Mặc dù 19h tối lễ cầu an tại chùa mới bắt đầu nhưng từ 3- 4 giờ chiều người dân Hà Nội đã có mặt tại chùa trật tự xếp hàng thành tâm cầu khấn với mong muốn mang lại bình an, hạnh phúc cho bản thân và gia đình.
Vốn là ngôi chùa có tiếng linh thiêng tai Hà Nội, vì vậy lễ cầu an chính thức diễn ra vào ngày 14 tháng giêng hằng năm tại chùa Phúc Khánh luôn thu hút đông đảo người dân về đây dự lễ.
Dòng người ngồi tràn ra đường thành tâm dự lễ cầu an
Những năm gần đây, chùa Phúc Khánh trở thành một địa chỉ tâm linh quen thuộc và nức tiếng linh thiêng đối với người dân Hà Nội.
Chùa Phúc Khánh còn có tên gọi khác là chùa Sở, tọa lạc tại số 382 phố Tây Sơn, quận Đống Đa, Hà Nội. Chùa được xây dựng từ thời Hậu Lê nhưng qua nhiều cuộc chiến tranh, loạn lạc, chùa bị phá hủy hoàn toàn. Đến thời vua Quang Trung, chùa được xây dựng lại bởi nhà sư Chiếu Liên và đô đốc quân Tây Sơn là Trần Văn Lễ. Sau này, chùa còn được trùng tu nhiều lần, gần đây nhất là năm 1950, chùa được xây dựng lại với kiến trúc như hiện nay.
Theo lịch trình, đến sát ngày rằm tháng Giêng (tức 14.1 âm lịch), chùa Phúc Khánh mới tiến hành đại lễ cầu an cả năm cho mọi gia đình. Với mong muốn cầu bình an cho cả gia đình, cô Thủy - Quận Cầu Giấy đã phải đến chùa từ 12h trưa để xếp hàng giữ chỗ dự lễ cầu an. Cô chia sẻ: "Cả năm chùa phúc khánh mới tổ chức đại lễ cầu an cho mọi gia đình một lần. Bản thân tôi đi chùa chỉ thành tâm cầu mong cho gia đình trong năm mới được bình an và hạnh phúc".
Năm nay, lực lượng công an và cảnh sát giao thông đã được điều động từ chiều sớm để phân luồng đường đi, tránh ùn tắc tại ngã ba Thái Thịnh - Tây Sơn và khu vực Ngã Tư Sở.
Tuy nhiên, do khuôn viên chùa quá chật, lượng người về dự lễ đông đúc, lại nằm cạnh khu vực giao thông tấp nập nên cả một đoạn đường dài gần một cây số từ giữa cầu vượt Ngã Tư Sở cho đến ngã ba Thái Thịnh - Tây Sơn chật kín người dự lễ khiến các phương tiện giao thông đi lại khó khăn.
Một số hình ảnh đáng chú ý trong lễ cầu an tại chùa Phúc Khánh năm nay: