(SKDS) – Ngày 14/6, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Công an TP. Hà Nội cho biết, đã xử phạt nghiêm đường dây tiêu thụ thịt lợn mắc bệnh tai xanh, chế biến thành các sản phẩm như ruốc thịt, thịt chưng mắm tép... để bán cho người tiêu dùng kiếm lời và đang tiếp tục điều tra mở rộng.
Lợn dịch thành ruốc, thịt chưng mắm tép
Trước đó, đêm ngày 12/6 khi các trinh sát Đội 3 - Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (CATP Hà Nội) phối hợp với Đội QLTT số 26 bất ngờ kiểm tra chiếc xe tải BKS 29C-053.60 đang trên đường vận chuyển hàng vào nội thành đã phát hiện trên xe có khoảng 420kg thịt lợn mắc bệnh tai xanh bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng bu kín. Chủ hàng Nguyễn Văn Hải (SN 1988, ở xã Khánh Hà, Thường Tín, Hà Nội) khai nhận đã mua số thịt lợn trên tại kho hàng của Nguyễn Bá Trọng (SN 1982, ở thôn Thanh Trì, xã Đông Sơn, Chương Mỹ) với giá 10.000 đồng/kg để đem đi tiêu thụ tại các chợ trên địa bàn và bán cho cơ sở chế biến thực phẩm số 209 đường Nguyễn Khoái, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng.
Lực lượng chức năng kiểm tra tại cơ sở chế biến thực phẩm “bẩn” 209 Nguyễn Khoái, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh: Q. Anh |
Tiếp tục kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại kho đông lạnh do Nguyễn Bá Trọng làm chủ, đang lưu giữ 3-4 tấn thịt lợn các loại. Số lợn này được anh Trọng xác nhận là lợn chết do bệnh tai xanh, mua gom trên địa bàn nhiều ngày qua. Tại cơ sở chế biến thực phẩm ở 209 Nguyễn Khoái, lực lượng chức năng phát hiện đang lưu giữ một lượng lớn thịt lợn sống, 1,2 tấn ruốc và hàng trăm hộp thịt chưng mắm tép nhãn hiệu Long Bình. Chủ cơ sở là ông Đào Quang Bình đã thừa nhận đã mua lợn ốm chết của Nguyễn Văn Hải nhiều ngày qua, trung bình 200kg/ngày để chế biến thịt lợn này thành các sản phẩm thực phẩm đặc sản và bán ra thị trường với giá ruốc thành phẩm từ 100.000-120.000 đồng/kg; thịt chưng mắm tép bán từ 10.000 - 30.000 đồng/lọ.
Phải xử lý nghiêm
Trước những vi phạm trên, trước mắt, cơ quan chức năng đã ra quyết định phạt hành chính đối với 2 cá nhân vận chuyển, giết mổ, buôn bán lợn chết vì dịch tai xanh. Theo đó, chủ cơ sở giết mổ gia súc Nguyễn Bá Trọng bị phạt 25,8 triệu đồng; chủ hàng Nguyễn Văn Hải bị phạt 25 triệu đồng. Đối với cơ sở chế biến thực phẩm tại 209 Nguyễn Khoái, cơ quan chức năng đã lấy mẫu sản phẩm ruốc và thịt chưng mắm tép để tiến hành kiểm nghiệm, tùy mức độ sai phạm sẽ tiến hành xử lý.
Lực lượng chức năng kiểm tra tại cơ sở chế biến thực phẩm 209 Nguyễn Khoái. Ảnh: Q.Anh |
Trao đổi về việc sử dụng những sản phẩm được chế biến từ thịt lợn mắc bệnh tai xanh, PGS. TS. Phan Thị Sửu - Phó Chủ tịch Hội Khoa học an toàn thực phẩm cho biết, khi người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm thịt lợn nhiễm bệnh, không đảm bảo ATVSTP sẽ vô tình đưa vào cơ thể những vi sinh vật có hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Đối với những đối tượng cố tình sử dụng thịt lợn nhiễm bệnh để chế biến thành các sản phẩm thực phẩm, cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng. Liên quan đến vấn đề trên, ông Hoàng Văn Năm, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, virut gây bệnh tai xanh trên lợn không gây bệnh cho người khi vô tình sử dụng, song người tiêu dùng cũng không nên sử dụng các loại thịt lợn ốm chết nói chung để đảm bảo ATVSTP và đề phòng một số vi khuẩn gây bệnh như liên cầu khuẩn...
Anh Nguyên