Ngày 22/8, tại Quảng Trị, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với các Bộ: Y tế, NN&PTNT, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, UBND tỉnh Quảng Trị và các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị Công bố kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế sau sự cố môi trường biển do Formosa xả thải.
Hàm lượng các chất ô nhiễm đang có xu hướng giảm theo thời gian
Tại hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Bộ TN&MT đã huy động một đội ngũ lớn chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, đơn vị khoa học công nghệ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Quốc phòng, Đại học Quốc gia Hà Nội và các địa phương liên quan triển khai Chương trình quan trắc chất lượng môi trường biển; đồng thời tổ chức đánh giá, xác định mức độ, phạm vi ô nhiễm môi trường và suy thoái hệ sinh thái biển tại 4 tỉnh miền Trung với một khối lượng công việc rất lớn. Việc triển khai được dựa trên các phương pháp đánh giá hiện đại có tính khoa học cao, phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm độ tin cậy.
Bộ trưởng TN & MT Trần Hồng Hà.
GS.TS. Mai Trọng Nhuận - nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, thành viên nhóm chuyên gia nghiên cứu hiện trạng môi trường biển tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế cho biết, quan trắc đánh giá hiện trạng, diễn biến và mức độ ô nhiễm của môi trường biển và các hệ sinh thái biển và ven biển 4 tỉnh miền Trung đã áp dụng các quy trình, phương pháp trên cơ sở khoa học, đúng theo quy định của Việt Nam và phù hợp quốc tế cho thấy chất lượng nước tại các khu vực được quan trắc đã nằm trong giới hạn quy định của QCVN 10-MT:2015/BTNMT, đạt quy chuẩn đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước, nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sinh. Một số khu vực cách bờ 1,5km thuộc Sơn Dương (Hà Tĩnh), cửa Nhật Lệ (Quảng Bình), hòn Sơn Trà (Thừa Thiên Huế) có dòng xoáy cục bộ, khả năng phân tán các chất trong nước kém hơn, đồng thời khả năng tích luỹ độc tố trong trầm tích cao hơn cần tiếp tục được theo dõi, giám sát chặt chẽ. Với sự kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải từ đất liền và do cơ chế làm sạch tự nhiên của môi trường, hàm lượng các chất ô nhiễm từ sự cố môi trường đang có xu hướng giảm theo thời gian. Cùng với đó, hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển và nguồn lợi hải sản ở khu vực sau những tác động của sự cố môi trường bị suy thoái mạnh cả về đa dạng sinh học và quy mô, nay đã bắt đầu có dấu hiệu hồi phục tích cực.
Cũng tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học đã tham gia đóng góp ý kiến cho các kết quả quan trắc, đánh giá chất lượng nước biển, trầm tích biển, các hệ sinh thái biển sau sự cố môi trường; đồng thời trao đổi, thảo luận thống nhất nhận định về mức độ, phạm vi an toàn của môi trường biển với sự tham gia của đông đảo các cơ quan truyền thông nhằm thông tin một cách rộng rãi, minh bạch, khách quan tới người dân. Trong đó, nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học đều đánh giá cao nỗ lực khẩn trương của các cơ quan Chính phủ, nhà khoa học cùng các bộ, ngành trong việc điều tra, xác định nguyên nhân gây ra sự cố môi trường miền Trung thời gian qua; các kết quả quan trắc, phân tích, đánh giá chất lượng nước biển, trầm tích biển, các hệ sinh thái biển sau sự cố môi trường là đáng tin cậy.
GS. TS. Mai Trọng Nhuận.
Vẫn còn những băn khoăn
Về chất lượng hải sản đánh bắt, theo số liệu giám sát của Bộ Y tế, từ ngày 28/4 đến tháng 8/2016, kết quả kiểm nghiệm đánh giá mức độ an toàn của các mẫu hải sản lấy tại 4 tỉnh miền Trung cho thấy, hàm lượng một số chất ô nhiễm trong hải sản đã giảm dần theo thời gian. “Đến thời điểm hiện tại, các thông số đặc trưng của môi trường biển, trầm tích biển ở phần lớn các khu vực đã nằm trong giới hạn qui định của QCVN 10-MT:2015/BTNMT, đạt quy chuẩn đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước, nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sinh”, kết luận báo cáo nêu rõ.
Ông Đỗ Hữu Tuấn.
Đại diện Bộ Y tế - ông Đỗ Hữu Tuấn - Phó Cục trưởng Cục ATTP khẳng định: “Chúng tôi phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và địa phương khuyến cáo người dân sử dụng nguồn hải sản sạch, hải sản trong vùng được công bố bảo đảm chất lượng và không nhiễm độc tố. Hiện hải sản đánh bắt được vẫn được giám sát chặt chẽ đối với vùng đánh bắt ngoài 20 hải lý. Thời điểm hiện tại chưa thể khẳng định tất cả nguồn hải sản tại vùng biển miền Trung có thể ăn được hay chưa?”, đại diện Bộ Y tế nhấn mạnh. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ cùng Bộ NN&PTNT giám sát hải sản đánh bắt tại các vùng biển an toàn được Bộ TN&MT công bố.
PGS.TS. Phùng Chí Sỹ.
Về phía Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường, PGS.TS. Phùng Chí Sỹ - Tổng thư ký Hội phản biện kết quả của nhóm nghiên cứu cho rằng Bộ TN&MT đã đưa ra các bằng chứng xác thực để Formosa phải thừa nhận. Nhưng chúng ta phải xem xét về các chất đưa ra môi trường, chuyển hóa ra sao. Về chất độc có nhiều loại, không tích tụ sinh học, không bài tiết được; nhưng phenol, xyanua bài tiết được. Phenol phân hủy chậm nên vẫn tồn tại trong cá theo xu hướng giảm dần. Vấn đề bây giờ cần phải cải tạo môi trường, chặn nguồn xả và kiểm soát chặt chẽ không cho thải ra. Kết quả hôm nay giúp chúng ta giải quyết được nhiều vấn đề, như môi trường biển, du lịch, còn vệ sinh an toàn thực phẩm thì chúng ta cần thận trọng giải quyết tiếp.
Trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ phối hợp với Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT tiếp tục có những nghiên cứu, giám sát để xác định chính xác chất lượng nước, chất lượng thủy hải sản đã an toàn tuyệt đối để công bố một cách chính thức biển đã thật sự an toàn cho người dân yên tâm.