Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đêm qua (13/7), vùng áp thấp ở vùng biển phía Đông khu vực miền Trung Philippin đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Hồi 07 giờ ngày 14/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 122,5 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng biển phía Đông đảo Lu-Dông (Philippin). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/giờ), giật cấp 8.
Dự báo diễn biến áp thấp nhiệt đới (trong 24 đến 48 giờ tới):
Thời điểm dự báo | Hướng, tốc độ | Vị trí | Cường độ | Vùng nguy hiểm | Cấp độ rủi ro thiên tai (Khu vực chịu ảnh hưởng) |
07h/15/7 | Tây Bắc, 15-20 km/h | 19,7N-119,6E; trên khu vực phía Bắc Biển Đông, cách đảo Lu-Dông (Philippin), khoảng 160km về phía Tây Bắc | cấp 6-7, giật cấp 8-9 | 17,5-21,5N; phía Đông kinh tuyến 118,0E | Cấp 3: phía Đông khu vực Bắc Biển Đông |
07h/16/7 | Tây Bắc, 15-20 km/h | 21,2N-116,7E; trên khu vực phía Bắc Biển Đông, cách Hồng Kông (Trung Quốc) khoảng 310km về phía Đông Nam | cấp 7, giật cấp 9 | Phía Bắc vĩ tuyến 18,0N; phía Đô |
Từ 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km, có khả năng mạnh thêm. Vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 8. Biển động. Vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông có sóng biển cao 2,0-3,0m.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp nối với vùng áp thấp nhiệt đới phân tích trên kết hợp với hoạt động của gió mùa Tây Nam nên ngày và đêm 14/7, ở khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển huyện đảo Trường Sa), vùng biển phía Đông của khu vực Bắc và Giữa Biển Đông, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 6-7.
Ngày và đêm 15/7, ở vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau, vùng biển phía Nam khu vực Giữa Biển Đông và khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9; sóng biển 2,0-4,0m; biển động mạnh.
Toàn bộ tàu thuyền và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.
Về diễn biến của nắng nóng, ngày 14/7, khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-39 độ, có nơi trên 39 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 45-50%; khu vực từ Đà Nẵng đến Phú Yên có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 55-60%. Ngày 15/7, khu vực từ Nghệ An đến Phú Yên có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 55-60%.
Ngày 14/7, nắng nóng ở Bắc Bộ có xu hướng giảm dần, vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 55-60%. Ngày 15/7, nắng nóng diện rộng có khả năng kết thúc ở Bắc Bộ.
Nhận định hình thế thời tiết từ đêm 15 đến ngày 23/7, khu vực Bắc Bộ: từ chiều 15-16/7 có mưa rào và dông rải rác, cục bộ mưa có mưa vừa, mưa to; từ khoảng ngày 20/7, có khả năng xảy ra mưa lớn diện rộng. Trung Bộ: Từ 16-18/7, khu vực từ Nghệ An đến Phú Yên có nắng nóng. Từ khoảng ngày 20/7, ở Bắc Trung Bộ có khả năng xảy ra mưa lớn diện rộng. Tây Nguyên và Nam Bộ: chiều và tối có mưa vừa, mưa to và rải rác có dông, cục bộ có mưa rất to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Hà Nội Thêm 7 Ổ Dịch Sốt Xuất Huyết Mới | SKĐS