Hà Nội

Biến đổi khí hậu và sức khỏe con người

09-06-2017 14:55 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Y học từ xưa tới nay, cả y học cổ truyền lẫn y học hiện đại đều ghi nhận sự tác động của khí hậu và môi trường lên sức khỏe con người dưới nhiều góc độ.

KỲ II: Y HỌC HIỆN ĐẠI GHI NHẬN SỰ TÁC ĐỘNG CỦA KHÍ HẬU, MÔI TRƯỜNG LÊN SỨC KHỎE CON NGƯỜI

Y học từ xưa tới nay, cả y học cổ truyền lẫn y học hiện đại đều ghi nhận sự tác động của khí hậu và môi trường lên sức khỏe con người dưới nhiều góc độ. Con người chính là một phần của tự nhiên giới nên chắc chắn bị chi phối bởi các yếu tố tự nhiên. Không thể tách rời các nguyên nhân tự nhiên khi đánh giá về sức khỏe, từ đó có phương pháp phòng bệnh và điều trị hiệu quả.

Tác động trực tiếp

Thể hiện rõ nhất trên các bệnh cơ xương khớp:

Kết quả của một công trình nghiên cứu khoa học thực hiện tại Trung tâm Y khoa Rotterdam (Hà Lan) đã khẳng định mối liên quan chặt chẽ giữa các cơn đau nhức xương khớp với sự thay đổi của thời tiết. Theo đó, tình trạng cứng khớp và khó vận động khớp tăng lên 1 điểm mỗi khi độ ẩm không khí tăng lên 10%. Đồng thời, chỉ số đánh giá chức năng của khớp cũng trở nên xấu đi hơn khi áp suất không khí tăng 10 đơn vị.

Biến đổi khí hậu và sức khỏe con ngườiMối liên quan chặt chẽ giữa các cơn đau nhức xương khớp với sự thay đổi của thời tiết

- Cơ thể cố dự trữ năng lượng khi nhiệt độ hạ xuống vào mùa đông, dẫn đến lưu thông máu kém.

- Thời tiết lạnh mùa đông cũng làm giảm lưu thông của dịch khớp (có vai trò như tấm đệm làm giảm sự cọ xát giữa các đầu xương). Lưu thông dịch khớp giảm đi làm sự cọ xát giữa các đầu xương tăng lên, khiến bệnh nhân đau nhiều hơn.

- Áp suất không khí và độ ẩm cũng liên quan với đau khớp. Bệnh nhân hay cảm thấy đau vào mùa hè vì áp suất không khí giảm, khiến cho các khớp giãn ra và chèn ép vào các dây thần kinh xung quanh.

Trên thực tế, thật khó mà xác định được mối liên quan giữa đau xương khớp và thời tiết. Khí hậu bao gồm rất nhiều thông số như: nhiệt độ, độ ẩm, áp lực khí quyển, mưa gió, thậm chí tuyết rơi và băng giá. Chúng thay đổi từ ngày này qua ngày khác và thậm chí thay đổi trong từng ngày. Tuy nhiên người ta cũng có thể phân biệt các vùng khí hậu lớn như: khí hậu đại dương, lục địa, bán lục địa. Do vậy, để nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố thời tiết lên bệnh xương khớp người ta phải đánh giá rất nhiều những thông số chính của thời tiết như: độ ẩm, nhiệt độ, nhiệt độ tối thiểu và tối đa trong ngày, nắng, áp suất khí quyển trung bình trong ngày, biên độ thay đổi áp suất trong ngày, mưa, tốc độ của gió, sương mù. Các thông số này rất thay đổi và kết hợp với nhau cũng rất khác nhau thậm chí trong một ngày.

Năm 1929, Renschler đã nghiên cứu 367 bệnh nhân xương khớp nhập viện. Ông nhận thấy rằng 72% số bệnh nhân khớp đau tăng lên khi sụt giảm áp suất khí quyển. Nhiệt độ và độ ẩm ở ngoài trời khác ở trong nhà, nhưng áp lực khí quyển thì như nhau cả ở trong nhà và ở ngoài trời. Vào năm 1985, tại Hà Lan nơi có khí hậu đại dương, người ta cũng nghiên cứu trên 88 bệnh nhân mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Kết quả nghiên cứu cho thấy đau xương khớp tăng lên có liên quan đến thay đổi nhiệt độ, áp lực hơi nước, độ ẩm không khí, và ảnh hưởng này rõ rệt vào mùa hè hơn mùa đông. Một nghiên cứu khác tiến hành năm 2002 tại Argentina, cho thấy nhiệt độ thấp, áp lực khí quyển cao và độ ẩm lớn là những yếu tố khí hậu ảnh hưởng lớn đến bệnh viêm khớp dạng thấp cũng như bệnh thoái hóa khớp. Ngay từ năm 1948, một nghiên cứu đã cho thấy lợi ích của môi trường khô và ấm áp đối với bệnh nhân viêm khớp dạng thấp.

Sự thay đổi của thời tiết kéo theo sự thay đổi của các yếu tố bên trong cơ thể như độ nhớt của máu, độ nhớt dịch khớp, sự kết tủa của các muối, thay đổi nồng độ các hóa chất trung gian trong cơ thể, thay đổi vận mạch. Chính sự thay đổi nội môi này góp phần làm xuất hiện các đợt đau xương khớp.

Vai trò của nhiệt độ thấp cũng được đề cập đến trong việc xuất hiện cơn gút cấp. Vào khoảng 2 - 3 giờ sáng nhiệt độ của ngón chân cái thấp nhất, do đó các muối urat dễ kết tủa nhất.

Huyết áp: trợ lý nghiên cứu về ảnh hưởng sinh học của thời tiết Jennifer Vanos, thuộc Đại học Kỹ thuật Texas cho biết, khi thời tiết thay đổi, ảnh hưởng rõ ràng, dễ nhận thấy và phổ biến nhất là vấn đề huyết áp. Khi áp suất khí quyển giảm, huyết áp của con người cũng thay đổi. Nhiệt độ đột ngột xuống thấp khiến các mạch máu bị co lại làm tăng huyết áp, dễ xảy ra tai biến hay đột quỵ, nhất là đối với bệnh nhân có tiền sử cao huyết áp.

Cảm xúc: theo nghiên cứu được công bố, TS. Grady Dixon cho biết, thời tiết ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần của con người. Nghiên cứu cho rằng, số các vụ tự tử tăng vọt trong những ngày trời nhiều mây, u ám. Nó ảnh hưởng đến sức khỏe tổng quát của con người đặc biệt là những người mắc các bệnh về tâm thần, từ đó gây ra những hành vi tự tử hoặc tự hủy hoại bản thân.

Hen suyễn và dị ứng: khi thời tiết chuyển mùa hay từ lạnh sang nóng, những người gặp các vấn đề về hô hấp như hen suyễn, dị ứng thấy bệnh trầm trọng thêm. Khi mùa xuân đến, thời tiết trở nên ấm áp hơn, nhưng đây cũng là mùa của các loài hoa thụ phấn hay côn trùng sinh sôi, phấn hoa chính là nguyên nhân gây ra các cơn dị ứng cho con người.

Nhức đầu: vào mùa hè, ở các nước châu Âu, ngày dài hơn đêm, việc tiếp xúc với ánh sáng kéo dài thường gây ra các chứng đau nửa đầu. Việc thời tiết thay đổi làm cho nhiều người mắc chứng đau đầu, đó là do áp suất khí quyển và nhiệt độ không khí ảnh hưởng đến các mạch máu lưu thông đến não gây ra hiện tượng đau đầu.

Thay đổi lượng đường trong máu và bệnh đái tháo đường: khi nhiệt độ xuống thấp, cơ thể sẽ có những phản ứng để thích nghi như mạch máu co lại, đường trong gan được huy động để tạo năng lượng cho cơ thể hoạt động, từ đó có thể làm gia tăng lượng đường trong máu ở các bệnh nhân đái tháo đường.

Tác động đến lớp mỡ: trong cơ thể con người tồn tại 2 dạng mỡ là mỡ trắng và mỡ nâu. Mỡ trắng trữ năng lượng dưới dạng lipid trong khi mỡ nâu đốt cháy năng lượng và tỏa nhiệt. Mỡ nâu thường được coi là tốt hơn mỡ trắng. Khi đi ra ngoài vào trời lạnh, mỡ nâu trong cơ thể bạn sẽ kích hoạt đốt cháy năng lượng (calorie) để giữ ấm cơ thể.

Đau tim: theo nghiên cứu của Tổ chức tim mạch BMJ, mỗi khi nhiệt độ giảm 1 độ có thêm khoảng 200 trường hợp đau tim xảy ra trên khắp nước Mỹ. Nguyên nhân là do nhiệt độ giảm phát sinh các căn bệnh như tăng huyết áp, tăng nguy cơ cục máu đông và là điều kiện trực tiếp làm xuất hiện các cơn đau tim.

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và các bệnh phổi khác: khi trời nóng, thời tiết ẩm ướt có thể làm cho việc hít thở khó khăn, đặc biệt đối với những người có các bệnh về phổi trước đó. Hoặc khi thời tiết thay đổi nhiệt độ sang lạnh và độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi để phát triển các virút gây bệnh đường hô hấp.

Biến đổi khí hậu và sức khỏe con ngườiKhi trời nóng, thời tiết ẩm ướt có thể làm cho việc hít thở khó khăn, đặc biệt đối với những người có các bệnh về phổi trước đo

Cảm lạnh và cúm: theo các chuyên gia sinh học địa chất, mặc dù không biết rõ lý do tại sao khi thời tiết thay đổi con người thường mắc bệnh cảm lạnh hoặc cảm cúm. Họ tin rằng, sự biến động nhiệt độ nhanh làm hệ miễn dịch bị suy yếu, thêm vào đó các virút gây bệnh cảm lạnh thường lan truyền dễ dàng hơn trong điều kiện khí hậu lạnh, ẩm.

Chứng tăng động giảm chú ý (ADHD): những người bị ADHD sẽ bị rối loạn tình cảm theo mùa nóng lạnh khác nhau. Thêm vào đó, ở những khu vực nắng ít, số lượng bệnh nhân ADHD tăng lên, mặc dù các chuyên gia nghiên cứu chưa giải thích được tại sao lại có tình trạng này.

Bệnh xoang: khi áp suất khí quyển thay đổi, nhiều người cảm thấy nó tác động ngay đến bệnh xoang vốn có của mình, họ thường xuất hiện các triệu chứng ngạt mũi, khó thở…

Raynaud: một tình trạng bệnh lý thường hay kết hợp với các bệnh khớp như: lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì toàn thể. Độ nhớt của dịch khớp tăng lên khi nhiệt độ hạ thấp, giải thích sự cứng khớp trong bệnh thoái hóa khớp.

Lupus ban đỏ: vai trò của mặt trời gây sạm da và ban đỏ ở da tiếp xúc với ánh sáng trong bệnh lupus đã được chứng minh. Do vậy bệnh nhân luput phải bảo vệ, che chắn khỏi các tia tử ngoại của mặt trời.

Tác động gián tiếp

Biến đổi khí hậu tác động đến sức khỏe con người thông qua những nguồn gây bệnh, làm tăng khả năng bùng phát và lan truyền các bệnh dịch như: bệnh cúm A/H1N1, cúm A/H5N1, tiêu chảy, dịch tả... Ngoài ra, biến đổi khí hậu làm tăng khả năng xảy ra một số bệnh nhiệt đới như: sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, làm tăng tốc độ sinh trưởng và phát triển nhiều loại vi khuẩn và côn trùng, vật chủ mang bệnh (ruồi, muỗi, chuột, bọ chét, ve).

Minh chứng rõ ràng cho điều này là, hiện sốt xuất huyết đang là vấn đề của toàn cầu, cứ sau 10 năm số mắc sốt xuất huyết trên thế giới lại tăng gấp đôi; gần 4 tỉ người sống trong vùng nguy cơ, số mắc ghi nhận ở 128 nước. Năm 2015, tại Trung Quốc, Malaysia, Campuchia, Đài Loan, Ấn Độ, sốt xuất huyết cũng đang gia tăng sau nhiều năm không có dịch. Không chỉ trên thế giới mà tại Việt Nam, sau năm 2014 - năm mà sốt xuất huyết Việt Nam giảm sâu nhất, thấp nhất trong vòng 10 năm, năm 2015, số mắc sốt xuất huyết gia tăng trở lại. Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến dịch sốt xuất huyết trở lại và bùng phát như hiện nay là, hiện tượng El Nino năm nay được đánh giá mạnh nhất trong nhiều năm qua, gây nên thời tiết khô hạn khiến việc tích trữ nước gia tăng, gia tăng nhiệt độ trung bình, làm cho thời gian phát triển chu kỳ trứng thành muỗi rút ngắn, kéo dài thời gian sống của muỗi, làm gia tăng mật độ muỗi khiến tăng nguy cơ dịch sốt xuất huyết. Được biết, nước ta đã từng trải qua vụ dịch sốt xuất huyết lớn nhất năm 1998, tương ứng với thời kỳ hoạt động của hiện tượng El nino 1997 - 1998. Trong một dự đoán mang tính cảnh báo, nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu đã cảnh báo rằng, đến năm 2080 sẽ có khoảng 1,5 - 3,5 tỉ người trên thế giới phải đối mặt với nguy cơ mắc sốt xuất huyết mà nguyên nhân là do hiện tượng trái đất ấm lên và do khí hậu thay đổi, sốt Dengue sẽ lại tăng lên ở các nước đang phát triển.

Ngoài ra, phát thải khí nhà kính ngày càng tăng là nguyên nhân chủ yếu của xu thế ấm lên toàn cầu, tầng ozon bị phá hủy dẫn đến sự tăng cường độ bức xạ tử ngoại trên mặt đất. Điều này đã gây bệnh ung thư da và các bệnh về mắt. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các dịch bệnh nguy hiểm đang lan tràn ở nhiều nơi trên thế giới hơn bao giờ hết. Những vùng trước kia có khí hậu lạnh giờ đây cũng xuất hiện các loại bệnh nhiệt đới. Hàng năm có khoảng 150 ngàn người chết do các bệnh có liên quan đến biến đổi khí hậu, từ bệnh tim do nhiệt độ tăng quá cao, đến các vấn đề hô hấp và tiêu chảy. Cũng liên quan đến vấn đề này, kết quả nghiên cứu của Viện sốt rét ký sinh trùng và côn trùng Trung ương cho thấy, bệnh tật dẫn đến tử vong do tác động của biến đổi khí hậu là do nhiệt độ tăng cao quá mức làm gia tăng người bị bệnh tim, nguy cơ tử vong ở người già và trẻ nhỏ cao hơn do bị giảm khả năng kháng bệnh của cơ thể. Theo ước tính, khoảng 2,4% số trường hợp tiêu chảy cấp trên thế giới, 6% các trường hợp mắc sốt rét trong các nước có mức thu nhập trung bình và thấp đều có liên quan đến biến đổi khí hậu. Trong số 14 triệu người chết hàng năm ở khu vực này có tới 40% chết do các bệnh lây nhiễm. Biến đổi khí hậu đã tạo điều kiện lý tưởng cho sự lây lan của bệnh lây nhiễm tại khu vực này.

Ngoài ra, biến đổi khí hậu còn làm cho thiên tai, thảm họa, đặc biệt là bão, lũ lụt, hạn hán, động đất, sóng thần ngày càng gia tăng về tần suất, cường độ và quy mô. Điển hình là, trong những năm gần đây, do biến đổi khí hậu nên những cơn bão có sức tàn phá lớn xuất hiện ngày càng nhiều, gây phá hủy nhà cửa, công trình, hoa màu, cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người. Vì vậy, nếu không có các biện pháp thích ứng và đối phó với biển đổi khí hậu, sẽ rất nguy hiểm đến sự sống của hàng triệu người trên trái đất; trong đó tăng cường năng lực y tế để bảo vệ sức khỏe con người trong bối cảnh biến đổi khí hậu đã trở nên khẩn cấp cả ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu. Phản ứng hiệu quả và bền vững, hành động nhất quán, đầu tư tài chính thỏa đáng hơn và phối hợp đa phương-đó là phương châm hợp tác đối phó với biến đổi khí hậu. Khu vực y tế phải đóng vai trò thiết yếu làm giảm biến đổi khí hậu và thích ứng với tác động bất lợi của nó.


BS.CKII. HUỲNH TẤN VŨ
Ý kiến của bạn