Biển miền Trung đã sạch, vì sao thủy hải sản vẫn nhiễm độc?

29-08-2016 08:50 | Tin nóng y tế

SKĐS - Những ngày gần đây, dư luận tiếp tục nóng khi có thông tin phát hiện thêm nhiều mẫu cá, ghẹ nhiễm chất độc phenol, xyanua, cadimi tại Hà Tĩnh. Dư luận đặt ra câu hỏi: Vì sao Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố nước biển đã sạch vậy mà thủy hải sản vẫn nhiễm các chất độc hại? Có phải biển miền Trung vẫn chưa thật sự sạch như đã công bố? Để làm sáng tỏ vấn đề này, PV Báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc phỏng vấn với GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam.

PV: Thưa GS, ngày 22.8 vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố nước biển tại 4 tỉnh miền Trung đã sạch có thể tắm biển, nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, ngay sau đó đã xuất hiện một văn bản về kết quả kiểm nghiệm 9 mẫu cá và ghẹ lấy tại Hà Tĩnh ngày 5/8 có 1 mẫu có lượng cadimi vượt ngưỡng, 5 mẫu nhiễm xyanua, 3 mẫu nhiễm phenol. Như vậy có thể hiểu là nước biển hiện vẫn đang bị nhiễm độc không?

GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng: Nước biển bị ô nhiễm có thể được pha loãng do tác dụng của các dòng hải lưu, thí dụ trước đây 100 km2 mặt nước bị ô nhiễm nay lan tỏa ra 1000 km2 mặt nước bị ô nhiễm thì nồng độ chất ô nhiễm trong nước biển sẽ giảm đi khoảng 10 lần, ngoài ra môi trường biển còn có các vi sinh vật cũng như các loại tảo, cỏ biển …, chúng có thể tiêu hủy chất ô nhiễm, có tác dụng làm cho môi trường nước biển có thể được phục hồi. Nhưng môi trường đáy biển, nơi sinh tồn các loài giáp xác như các loài ốc, sò, ngao, v.v…, các chất ô nhiễm bị lắng đọng ở đó, nhất là kim loại nặng, thì còn lâu chúng mới bị tiêu hủy. Do đó cho đến nay chưa có số liệu chứng minh sự an toàn của nuôi trồng các hải sản sống ở tầng đáy biển. Vì vậy ngoài việc quan trắc kiểm tra ô nhiễm nước biển thì cần phải tiến hành quan trắc kiểm tra cả ô nhiễm môi trường tầng đáy biển nữa.

Khi nước biển bị Formosa đầu độc, tất cả các loài cá ở khu vực này đều bị nhiễm độc, những con bị nhiễm nặng hoặc yếu thì bị chết, những con khỏe hoặc ít bị nhiễm độc thì vẫn còn sống cho đến nay. Các chất ô nhiễm cadimzi, xyanua và phenol xâm nhập vào cá, cua ghẹ sẽ được lưu giữ trong cơ thể của cá, cua, ghẹ. Chỉ khoảng 30 -40% chất độc được chúng thải nhanh ra ngoài, còn lại chúng được thải ra rất chậm chạp phải qua nhiều năm. Vì vậy, tuy Bộ TN&MT thông báo nước biển đã an toàn cho tắm rửa và nuôi trông thủy sản, nhưng kiểm nghiệm các mẫu cá và ghẹ lấy tại Hà Tĩnh ngày 5/8 vẫn còn chất ô nhiễm cadimi, xyanua và phenol trong cá và ghẹ là điều đương nhiên.

GS.TS Phạm Ngọc ĐăngGS.TSKH.NGND Phạm Ngọc Đăng-  Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam

PV: Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế cho rằng để khẳng định thủy hải sản an toàn hay không phải căn cứ vào các chỉ tiêu xét nghiệm chủ yếu là các kim loại nặng, còn xyanua và phenol không phải chỉ số đánh giá về an toàn thực phẩm. Vậy cá, hải sản nhiễm chất xyanua và phenol có nguy hiểm hơn so với nhiễm kim loại nặng không, thưa GS?

GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng: Kim loại nặng, xyanua, cadimi và phenol đều là chất độc hại, nguy hại đối với sức khỏe con người. Do đó đương nhiên phải đo lường đánh giá các hàm lượng kim loại nặng, xyanua, cadimi và phenol trong hải sản để bảo đảm an toàn thực phẩm.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, vùng biển có sự cố, khi sự cố chưa được khắc phục triệt để thì không nên sử dụng các thủy hải sản tại đấy. Kể cả khi môi trường đã được khôi phục, nước biển đạt quy chuẩn để tắm nhưng chưa chắc thủy hải sản đã an toàn để ăn. Ý kiến của GS về vấn đề này như thế nào?

GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng: Đúng vậy, chỉ khi nào đo lường kiểm nghiệm nồng độ các chất ô nhiễm độc hại trong hải sản vùng đó thấp hơn trị số tối đa cho phép thì mới nên ăn hải sản của vùng đó.

PV: Theo thông tin tại một số nước, để khắc phục hoàn toàn sự cố ô nhiễm môi trường biển phải mất rất nhiều năm. Trong khi đó ở Việt Nam, kể từ khi sự cố nhà máy Formosa xả chất thải công nghiệp ra biển khiến cá chết hàng loạt đến nay mới chỉ vài tháng đã nhanh chóng công bố là nước biển đã sạch trở lại. Điều này đang khiến dư luận nghi ngờ. GS có bình luận thế nào về vấn đề này?

GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng: Nước biển bị ô nhiễm có thể được phục hồi nhanh hơn các lớp đáy biển bị ô nhiễm, nhưng bao nhiêu năm thì khó lòng dự đoán được. Hệ sinh thái biển bị ô nhiễm suy thoái thì thời gian phục hồi của nó còn lâu hơn nữa, tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên vùng đó và khả năng kiểm soát ngăn chặn không cho chất thải tiếp tục thải vào biển.

PV: Bộ TN-MT đã khuyến cáo biển miền Trung có thể nuôi trồng thủy sản, nếu người dân vì mưu sinh vội vã nuôi trồng thủy sản ngay rồi sau đó  cá, hải sản vẫn tiếp tục nhiễm độc thì như vậy có phải “đánh lừa” người nông dân không, thưa GS?

GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng: Nếu khuyến cáo về độ an toàn của biển miền Trung của Bộ TN&MT là đúng sự thực thì nhân dân có thể nuôi trồng các loài cá sống trong nước biển, chưa nên nuôi trồng hải sản sống ở tầng đáy, trừ trường hợp đã có số liệu điều tra tầng đáy biển đã trở lại an toàn.

Xin trân trọng cám ơn GS!


Thanh Tâm thực hiện
Ý kiến của bạn