Người xưa có câu: “Trăm năm tích đức tu hành/ Chưa đi Yên Tử chưa thành quả tu”.
Lễ hội Yên Tử được tổ chức hàng năm tại khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng đến hết tháng Ba âm lịch. Những năm gần đây, Yên Tử trở thành nơi du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái, thắng cảnh, thu hút du khách trong và ngoài nước đến thường xuyên quanh năm thắp nén Tâm hương dâng lên lễ Phật, tri ân công Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông, các Tổ Thiền Trúc Lâm, các bậc tiền bối hiền nhân suốt đời phụng đạo, vì nước, vì dân và vãn cảnh non thiêng, sơn thủy hữu tình.
Yên Tử gắn liền với diễn biến lịch sử huy hoàng của dân tộc Việt Nam trong công cuộc chiến đấu và chiến thắng lẫy lừng quân xâm lược phương Bắc, phương Tây và xây dựng đất nước. Yên Tử trở thành một trong những biểu tượng rực rỡ của tinh thần độc lập tự chủ, tự cường của dân tộc Việt Nam. Nơi đây cũng gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của Trần Nhân Tông, một vị vua có công lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.
Du xuân về Yên Tử, khách hành hương không thể bỏ qua các điểm dừng chân như suối Giải Oan, chùa Hoa Yên, chùa Một Mái, tháp Tổ, chùa Bảo Sái, và đặc biệt chiêm bái tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông, chùa Đồng. Tổng chiều dài đường bộ để lên đỉnh Yên Tử (chùa Đồng) là khoảng 6.000m với 6 giờ đi bộ liên tục qua hàng ngàn bậc đá, đường rừng núi..
Từ Hà Nội có thể đi xe ôtô vượt quãng đường 125 km, đến thành phố Uông Bí thì rẽ vào đường Yên Tử, đi tiếp khoảng 9 km thì rẽ trái. Con đường đá chinh phục đỉnh cao Yên Tử có khi khá bằng phẳng nhưng cũng có lúc gập ghềnh, đã được gia cố bởi hàng nghìn bậc đá xếp, len lỏi theo lối mòn vượt qua bạt ngàn cây cỏ, dưới tán rừng trúc, rừng thông thử sức khách hành hương.
Hoặc bạn cũng có thể đi bằng hai tuyến cáp treo nối từ chân núi lên chùa Hoa Yên (độ cao 450 m) và từ chùa Hoa Yên lên chùa Đồng. Với cách này có thể ngắm nhìn toàn cảnh rừng núi Yên Tử từ trên cao với những cây tùng, đại hàng trăm năm tuổi xen lẫn trong những rừng cây xanh tươi và hít thở không khí trong lành.
Nếu bạn du xuân về đây, nên chuẩn bị sức khỏe thật tốt, giầy bệt, giầy leo núi, chỉ nên mang theo ít đồ đạc gọn nhẹ. Nên đi sớm để tránh cảnh chen chúc khi lễ bái...
Chùm ảnh PV báo Sức khỏe&Đời sống ghi lại tại Yên Tử:
Chùa Hoa Yên đông nghịt người.
Lối lên chùa Một Mái không còn chỗ trống.
Người dân chờ để đi cáp treo vãn cảnh.
Trong buổi sáng mùng 5, hệ thống cáp treo đột ngột gặp sự cố khiến hành khách phải đợi chờ trong khoảng hơn 15 phút.
Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông mới được khánh thành.
Nhiều người đã chinh phục được Đỉnh thiêng Yên Tử Chùa Đồng - Ngôi chùa trên đỉnh núi bằng đồng lớn nhất châu Á, nơi có quả chuông đồng nặng 70kg;nằm trên độ cao 1068m của đỉnh Vân Tượng. Trên đỉnh núi thường có mây mù bao phủ.
Dương Hải