Hà Nội

Biến đổi khí hậu và sức khỏe con người

01-06-2017 14:29 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Người Việt Nam hay nghe câu “đau nhức khi trái gió trở trời”; trái gió trở trời ở đây là sự thay đổi của khí hậu, thời tiết làm người ta “đau nhức”.

KỲ I: NGƯỜI XƯA NHÌN NHẬN SỰ BIẾN ĐỔI CỦA KHÍ HẬU TÁC ĐỘNG TỚI SỨC KHỎE CON NGƯỜI

Người Việt Nam hay nghe câu “đau nhức khi trái gió trở trời”; trái gió trở trời ở đây là sự thay đổi của khí hậu, thời tiết làm người ta “đau nhức”. Vậy, y học ghi nhận sự thay đổi của môi trường lên sức khỏe con người như thế nào?

Học thuyết ngũ vận - lục khí

Y học cổ truyền có học thuyết ngũ vận Lục khí hay gọi tắt là vận khí, là một phương pháp lý luận của đời xưa giải thích sự biến hóa của khí hậu thời tiết trong tự nhiên giới và ảnh hưởng của khí hậu thời tiết biến hóa đối với vạn vật trong vũ trụ, đặc biệt là đối với loài người. Học thuyết này lấy âm dương ngũ hành làm hạt nhân, dựa trên cơ sở của quan niệm chỉnh thể về thiên nhân tương ứng mà xây dựng nên.

Ngũ vận tức lấy kim, mộc, thủy, hỏa, thổ trong ngũ hành phối hợp với thiên can để tính tuế vận của mỗi năm (năm nào thuộc về vận nào). Lục khí là chỉ vào 6 thứ khí: phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa, đem phối hợp với địa chi, để tính tuế khí của mỗi năm (năm nào thuộc về khí nào). Kết hợp ngũ vận và lục khí lại sẽ thành ra một công cụ lý luận đơn giản hóa dùng nó dể thuyết minh mọi phương diện trong hoàn cảnh tự nhiên và mọi thứ quan hệ trong Y học.

Học thuyết vận Khí sở dĩ đem vận dụng vào y học là vị người xưa nhận thức được sự quan hệ mật thiết giữa con người và tự nhiên giới, tất cả sinh hoạt của con người đều cần phải thích ứng với sự biến hóa của tự nhiên nên cho nên người) xưa thường lấy con người và tự nhiên vạn vật so từng loại mà bàn. Nội dung của học thuyết vận khí là lấy ba thứ “thiên, địa, nhân” kết hợp lại mà thảo luận. Mục đích nghiên cứu học thuyết vận khí trên y học chủ yếu là ở chỗ nắm quy luật biến hóa của thời tiết khí hậu, để tiện cho việc nghiên cứu nhân tố gây bệnh của ngoại cảm lục dâm; và dùng để suy tính tình hình phát bệnh và khí hậu biến hóa của từng năm; làm chỗ tham khảo cho việc chẩn đoán và chữa bệnh.

Theo thiên khí giao biến đại luận và thiên chí chân yếu đại luận trong Nội kinh có chép, bất luận ngũ vận biến hóa hay lục khí biến hóa đều có thể gây bệnh cho người, nhưng đem quan hệ giữa khí hậu biến hóa với bệnh tật mà xét thì quy luật cơ bản là nhất trí, chủ yếu là nói những bệnh vì khí hậu ảnh hưởng đến tạng thuộc với khí ấy mà phát ra, thứ ba nữa còn có ảnh hưởng kinh mạch và quan hệ biểu lý giữa các tạng phủ mà phát bệnh… Tóm lại, vì thuộc tính của nguyên nhân gây bệnh không giống nhau và thể chất của người ta cũng khác nhau, nên tạng phủ bị bệnh và chứng trạng hiện ra cũng khác nhau.

Biến đổi khí hậu và sức khỏe con ngườiCon người là một sinh vật trong tự nhiên giới, luôn luôn tiếp xúc với hoàn cảnh tự nhiên, quan hệ mật thiết, không thể tách rời

Mối quan hệ giữa con người và tự nhiên

Con người là một sinh vật trong tự nhiên giới, luôn luôn tiếp xúc với hoàn cảnh tự nhiên, vì thế không thể tách rời quan hệ giữa người với tự nhiên được.

Quan hệ giữa con người với tự nhiên trong thiên Tà khách sách Linh khu nói: “Con người tương ứng với trời đất”. “Trời” và “đất” là đại biểu cho tự nhiên giới. “Tương ứng” là chỉ khi sự biến hóa của tự nhiên giới ảnh hưởng đến thân thể người ta thì thân thể người ta có sự phản ứng với nhau. Lý luận quan hệ giữa người với tự nhiên trong những thiên Tứ khí điều thần đại luận, Sinh khí thông thiên luận, Âm dương ứng tượng đại luận, Trước chí giao luận, Dị pháp phương nghi luận Tạng khí pháp thời luận ở sách Tố vấn đều có ghi chép, trog đó như thiên Tước chi giáo luận nói: “Trên quan thiên văn, dưới sát địa lý, giữa bàn nhân sự, thì có thể tồn tại được lâu dài” và trong thiên âm dương ứng tượng đại luận có nói: “điều dưỡng thân thể mà không theo vào lẽ tự nhiên thì tật bệnh sẽ phát sinh”.

Khi bàn về quan hệ giữa người với tự nhiên, trước tiên cần phải nói đến hiện tượng của tự nhiên giới và sự biến hóa của hiện tượng ấy. Về điểm này, trong Nội kinh đã nhận thức rằng quả đất ở vào giữa khoảng không, không tựa vào đâu, mà nhờ vào sức của “đại khí” trong vũ trụ nâng đỡ nó. Và còn nhận rằng tất cả sự vật trong trời đất không lúc nào là không vận động và biến hóa. Sinh ra biến hóa thì khí trời luôn luôn giáng xuống, khí đất thì luôn luôn đưa lên, một khí ở trên, một khí ở dưới, hấp dẫn lẫn nhau, một khí đưa lên, một khí đưa xuống, tác dụng lẫn nhau. Đồng thời có động tất có tĩnh, một bên động, một bên tĩnh cũng có thể ảnh hưởng lẫn nhau và sinh ra sự biến hóa.

Thiên Nguyên kỷ đại luận sách Tố vấn nói: “Động tĩnh hút nhau, trên dưới ảnh hưởng lẫn nhau, âm dương xen lẫn, phối hợp với nhau thì sinh ra sự biến hóa”. Chính vì khí âm dương của thiên địa không phải là yên tĩnh, mà là trên dưới lên xuống và vận động không ngừng cho nên mới sinh ra sự biến hóa, có biến hóa mới có thể sinh ra vạn vật. Căn cứ lý luận Nội kinh thì khí trời đưa xuống, khí đất bốc lên, sự phối hợp này gọi là khí giao, người ta sinh tồn ở trong khoảng khí giao, hay nói cách khác người ta sinh hoạt trong sự vận động biến hóa của khí âm dương trong trời đất.

Sự biến hóa của khí âm dương trong trời đất không phải là trừu tượng mà có đủ cơ sở vật chất nhất định.Thiên thiên nguyên kỷ đại luận sách tố vấn nói: “Ở trời là phong, ở đất là mộc, ở trời là nhiệt, ở đất là hỏa, ở trời là thấp, ở đất là thổ, ở trời là táo, ở đất là kim, ở trời là hàn, ở đất là thủy, cho nên ở trời là khí, ở đất thành hình, hình và khí cảm ứng với nhau mà hóa sinh ra vạn vật”.  Lại nói: “Hàn, thử, táo, thấp, phong, hỏa là âm dương của trời, ba khí âm, ba khí dương ứng vói sau khí ấy, Mộc, hỏa, thổ, kim, thủy là âm dương của đất, sự biến hóa, sinh trưởng, hóa thu,tàng ứng với khí”. Tức là nói trời có khí hàn, thử, táo, thấp, phong; đất có hình mộc, hỏa, thổ, kim, thủy trong tình trạng hình với khí cảm ứng lẫn nhau, ảnh hưởng lẫn nhau mà phát sinh ra sự biến hóa, do sự biến hóa mà phát sinh ra vạn vật. Đồng thời sau khi vạn vật sinh sản, cũng không phải là nhất định không biến hóa nữa, mà nó có một quá trình phát sinh phát triển, tức là sinh "  trưởng " hóa " thu " tàng. Mà sự chuyển biến trong quá trình ấy luôn luôn tương quan với sự biến hóa của âm dương trời đất. theo đó có thể hiểu được sự biến hóa của tự nhiên giới và sự biến hóa phát sinh phát triển của vạn vật là không tách rời được sự biến hóa mâu thuẫn  thống nhất của âm dương.

Nói tóm lại, sự sinh tồn và phát triển của sinh vật, đều trực tiếp chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh khách quan. Người ta cũng không ra ngoài cái quy luật ấy, người với tự nhiên giới là có sẵn quan hệ mật thiết, không thể tách rời ra được, thiên Bảo mạng toàn hình luận sách Tố vấn nói: “Trong khoảng trời đất có dầy đủ vạn vật không gì quý bằng người, người nhờ vào khí của trời đất và tinh khí của đồ ăn thức uống mà sinh tồn, theo vào quy luật sinh, trưởng, thu, tàng của bốn mùa mà trưởng thành”. Đó là ý nói: “tự nhiên giới tuy có vạn sự vạn vật mà quý báu nhất là người, người là dựa vào tác dụng của tự nhiên giới mới có sinh mạng tồn tại, và cũng như mọi sinh vật, thuận theo quy luật tự nhiên của bốn mùa sinh, trưởng, thu, tàng để hoàn thành quá trình hoạt động sinh mạng của nó.

Do đó, có thể biết sinh mạng của con người tất nhiên là chịu ảnh hưởng của tự nhiên, vì thế nghiên cứu y học cần phải đem vấn đề quan hệ giữa người với tự nhiên đặt thành một trong những vấn đề trọng yếu đầu tiên.

KỲ II: Y HỌC HIỆN ĐẠI GHI NHẬN SỰ TÁC ĐỘNG CỦA KHÍ HẬU, MÔI TRƯỜNG LÊN SỨC KHỎE CON NGƯỜI


BS.CKII. HUỲNH TẤN VŨ
Ý kiến của bạn