1. Vai trò của thận trong cơ thể
Thận có chức năng lọc các chất thải, nước thừa và các tạp chất khác ra khỏi máu và lưu trữ trong bàng quang, sau đó được thải ra ngoài qua nước tiểu.
Ngoài ra, thận điều chỉnh nồng độ pH, muối và kali trong cơ thể, sản xuất các hormone điều chỉnh huyết áp và kiểm soát việc sản xuất các tế bào hồng cầu.
Thận cũng chịu trách nhiệm kích hoạt một dạng vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi để tạo xương và điều chỉnh chức năng cơ bắp.
Duy trì sức khỏe của thận là điều quan trọng đối với sức khỏe tổng thể, để đảm bảo cơ thể được lọc và loại bỏ chất thải đúng cách, đồng thời sản xuất hormone để giúp cơ thể hoạt động bình thường.
2. Mùa hè ảnh hưởng đến thận như thế nào?
Theo TS. Deepak Kalra, Giám đốc Khoa Thận tại Bệnh viện Fortis, Ấn Độ, cơ thể có xu hướng bị mất nước nhiều hơn trong mùa hè, đặc biệt là nắng nóng có thể dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe. Một số bệnh lý thận có nguy cơ cao trong mùa hè bao gồm suy thận cấp, gia tăng sỏi thận và nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI).
Hơn nữa, tập luyện cường độ cao mà không cung cấp đủ nước có thể dẫn đến chấn thương cơ hoặc tiêu cơ vân, dẫn đến rò rỉ protein cơ vào máu dẫn đến suy thận cấp.
Để tránh tất cả những điều này, bạn cần thực hiện các biện pháp thích hợp để thận không phải chịu bất kỳ biến chứng không mong muốn nào.
Thời tiết nóng bức khiến nguy cơ mắc bệnh thận tăng cao.
3. Làm gì để bảo vệ thận trong mùa hè?
Do thận có vai trò rất quan trọng trong cơ thể, nên các biện pháp giúp bảo vệ thận cũng góp phần đẩy lùi bệnh tật.
Các biện pháp thường được áp dụng để tăng cường sức khỏe cho thận bao gồm tập thể dục thường xuyên, uống đủ nước, không hút thuốc, quản lý tốt đường huyết, huyết áp, cân nặng và tránh lạm dụng thuốc giảm đau không kê đơn (OTC).
Tuy nhiên, trong thời tiết nóng nực của mùa hè, ngoài những biện pháp trên, bạn có thể thực hiện thêm những phương pháp khác cho phù hợp, giúp bảo vệ thận tốt hơn.
Các biện pháp đó bao gồm:
- Tránh ánh nắng mặt trời: Nên ở trong nhà và tránh tiếp xúc lâu với ánh nắng mặt trời trong giờ cao điểm, khoảng từ 10-15h hàng ngày.
- Sử dụng kem chống nắng: Loại kem chống nắng nên dùng có phổ rộng ít nhất SPF 30 trở lên.
- Mặc quần áo phù hợp: Tốt nhất bằng vải cotton và nhẹ.
- Cảnh giác với các dấu hiệu mất nước: Khô miệng và cổ họng, giảm lượng nước tiểu hoặc nước tiểu sẫm màu, mệt mỏi nhiều hơn, chuột rút cơ bắp, chóng mặt và nhịp tim không đều hoặc nhanh.
- Quan sát màu sắc nước tiểu: Màu sắc của nước tiểu cũng là một chỉ báo tốt về mức độ mất nước. Nước tiểu màu cam hoặc bất kỳ màu tối nào thể hiện tình trạng mất nước và cơ thể cần được bổ sung đầy đủ.
- Uống đủ nước: Đối với người không có bệnh mạn tính, nên duy trì lượng nước uống từ 2-3 lít mỗi ngày để bảo vệ thận. Những người mắc các bệnh mạn tính như bệnh thận mạn tính, bệnh tim... nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống nước.
Người tập luyện nên uống 350ml nước trước khi tập và bổ sung sau mỗi 30-45 phút. Các bài tập cường độ cao và kéo dài hơn nên yêu cầu thay thế bằng đồ uống thể thao ngoài nước lọc. Những người làm việc ngoài trời vào mùa hè nên tăng lượng nước uống thêm 250 ml nước khoảng 20 phút một lần để duy trì mức độ hydrat hóa thích hợp.
- Tăng cường ăn các loại rau củ quả chứa nhiều nước: Dưa hấu, đào, dâu tây, anh đào, dưa chuột, rau diếp... các loại thực phẩm này giúp cung cấp nước và khoáng chất cho cơ thể. Giảm ăn thực phẩm chế biến sẵn như khoai tây chiên và thực phẩm ăn liền vì chúng rất giàu muối có thể làm tăng nguy cơ mất nước.
- Tránh đồ uống có ga: Là những loại đồ uống có hàm lượng caffein và đường cao do có thể khiến có thể mất nước mặc dù ở dạng lỏng. Giảm uống rượu vì có thể dẫn đến mất nước, tăng nguy cơ mắc bệnh thận.
Mời bạn xem tiếp video:
Bị ung thư đại tràng giai đoạn 4, chàng trai 29 tuổi chia sẻ dấu hiệu | SKĐS