Biển Đông đón bão số 5, gió giật cấp 12 và có khả năng mạnh thêm

18-10-2023 12:54 | Xã hội

SKĐS - Trưa 18/10, áp thấp nhiệt đới trên khu vực biển Quảng Trị - Quảng Nam đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 5. Hồi 11 giờ, vị trí tâm bão số 5 ở cách đất liền khu vực Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 150km về phía Đông.

Áp thấp nhiệt đới càn quét các tỉnh miền Trung, có thể mạnh lên thành bãoÁp thấp nhiệt đới càn quét các tỉnh miền Trung, có thể mạnh lên thành bão

SKĐS - Vùng áp thấp đã chính thức mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, có hướng di chuyển phức tạp dọc biển miền Trung hướng ra Vịnh Bắc Bộ, gây mưa lớn cho các tỉnh ven biển.

Bão số 5 khiến nhiều nơi mưa rất to

Trưa nay (18/10), áp thấp nhiệt đới trên khu vực biển Quảng Trị-Quảng Nam đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 5. Hồi 11 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc; 109,3 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 270km về phía Tây Tây Bắc, cách đất liền khu vực Quảng Trị-Quảng Ngãi khoảng 150km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 11. Di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc với tốc độ khoảng 10km/h.

Biển Đông đón bão số 5, gió giật cấp 12 và có khả năng mạnh thêm - Ảnh 2.

Vị trí và đường đi của bão số 5 lúc trưa ngày 18/10.

Dự báo đến 10h ngày 19/10, bão di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc, khoảng 10 km/h trên vùng biển phía Đông khu vực Vịnh Bắc Bộ và có khả năng mạnh thêm. Đến 10h ngày 21/10, bão di chuyển theo hướng Nam Tây Nam và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực Vịnh Bắc Bộ. Từ 72 đến 96 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển chậm theo hướng Nam Tây Nam và suy yếu thêm.

Do ảnh hưởng của bão số 5, từ chiều 18/10 đến sáng 19/10, ở khu vực từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Từ đêm 19/10, vùng ven biển Bắc Bộ, khu vực Nam Đồng Bằng, khu vực Bắc Trung Bộ có khả năng có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to; mưa lớn trên khu vực Trung Trung Bộ giảm dần.

Vùng biển phía Tây Nam của khu vực Bắc Biển Đông, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Nam gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 12, biển động rất mạnh. Ở khu vực Vịnh Bắc Bộ từ đêm ngày 18/10 có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 12. Biển động rất mạnh.

Vùng biển phía Tây Nam của khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi sóng biển cao 2,0-4,0m, vùng biển Vịnh Bắc Bộ từ gần sáng và ngày 19/10 sóng biển tăng cao 2,0-4,0m, sau tăng lên 3,0-5,0m.

Ứng phó với mưa lũ

Ứng phó với diễn biến phức tạp của mưa lũ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Công điện số 973/CĐ-TTg ngày 17/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng thành bão và mưa lũ. Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, các bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương đã chủ động, quyết liệt chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với mưa lũ từ sớm, kịp thời. 

Thủ tướng yêu cầu chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, nhất là mưa lũ, áp thấp nhiệt đới, bão, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét để chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả, phù hợp với tình hình và điều kiện cụ thể tại địa phương, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, nhất là những người yếu thế, học sinh.

Tập trung kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền, phương tiện còn hoạt động trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú, triển khai ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển, ven biển và tại nơi tránh trú. Tiếp tục rà soát, kiên quyết tổ chức sơ tán các hộ dân ở khu vực nguy hiểm để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, nhất là các hộ dân tại khu vực bị ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét.

Chỉ đạo dự trữ lương thực, thực phẩm đề phòng mưa lũ gây chia cắt kéo dài nhiều ngày; chủ động đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân tại các vùng bị ngập lũ, vùng có nguy cơ bị chia cắt kéo dài. Kịp thời tổ chức cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ khó khăn, hộ có nguy cơ thiếu đói, nhất là các hộ phải sơ tán, hộ ở nơi bị ngập sâu, không được để người dân bị đói, rét.

Chỉ đạo bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát chặt chẽ, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông qua các ngầm tràn, khu vực bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn. Chỉ đạo, triển khai các biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm an toàn hồ đập, đê điều, hạn chế thiệt hại đối với các công trình cơ sở hạ tầng, nhất là công trình y tế, giáo dục, giao thông, thủy lợi.

Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, áp thấp nhiệt đới, bão, dự báo, thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương theo chức năng quản lý nhà nước được giao phối hợp địa phương: chỉ đạo điều tiết các hồ thủy lợi, thủy điện bảo đảm vận hành khoa học, an toàn tuyệt đối cho công trình, không để xảy ra lũ nhân tạo, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, trong đó lưu ý phải thông báo sớm cho người dân trước khi vận hành xả lũ; chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn đối với hoạt động thủy sản, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, an toàn hệ thống điện.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị liên quan và lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với các địa phương, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, tổ chức cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả khi có yêu cầu của địa phương.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn cho phương tiện vận tải trên biển, ven biển; chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ địa phương trong công tác bảo đảm an toàn giao thông, khắc phục nhanh các tuyến giao thông bị sạt lở, nhất là trên các tuyến cao tốc, quốc lộ, tuyến đường sắt Bắc Nam và các trục giao thông chính.

Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp với địa phương theo dõi sát tình hình thiên tai, chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ và đồ dùng học tập nhằm đảm bảo điều kiện cho học sinh trở lại trường học ngay sau khi lũ rút.  Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường trong và sau mưa lũ.

Bão số 4 suy yếu thành vùng áp thấp, miền Trung mưa lũ phức tạp trong 10 ngày tớiBão số 4 suy yếu thành vùng áp thấp, miền Trung mưa lũ phức tạp trong 10 ngày tới

SKĐS - Từ 10-20/10, khu vực Trung Bộ có thể xuất hiện một số hình thái thời tiết xấu gây mưa lớn gồm dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực Trung Trung Bộ, các đợt không khí lạnh thường xuyên được tăng cường, bổ sung.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Sáng 18/10: Nghi phạm đoạt mạng cô gái tại cửa hàng quần áo ở Bắc Ninh đã có vợ và 3 con | SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn