Những thay đổi sinh lý do tuổi đôi khi được coi là không thể tránh khỏi và đó là quá trình tự nhiên hay còn gọi là biến đổi sinh lý. Các giác quan trong cơ thể người cao tuổi (NCT) cũng biến đổi tự nhiên. Phân biệt giữa thay đổi sinh lý hay bệnh lý khi tuổi cao là một phần quan trọng trong chăm sóc sức khỏe NCT.
Thị lực: Hầu hết NCT bị giảm sút thị lực, khả năng phân biệt màu sắc cũng kém hơn, khả năng co nhỏ đồng tử tức thì đáp ứng với các kích thích giảm và thị thường ngoại vi cũng giảm. Thủy tinh thể trở nên vàng dẫn tới đục thể thủy tinh tiến triển ở người già. NCT có nguy cơ bị những bệnh như đục thể thủy tinh hay tăng nhãn áp. NCT nên khám mắt thường quy lúc về già định kỳ ít nhất 1 năm/lần. Một biến đổi sinh lý thường thấy ở NCT là một vòng nhẫn bao quanh mống mắt nhưng không ảnh hưởng tới thị lực và do đó không cần quan tâm đến biểu hiện này.
Thính giác: Hệ quả của giảm lượng nước trong cơ thể NCT là tích tụ ráy tai, do đó ảnh hưởng tới thính lực. Việc lấy ráy tai cho NCT luôn cần được thực hiện bởi một nhân viên y tế chuyên nghiệp và lấy ráy tai có thể cải thiện thính lực. Giảm khả năng nghe không phải là một thay đổi sinh lý nhưng vẫn thường diễn ra ở NCT do phơi nhiễm với các tác nhân của môi trường như ô nhiễm tiếng ồn hoặc do yếu tố di truyền. Tỷ lệ phổ biến của điếc tuổi già hay ù tần số cao cũng tăng theo tuổi. NCT nghe kém nên được tư vấn bởi một chuyên gia về thính học. Các công cụ hỗ trợ thính lực tỏ ra hiệu quả trong cải thiện khả năng nghe của NCT. Rất nhiều phương pháp hỗ trợ cải thiện thính lực mới và tiên tiến đã và đang được nghiên cứu gần đây để cải thiện khả năng nghe của NCT.
Vị giác và khứu giác: NCT giảm vị giác và khứu giác do số lượng các nụ lưỡi giảm khoảng 30%. Nếu hiện tượng giảm nụ lưỡi là bình thường thì hiện tượng đột ngột giảm khả năng nếm hoặc ngửi có thể là biểu hiện bệnh lý. Viêm lợi, bệnh quanh răng và các rối loạn khác phổ biến ở người già có thể làm giảm khả năng nếm và ngửi đồ ăn. Thay đổi này thường gây khó khăn cho NCT bởi họ thường chỉ ăn được nếu cảm nhận hương vị của đồ ăn. Điều này cũng giải thích vì sao người cao tuổi thường không nhận ra những mùi vị mà mọi người đều ngửi thấy như mùi thức ăn được đun sôi hoặc bị cháy. Giảm khả năng ngửi và nếm có thể dẫn tới việc NCT cố gắng gia tăng đậm độ của thức ăn bằng cách nêm thêm muối và đường. Tuy nhiên, việc gia giảm này sẽ gây rắc rối nếu NCT có các bệnh như tăng huyết áp hay tiểu đường. Đã có khuyến nghị một quy trình tổng thể bao gồm khai thác tiền sử về vị giác và khứu giác cũng như khám lâm sàng mũi và miệng để chẩn đoán phân biệt các thay đổi sinh lý và bệnh lý ở NCT. Thêm vào đó, rất cần một đánh giá xác thực về chế độ ăn bắt đầu từ ghi đo khẩu phần ăn 24 giờ để xác định ảnh hưởng của thay đổi vị giác và khứu giác lên tình trạng bữa ăn của NCT.
Xúc giác: Càng cao tuổi thì các cảm nhận qua da của NCT cũng kém dần. Do vậy, những cảm nhận về nhiệt độ (nóng, lạnh) hoặc đau đớn trên da của NCT cũng không còn chính xác.