Hà Nội

Biển Ðông - Chủ đề nóng tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN 48

03-08-2015 07:22 | Quốc tế
google news

SKĐS-Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 48 tại Kuala Lumpur đã chính thức mở màn với các cuộc họp chuẩn bị ở cấp quan chức cao cấp.

Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 48 tại Kuala Lumpur đã chính thức mở màn với các cuộc họp chuẩn bị ở cấp quan chức cao cấp. Phát biểu với báo chí, Ngoại trưởng Malaysia, nước hiện nắm quyền Chủ tịch ASEAN đã giới thiệu nội dung các vấn đề sẽ được bàn bạc tại Hội nghị Ngoại trưởng thường niên của khối, trong đó có vấn đề  biển Đông.

Theo nhật báo Malaysia The Star, Ngoại trưởng Anifah Aman đã tỏ ý lạc quan về các tiến triển gặt hái được trong cuộc đàm phán giữa khối ASEAN và Trung Quốc về một bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) nhưng không giấu nỗi lo ngại về nguy cơ các diễn biến gần đây ở biển Đông đe dọa hòa bình và an ninh chung. Trong tình hình đó, Ngoại trưởng Malaysia cho biết, tranh chấp biển Đông được thảo luận tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần này vì trong 6 nước có đến 4 thành viên khối Đông Nam Á, hai bên còn lại là Trung Quốc và Đài Loan: “Tôi chờ đợi là một số quốc gia sẽ lên tiếng và đưa ra quan điểm của họ về những vấn đề liên quan đến biển Đông”. Đối với ông Anifah, 4 nước ASEAN có quyền lợi trực tiếp tại biển Đông là Malaysia, Brunei, Philippines và Việt Nam đều cam kết thực thi đầy đủ bản Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).

An ninh biển Đông là vấn đề đáng quan ngại.

Về đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về một bộ Quy tắc ứng xử, Ngoại trưởng ASEAN nhắc lại rằng nhân một cuộc họp mới đây tại Thiên Tân (Trung Quốc), quan chức cấp cao hai bên “đã đồng ý chuyển qua giai đoạn tiếp theo của vòng đàm phán để thành lập bộ Quy tắc ứng xử”. Theo các nhà quan sát, do tình hình căng thẳng hiện nay, hồ sơ biển Đông sẽ không chỉ được nêu lên ở Hội nghị Ngoại trưởng 10 nước ASEAN mà còn sẽ nổi cộm tại các hội nghị giữa ASEAN và các đối tác chủ chốt và nhất là tại Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ASEAN Regional Forum) ngày 6/8, trên nguyên tắc có sự tham gia của Ngoại trưởng các nước như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga...

Trong thời gian gần đây, Mỹ và Nhật Bản chẳng hạn, đã gia tăng chỉ trích Trung Quốc về việc bồi đắp đảo nhân tạo tại vùng Trường Sa và không che giấu ý định sử dụng các công trình mới xây vào mục tiêu quân sự. Bắc Kinh đã phản ứng gay gắt, tố cáo ngược lại Mỹ và Nhật Bản cố tình khuấy động căng thẳng và cho rằng hai nước này không được quyền can thiệp vào biển Đông. Tranh cãi nói trên được cho là sẽ tiếp tục tại Diễn đàn An ninh khu vực, hay là tại Hội nghị Ngoại trưởng các nước thuộc Khối hội nghị Thượng đỉnh Đông Á.

Cũng liên quan đến biển Đông, theo tiết lộ của một quan chức ASEAN cao cấp, Trung Quốc và ASEAN vừa nhất trí thiết lập môt đường dây nóng giữa các ngoại trưởng để sử dụng khi có vấn đề khẩn cấp tại biển Đông. Quyết định về đường dây nóng này có thể được ghi trong một bản tuyên bố chung cuối Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ở Kuala Lumpur.

 (Theo The Star, Inquirer)

Quỳnh Diệp

 

Thẩm phán Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio cho rằng, sau khi bất chấp dư luận và pháp lý để xây dựng đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa, Trung Quốc có thể tiến tới cải tạo bãi cạn Scarborough nhằm kiểm soát biển Ðông và đẩy mạnh hiện diện quân sự tại khu vực.

Bên cạnh đó, thẩm phán Carpio còn cho biết, Trung Quốc đang nạo vét 10 bãi đá ngầm ở biển Ðông để lấy bùn đất làm vật liệu bồi đắp cho công tác xây đảo nhân tạo phi pháp. Dù không nêu tên rõ ràng những bãi đá ngầm đang bị tác động lớn cho kế hoạch của Bắc Kinh, thẩm phán Philippines thúc giục Tòa án quốc tế chấp nhận phân xử vụ kiện của nước ông để đảm bảo tính chính thức và toàn vẹn cho Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).

 

 


Ý kiến của bạn