Hà Nội

Biên niên sử Điện Biên Phủ trong phim tài liệu

06-05-2019 07:53 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nhiều thước phim tài liệu về Điện Biên Phủ đã được giới làm nghề trong nước và quốc tế thực hiện thời gian qua, tạo được tiếng vang và để lại dấu ấn trong lòng khán giả.

Những bộ phim tài liệu về chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” cách đây 65 năm góp phần tô đậm trang sử hào hùng, mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

Kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2019) và các ngày lễ lớn trong năm, từ cuối tháng 4 đến 20/5, Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT&DL) công chiếu trên toàn quốc nhiều thước phim tái hiện lại những năm tháng hào hùng của Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Trong số các tác phẩm điện ảnh được giới thiệu đến người dân cả nước dịp này, bộ phim tài liệu Chuyện những người lính già (biên kịch Đỗ Thị Huyền Trang, đạo diễn Dương Ngọc Hòa) được khán giả yêu thích vì tác phẩm này đề cập đến những người trong cuộc - người lính Cụ Hồ đã từng tham gia chiến trường Điện Biên Phủ. Phim kể về 3 trong số 6 chiến sĩ của chiến trường Điện Biên Phủ được cử về báo công với Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1954 là Hoàng Đăng Vinh, Bạch Ngọc Giáp và Nguyễn Xuân Mai. Lời dẫn được rút gọn, thay vào đó là lời kể của những nhân vật trong phim, từ đó người xem hình dung ra được những câu chuyện của mỗi người, từ chuyện lấy cục sắt ở lò rèn nhét vào áo cho tăng cân để xin nhập ngũ, chuyện được gặp Bác Hồ, trò chuyện với Bác... cho đến chuyện đối diện với tướng De Castries trong căn cứ của quân Pháp tại Điện Biên Phủ. Với thời lượng 33 phút nhưng Chuyện những người lính già đã mang đến nhiều cảm xúc cho người xem khi được sống trong dòng hồi ức của những cựu chiến binh, những người lính can trường trong chiến dịch Điện Biên Phủ 65 năm về trước.

Cảnh trong phim tài liệu Chuyện những người lính già. Đây là tác phẩm được trình chiếu tới khán giả cả nước dịp 7/5/2019.

Cảnh trong phim tài liệu Chuyện những người lính già. Đây là tác phẩm được trình chiếu tới khán giả cả nước dịp 7/5/2019.

Trước đó, nhiều phim tài liệu về Điện Biên Phủ cũng đã được trình chiếu trên sóng truyền hình nước ta mỗi dịp tháng 5 lịch sử. Đó là 4 tập phim tài liệu Điện Biên Phủ - Điểm hẹn hòa bình (biên kịch và đạo diễn Nguyễn Văn Vinh) là một cái nhìn tổng quát sau 6 thập niên về Chiến thắng Điện Biên Phủ và khát vọng sống trong hòa bình của nhân dân Việt Nam thông qua các nhân vật tướng lĩnh, nhà sử học, cựu chiến binh cùng lãnh đạo, nhân dân tỉnh Điện Biên.

Bên cạnh đó cũng cần kể đến bộ phim tài liệu Cột mốc vàng Điện Biên Phủ với độ dài 50 phút (2 tập) của Điện ảnh Quân đội thực hiện. Cột mốc vàng Điện Biên Phủ đã đưa ra cái nhìn toàn diện, chân xác và đầy sức thuyết phục về một sự kiện có một không hai trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Nhà văn Chu Lai đánh giá, Cột mốc vàng Điện Biên Phủ là một bộ phim đậm đặc tư liệu và có hồn vía của sự kiện. Sức nặng của bộ phim này nằm ở nguồn tư liệu dồi dào và rất “đắt” được êkíp thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, qua đó đưa đến cho người xem những hình ảnh gây xúc động mạnh mẽ.

Đặc biệt, những thước phim về chiến thắng Điện Biên Phủ còn được người nước ngoài có khi là lực lượng “ở bên kia chiến tuyến” thực hiện. Điển hình trong số này có phim tài liệu Điện Biên Phủ - cuộc chiến giữa hổ và voi của đạo diễn nổi tiếng người Pháp Daniel Roussel, ghi lại được rất nhiều lời kể của các chứng nhân lịch sử từ một điểm nhìn hồi cố, trong đó nhân vật trung tâm là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nổi tiếng không kém là bộ phim tài liệu Điện Biên Phủ của đạo diễn Pierre Shoendoerffe - người trực tiếp tham chiến của quân đội Pháp ở chiến trường Điện Biên.

Những bộ phim tài liệu này một lần nữa cho khán giả nhìn lại chiến thắng oai hùng của quân và dân ta trên chiến trường Điện Biên, và hơn thế, Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử trong cuộc kháng chiến chống chủ nghĩa thực dân nay đang trở thành điểm hẹn hòa bình trong thế kỷ 21. Thông qua các tác phẩm này, không chỉ giúp khán giả trong và ngoài nước có thêm cái nhìn rõ nét và đầy đủ hơn về Chiến dịch Điện Biên Phủ mà còn góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ.


Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn