Trước thềm Hội nghị cấp cao ASEAN 24, Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM), Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đề nghị ASEAN cần đoàn kết và có phản ứng chung đối với tình hình nghiêm trọng trên Biển Đông.
Phát biểu tại Hội nghị diễn ra vào ngày 10/5, Bộ trưởng Phạm Bình Minh bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về tình hình hiện nay ở Biển Đông.
Đó là việc ngày 1/5/2014, Trung Quốc lần đầu tiên hạ đặt giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 và đưa tàu hộ tống vào sâu trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý.
Cho đến nay, Trung Quốc đã điều hơn 80 tàu, bao gồm cả tàu quân sự, tới khu vực giàn khoan. Các tàu của Trung Quốc đã cố tình đâm va vào các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam, gây thương tích về người và hư hỏng về tài sản. Hành động trên của Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình và ổn định ở khu vực, vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố DOC.
Việt Nam đã tiến hành nhiều cuộc tiếp xúc ở các cấp khác nhau với phía Trung Quốc, phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay tàu và giàn khoan ra khỏi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của VN. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam đã điện đàm với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì vào ngày 6/5.
Việt Nam cũng đề nghị Trung Quốc giải quyết tranh chấp liên quan đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán tại Biển Đông thông qua đàm phán và các biện pháp hòa bình, phù hợp Luật pháp Quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên Hợp Quốc và Công ước LHQ về Luật biển năm 1982.
"Trước những căng thẳng trên thực địa vẫn đang tiếp tục leo thang, ASEAN cần phải đoàn kết và có phản ứng chung đối với tình hình nghiêm trọng này. Do đó, đề nghị ASEAN có tiếng nói chung bằng việc bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình hiện nay ở Biển Đông, nhấn mạnh các nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông như đã được thể hiện trong Tuyên bố DOC và Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông tháng 7/2012; yêu cầu các bên liên quan không làm phức tạp thêm tình hình, không đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực, tuân thủ LPQT và Công ước Luật Biển 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và tài phán của các quốc gia ven biển đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của mình theo CULB, triển khai đầy đủ DOC, đẩy mạnh các nỗ lực sớm đạt COC. Theo đó, đề xuất ra Tuyên bố riêng của các BTNG ASEAN với các nội dung nêu trên", Bộ trưởng Phạm Bình Minh phát biểu.
Cũng tại Hội nghị AMM, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã nhấn mạnh vai trò chiến lược của ASEAN ở khu vực.
"ASEAN đang ở giai đoạn bản lề hướng tới sự hình thành của Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12/2015 và xây dựng định hướng phát triển của ASEAN sau 2015 trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang chứng kiến những thay đổi nhanh chóng. Những thay đổi này đặt ra nhiều thách thức khó lường đối với ASEAN, ảnh hưởng tới môi trường hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á", lời Bộ trưởng Minh.
Theo ông Minh, các thách thức này phải kể tới việc làm sao ASEAN có thể xử lý mối quan hệ và sự gia tăng ảnh hưởng của các nước lớn ở khu vực, nhất là trong bối cảnh có sự xuất hiện trở lại của chính trị cường quyền trên trường quốc tế, nhằm duy trì đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực.
Chính trị cường quyền cũng đặt câu hỏi đối với giá trị của luật pháp quốc tế, nguyên tắc và chuẩn mực trong quan hệ quốc tế và vai trò của các thể chế đa phương như ASEAN.
Bộ trưởng Phạm Bình minh cũng nhấn mạnh, trong lĩnh vực kinh tế, thách thức lớn nhất là làm sao bảo đảm tính cạnh tranh và sự thích ứng của Cộng đồng Kinh tế ASEAN trước quá trình tái cơ cấu nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Cạnh tranh gay gắt về đầu tư và thị trường từ những trung tâm tăng trưởng, cùng với các sáng kiến, sự nổi lên của các thỏa thuận mậu dịch tự do lớn như Khuôn khổ đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Đối tác xuyên Thái bình dương (TPP), cũng tác động mạnh tới tiến trình hội nhập kinh tế, sự thích ứng, tính năng động của ASEAN trong nền kinh tế Đông Á ngày càng hội nhập cao.
"Trong bối cảnh đó, ASEAN cần tiếp tục duy trì và phát huy giá trị các nguyên tắc và chuẩn mực ứng xử trong những văn kiện quan trọng như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Tuyên bố về Nguyên tắc Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Đây là những nguyên tắc căn bản và không thể thiếu đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực. ASEAN cũng cần tăng cường hơn nữa đoàn kết và trách nhiệm chung đối với những vấn đề thuộc lợi ích của khu vực, trong đó có quản lý thiên tai và các vấn đề an ninh phi truyền thống khác, vì các mục tiêu chung là hòa bình, ổn định, và phát triển ở khu vực", người đứng đầu ngành ngoại giao Việt Nam khẳng định.
Bộ trưởng Minh cũng đề nghị ASEAN thảo luận sâu về vấn đề này, và giao SOM ASEAN đánh giá những phát triển gần đây ở khu vực và thế giới, và xây dựng một chiến lược nhằm giúp ASEAN thích ứng với môi trường chiến lược mới. Việt Nam sẵn sàng đăng cai một Hội nghị đặc biệt các Quan chức Cao cấp ASEAN để bàn về những vấn đề này.