Biện pháp cải thiện rối loạn giấc ngủ cho người nhiễm HIV

SKĐS - Nhiều người nhiễm HIV bị rối loạn giấc ngủ do các nguyên nhân khác nhau. Để khắc phục tình trạng này, người nhiễm HIV cần thực hiện kết hợp các biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc theo hướng dẫn.

Tác động của giấc ngủ với người nhiễm HIV

Theo GS. TS Cao Tiến Đức, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần và Tâm lý y học Học viện Quân y, Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103, giấc ngủ đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với cơ thể. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các chức năng của cơ thể đều giảm đi trong giấc ngủ sâu, nhờ đó mà cơ thể có điều kiện điều hòa lại quá trình chuyển hóa. 

Nếu con người không được ngủ trong một thời gian dài có thể dẫn đến rối loạn định hướng, ảo giác và hoang tưởng, nguy hiểm hơn có thể bị các rối loạn nhận thức nặng nề và cuối cùng dẫn đến tử vong.

Với người nhiễm HIV, nếu gặp các vấn đề về giấc ngủ sẽ làm giảm khả năng tuân thủ điều trị HIV, làm HIV tiến triển nhanh hơn, số lượng tế bào CD4 thấp hơn, thay đổi quá trình trao đổi chất, chất lượng cuộc sống thấp hơn, rối loạn tâm trạng và trầm cảm.

Các vấn đề về giấc ngủ thường gặp ở người nhiễm HIV bao gồm rối loạn giấc ngủ như mất ngủ, ngủ nhiều...

Mất ngủ chỉ tình trạng ngủ quá ít hoặc kém chất lượng. Những người bị mất ngủ có thể gặp khó khăn khi chìm vào giấc ngủ hoặc duy trì giấc ngủ, bị "thức giấc vào sáng sớm" hoặc đơn giản là không thể có được giấc ngủ phục hồi. Những người bị mất ngủ thường sẽ bị mệt mỏi vào ban ngày, rối loạn tâm trạng, lú lẫn hoặc cáu kỉnh.

Ngủ nhiều có thể là rối loạn giấc ngủ ở những người nhiễm HIV, thường được phát hiện ở giai đoạn tiến triển của bệnh, liên quan đến tình trạng mệt mỏi cực độ. Ngủ nhiều khá nghiêm trọng vì có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.

anh-t54-55-2

Giấc ngủ có vai trò quan trọng với sức khỏe (hình minh họa).

Nguyên nhân nào gây ra chứng rối loạn giấc ngủ ở những người nhiễm HIV?

Căng thẳng, lo lắng: Mất ngủ mạn tính thường ảnh hưởng đến những người nhiễm HIV ngay sau khi nhiễm, mặc dù có thể không có triệu chứng nào khác. Điều này có thể là do lo lắng hoặc các yếu tố liên quan đến căng thẳng, hoặc thậm chí những thay đổi nhỏ trong cấu trúc giấc ngủ (mô hình và các giai đoạn ngủ) do chính HIV gây ra.

Tác dụng phụ của thuốc: Những bệnh nhân nhiễm HIV mới bắt đầu điều trị bằng thuốc kháng virus có thể bị mất ngủ như một tác dụng phụ của chính loại thuốc đó, mặc dù tình trạng này thường sẽ hết khi cơ thể thích nghi với thuốc.

Tuy nhiên, có thể khó phân biệt được nguyên nhân gây mất ngủ, vì bệnh nhân cũng có thể đang trải qua rất nhiều lo lắng về thuốc cũng như về HIV, điều này có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ.

- Do các tình trạng tiềm ẩn: Đối với các trường hợp nhiễm HIV có hệ miễn dịch suy yếu thì mất ngủ có thể do các tình trạng tiềm ẩn liên quan HIV như sốt, đau, mất nước và dinh dưỡng kém. Mất ngủ phổ biến hơn ở những bệnh nhân mắc HIV giai đoạn tiến triển (AIDS), và có thể do chứng mất trí liên quan đến HIV.

- Nguyên nhân khác: Mất ngủ ở những người nhiễm HIV cũng có thể do các sự kiện căng thẳng trong cuộc sống, lạm dụng chất gây nghiện và các tình trạng tâm thần khác.

20210719_lam-the-nao-de-quan-ly-cang-thang-lo-au

Căng thẳng, stress là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến rối loạn giấc ngủ.

Biện pháp khắc phục rối loạn giấc ngủ

Rối loạn giấc ngủ ở người nhiễm HIV có thể được điều trị bằng thuốc hoặc bằng các phương pháp khác. Tuy nhiên, khi áp dụng phương pháp dùng thuốc, người bệnh cần phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị để tránh gây nghiện, các tương tác thuốc và các chống chỉ định.

Ngoài ra, có thể khắc phục rối loạn giấc ngủ bằng các biện pháp không dùng thuốc bao gồm:

Vệ sinh giấc ngủ: Người bệnh nên ngủ đủ 7 giờ mỗi đêm, đi ngủ và thức dậy vào một giờ nhất định, không nên ngủ nhiều vào ban ngày và không cố gắng ép mình ngủ, vì có thể làm tăng sự tỉnh táo và do đó phản tác dụng.

- Tập thể dục: Giấc ngủ có liên quan đến nhiệt độ cơ thể và con người ngủ ngon nhất khi nhiệt độ cơ thể thấp hơn. Vì tập thể dục làm tăng nhiệt độ cơ thể nên những bệnh nhân bị mất ngủ không nên tập thể dục ngay trước khi đi ngủ, mà nên tập trước 4-6 giờ.

Tắm nước ấm: Tắm nước ấm trước khi đi ngủ sẽ giúp giảm nhiệt độ cơ thể, giúp ngủ ngon hơn.

- Ăn nhẹ trước khi đi ngủ: Cơn đói làm gián đoạn giấc ngủ nên nếu cảm thấy đói, người bệnh có thể ăn nhẹ. Hơn nữa, trong khi ăn, cơ thể giải phóng các enzyme có thể thúc đẩy giấc ngủ tốt hơn. Tuy nhiên, cần lưu ý, nên tránh sử dụng cà phê, rượu, trà, nicotin và sô cô la trước khi ngủ.

Ngoài ra, người bệnh có thể thực hiện các bài tập thư giãn, tập thở hoặc áp dụng liệu pháp hương thơm giúp tinh thần thư giãn, dễ đi vào giấc ngủ. Cố gắng không xem TV hoặc sử dụng điện thoại, máy tính hoặc các thiết bị điện tử trên giường trước khi đi ngủ.

Mời bạn xem tiếp video:

Chất lượng giấc ngủ giúp tăng cường khả năng miễn dịch | SKĐS

Lê Mỹ Giang
Ý kiến của bạn