Bức tranh đa sắc
Nhìn nhận khách quan, trong bức tranh chung của điện ảnh Việt, đã có những nhà biên kịch trẻ thành công cả về chất lượng tác phẩm lẫn doanh thu phòng vé, được công chúng đánh giá cao. Như tác giả Hoàng Anh đồng biên kịch phim Tấm Cám - Chuyện chưa kể; Trần Khánh Hoàng với Em chưa 18, Huỳnh Châu Ngọc đồng biên kịch Siêu sao siêu ngố... Trong khi đó, Nguyễn Hữu Hoàng với Ống kính sát nhân và thuộc ê-kíp biên kịch Nhắm mắt thấy mùa hè khẳng định mình bằng thể nghiệm mới mẻ. Phim truyền hình thì gần đây có Về nhà đi con gây sốt với khán giả. Các tác phẩm trên đều cho thấy dấu ấn thành công, sự sáng tạo và góp phần tạo nên diện mạo, sự tươi mới cho điện ảnh Việt.
Dẫu vậy, nhìn nhận trên thực thực tế, đạo diễn - biên kịch Nông Huyền Sơn cho rằng, làng điện ảnh Việt đang bị khủng hoảng biên kịch. Tác giả kịch bản nhiều, nhưng về chất lượng thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hàng trăm kịch bản viết ra nhưng chỉ có vài tác phẩm được bấm máy. Điều này phần nào cho thấy kịch bản tốt, chất lượng và thuần Việt vẫn là một trong những điểm yếu, lỗ hổng lớn của phim Việt. Tính riêng phim chiếu rạp, mỗi năm ở ta có trên dưới 40 phim “ra lò”, nhưng số kịch bản nội chỉ chiếm khoảng 25%, còn lại là phim làm lại từ kịch bản từ Hàn Quốc, Thái Lan... Phim truyền hình cũng không ngoại lệ, những tác phẩm ăn khách như Người phán xử, Gạo nếp gạo tẻ, Cả một đời ân oán... đều được chuyển thể hoặc có ý tưởng thực hiện từ phiên bản nước ngoài.
Tại lễ trao giải “Nhà biên kịch tài năng 2019” vừa qua, không ít người cảm thấy vui mừng vì sự xuất hiện của nhiều nhà biên kịch trẻ. Nhà sản xuất Vũ Quỳnh Hà đánh giá đây là tín hiệu đáng mừng vì biên kịch Việt ngày càng trẻ hóa. Nhưng thực tế cũng cho thấy, các nhà biên kịch trẻ nhiều ý tưởng hay nhưng không được đào tạo chuyên sâu về biên kịch, có khi phát triển kịch bản cả năm trời vẫn không hoàn thành, không đủ điều kiện sản xuất. Đặc biệt, biên kịch Việt rất yếu về cấu trúc. Đạo diễn Hoàng Vũ cũng từng cho rằng, tác giả trẻ ở ta viết rất sung nhưng thường hời hợt, thiếu chiều sâu, đơn giản hóa mọi vấn đề, sai sót kiến thức nhiều.
Về nhà đi con là số ít phim truyền hình Việt tạo sức hút với khán giả từ kịch bản nội.
Theo giới làm nghề, hiện nay ở nước ta chủ yếu có 3 dạng nhà biên kịch. Nhiều nhất là những nhà văn, nhà báo gắn bó với nghiệp viết lách, họ viết theo gợi ý, đơn đặt hàng. Đối với các tác giả này, vốn sống, kinh nghiệm phong phú, sâu sắc nhưng thường không bắt kịp thực tế, từ ngôn ngữ đến quan niệm. Họ làm việc quá cẩn trọng, khó mấy ai bắt kịp nhịp độ hối hả của đời sống và yêu cầu của nhà sản xuất nên kịch bản nhiều khi không thể sử dụng. Thứ hai là các đạo diễn, diễn viên, biên tập phim khai thác kinh nghiệm của chính bản thân và tự mình sáng tạo kịch bản. Cuối cùng là những bạn trẻ được tập hợp, hướng dẫn và thuê viết kịch bản theo đề cương và ngân hàng dữ liệu. Đây là những nhóm tác giả thường tên không xuất hiện trên tác phẩm mà họ tham gia tạo nên theo hình thức dự án là chính.
Nhiều việc phải làm
Giới làm nghề cho rằng, để có nhà biên kịch giỏi và kịch bản phim hay thì mỗi người cần phát huy, phát triển nội lực và cần làm nhiều việc. Nhà sản xuất Thanh Thúy chia sẻ, nghề biên kịch cần sự học hỏi, kiến thức rộng, cái gì cũng cần phải biết và đặc biệt, phải đọc sách nhiều, đọc các thể loại, chứ không đơn thuần chỉ tiểu thuyết. Đối với các nhà biên kịch trẻ tài năng nhưng là những “tay ngang”, nếu muốn thành công cần được đào tạo và học tập ở nhà trường chuyên nghiệp đào tạo về nghề biên kịch như Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.
Nhà biên kịch Thanh Hương từng thành công với phim truyền hình Thuyền giấy cũng đưa ra ý kiến, nếu là tay ngang nhưng bạn cảm thấy mình có năng khiếu và đam mê, hãy cứ mạnh dạn gởi đề cương kịch bản của mình đến những nhà sản xuất có uy tín (điều này là tối quan trọng). Khi đề cương đã được duyệt, từ đề cương viết qua kịch bản chi tiết không hề khó. Có thể bạn chỉ coi qua kịch bản mẫu là có thể viết được. Tất nhiên bạn sẽ gặp sai sót, thậm chí sẽ phải viết đi viết lại nhiều lần, trầy trật cam go cho lần đầu tiên. Nhưng đừng nản chí, vì một biên kịch chuyên nghiệp cũng phải chỉnh sửa kịch bản nhiều lần trước khi đưa vào sản xuất. Điều quan trọng là bạn không ngồi chờ cơ hội đến mà phải đứng lên, tự tạo ra cơ hội cho mình.
Tác giả trẻ Diệu Như Trang với kịch bản phim truyền hình Hãy nói anh yêu em, Màu của tình yêu, Hợp đồng scandal, Vòng xoáy định mệnh…; phim điện ảnh Thiên sứ 99 cho rằng, để thành công trong nghề biên kịch cần có sự tổng hợp của nhiều yếu tố: đam mê, năng khiếu, vốn sống, trí tưởng tượng và kỹ năng viết. Nhà biên kịch phải hội tụ được nhiều yếu tố và thăng hoa trong câu chuyện của mình thì mới có thể cho ra lò một tác phẩm hay. Vậy nhưng tréo ngoe ở chỗ, khi bộ phim ra đời, khán giả thường mặc định “phim hay nhờ đạo diễn, phim dở do kịch bản”, vì thế làm cho các tác giả, nhà biên kịch càng trở nên “mong manh dễ vỡ” trong hành trình sáng tạo nghệ thuật.