất ẩm ướt; mặt khác, võng thường làm bằng chất liệu nhẹ, chắc, dễ thu gấp nên dễ dàng mang theo bên người. Tuy vậy, võng không thể bảo vệ đối với các loại côn trùng bay có khả năng đốt máu như loài muỗi. Muỗi cũng thường đậu và đốt phần cơ thể người chạm với đáy võng. Ban đêm nằm võng có màn có thể được bảo vệ nhưng ban ngày sử dụng màn không thuận tiện vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có lý do khó nhìn và kém thoáng khí.
Chu trình gây bệnh của ký sinh trùng sốt rét malaria.
Các loại màn dùng cho võng
Các loại màn dùng cho võng là loại màn đặc biệt. Chúng giống như màn hình chữ nhật nhưng có ống ở hai đầu để luồn dây võng. Ở một số nơi, màn được làm bằng sợi bông, mờ tạo nên một sự kín đáo, có thể chống được lạnh và có chất liệu cứng. Để tránh muỗi có thể chui vào, màn võng phải được thả sát đất.
Nếu mặt dưới đất bị bẩn hoặc cần phòng tránh các loài vật nhỏ chui hay trèo vào màn, có thể buộc một bên màn dưới võng bằng một sợi dây và giắt cánh bên kia vào trong ống tay ở các đầu màn được buộc chắc quanh dây võng. Màn được treo ở 4 điểm hoặc ở 2 điểm và có một thanh gỗ ngang ở mỗi đầu màn để chiều dài của màn cách xa nhau. Trường hợp này, màn được treo trên một sợi dây căng giữa hai đầu võng.
Một nhược điểm là loại màn này thường dính vào võng, sự tiếp xúc trực tiếp giữa cơ thể người sử dụng với màn hoặc với đáy võng và màn sẽ làm cho muỗi có thể đốt người. Để khắc phục tình trạng này, nên sử dụng màn rộng hơn.
Một loại màn đặc biệt dùng cho quân đội để quân nhân sử dụng khi ở trong rừng rậm có tấm màn đính vào một bên võng. Ở hai đầu, võng được kéo dài bởi hai miếng gỗ. Màn và võng được phủ bằng một mảnh vải không thấm nước. Người sử dụng chui vào màn bằng một khe hổng có dây kéo khép lại. Để tránh muỗi đốt từ phía dưới, võng được làm bằng chất liệu muỗi không đốt xuyên qua được, chất này cũng có khả năng chống lạnh. Ở những nơi có khí hậu nóng bức, loại võng màn dùng cho quân đội bất tiện vì người sử dụng bị nóng, toát nhiều mồ hôi nên rất khó nằm.
Dùng võng khi không có màn bảo vệ
Trường hợp không có màn bảo vệ khi sử dụng võng, có thể xoa một loại hóa chất xua bay hơi như deet (N,N-diethyl-3-toluamide) vào dưới đáy võng với nồng độ khoảng 20g/m2. Chất xua muỗi này chỉ giữ tác dụng tồn lưu được vài ngày và vẫn có một số muỗi có thể đốt người từ phía trên. Ngoài ra, có thể đặt một vòng hương xua muỗi gần nơi mắc võng, nếu vòng hương có hộp che có thể đặt hộp hương ngay dưới võng mà vẫn an toàn.
Một phương pháp bảo vệ khác có thể sử dụng được lâu hơn là tẩm cả chiếc võng hoặc phần đáy võng gắn một miếng xốp được tẩm hóa chất pyrethroide có tác dụng nhanh. Khi muỗi tiếp xúc với phần võng được tẩm hóa chất, muỗi sẽ bị chết hoặc bị bất động. Do độ dày của chất liệu làm võng nên sử dụng phương pháp này cần một lượng hóa chất tương đối cao, có thể từ 1,5g permethrine hoặc nhiều hơn cho mỗi m2 võng.
Một phương pháp ít tốn kém hơn, cần ít hóa chất diệt muỗi hơn nhưng cũng có thể có tác dụng tương đương là bảo vệ phần đáy võng bằng một mảnh lưới hoặc mảnh vải tẩm hóa chất xua diệt muỗi. Miếng lưới hoặc miếng vải này có thể gắn lỏng lẻo bằng ghim hay vài mũi kim khâu và phải buộc gần vào võng để muỗi bay đến đậu sẽ bị chết vì nhiễm hóa chất. Tuy vậy, mảnh lưới hoặc vải không được chạm hết vào võng, trừ trường hợp được ghim hay đính vào võng bằng vài mũi kim khâu vì nó có thể để cho một số muỗi đốt người trước khi bị chết. Ưu điểm của phương pháp gắn mảnh lưới hoặc mảnh vải rời vào võng là dễ tẩm hóa chất, dễ dàng tháo rời khi giặt mảnh lưới hay mảnh vải và có thể bảo quản trong một hộp kín khi không dùng để bảo vệ khả năng tồn lưu của hóa chất xua diệt muỗi đã được tẩm.
Khuyến nghị
Võng là một phương tiện được nhiều người sử dụng vì có những tiện ích, dễ dàng mang theo; nhất là những đối tượng thường xuyên cơ động. Hiện nay, tình hình sốt rét đang có khả năng gia tăng ở một số địa phương, nguyên nhân chính và muôn thuở vẫn thường được nêu ra khi đánh giá tình hình là do sốt rét ngoại lai, người bệnh bị nhiễm ở các vùng sốt rét lưu hành ngoại tỉnh và biên giới trở về. Những đối tượng di biến động này có các hoạt động như đi rừng, ngủ rẫy, đào đãi vàng, đá quý; lao động ở các huyện biên giới, thậm chí sang tận các nước bạn vùng biên để lao động, buôn bán, trao đổi hàng hóa... Họ thường dùng võng để ngủ, nghỉ và nguy cơ bị mắc bệnh sốt rét là điều không thể tránh khỏi nếu không được truyền thông giáo dục sức khỏe, hướng dẫn cụ thể các biện pháp phòng chống muỗi truyền bệnh đốt khi nằm võng. Vì vậy, cần quan tâm đến vấn đề này khi tổ chức các buổi tuyên truyền, vận động người dân ở cơ sở; nhất là các đối tượng thường xuyên di biến động có sử dụng võng biết phòng vệ khi dùng võng để ngủ, nghỉ, nhất là vào ban đêm tại các vùng sốt rét lưu hành. Các nhà khoa học nên nghiên cứu vấn đề sốt rét ngoại lai trên đối tượng đi rừng, ngủ rẫy, đào đãi vàng... có sử dụng biện pháp phòng chống muỗi đốt khi nằm võng có bảo vệ và nằm võng không được bảo vệ đúng cách để đánh giá kết quả làm cơ sở tuyên truyền, vận động người dân dùng võng có hiệu quả.
TTƯT.BS. Nguyễn Võ hinh