Biến đổi khí hậu trên trái đất

15-11-2012 11:02 | Thời sự
google news

Lịch sử khí hậu trái đất đã trải qua nhiều biến động với nhiều nguyên nhân khác nhau (núi lửa, hoạt động của các loài sinh vật).

(SKDS) - Lịch sử khí hậu trái đất đã trải qua nhiều biến động với nhiều nguyên nhân khác nhau (núi lửa, hoạt động của các loài sinh vật). Trong vài chục vạn năm, trái đất đã trải qua những thời kỳ băng hà và những thời kỳ ấm lên. Thời kỳ băng hà cuối cùng khoảng 18.000 năm TCN với mực nước biển thấp hơn hiện nay tới 120m. Thế kỷ 14, châu Âu trải qua một thời kỳ băng hà nhỏ, kéo dài khoảng vài trăm năm.

ừ khoảng giữa thế kỷ XIX mới có được số liệu định lượng chi tiết về biến đổi khí hậu (BĐKH). Những số liệu có được cho thấy xu thế chung là, từ cuối thế kỷ XIX đến nay, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng lên đáng kể. Kết quả nghiên cứu hiện nay cho thấy, nhiệt độ không khí trung bình toàn cầu trong thế kỷ XX đã tăng lên 0,60C và thập kỷ 90 là thập kỷ nóng nhất trong thiên niên kỷ vừa qua (IPCC, 2001).

BĐKH hiện đại có nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động của con người gây ra. Tốc độ và xu thế của BĐKH hiện đại tùy thuộc chủ yếu vào mức độ phát thải khí nhà kính trong các hoạt động sản xuất công - nông nghiệp và thay đổi sử dụng đất, trong đó chủ yếu là các hoạt động liên quan tới phá rừng và khai hoang biến đất rừng thành đất nông nghiệp hoặc đất đô thị.
 
Biến đổi khí hậu trên trái đất 1
Loại khí nhà kính chủ yếu mà con người phát thải trong quá trình phát triển kinh tế là khí CO2 do đốt than (để phát điện và sưởi ấm) - đốt than giúp tạo ra năng lượng với giá rẻ nhất! Khí mêtan (CH4) sinh ra chủ yếu từ các quá trình sản xuất nông nghiệp (trồng lúa nước, chăn nuôi gia súc, phân hủy sinh khối nông phẩm...), và khí thoát ra từ các mỏ dầu - khí, mỏ than dưới lòng đất.

Hiệu ứng nhà kính

BĐKH (hay sự ấm lên toàn cầu) có liên quan chặt chẽ với nồng độ khí nhà kính trong khí quyển. Trong vòng 100 năm qua, đã có sự tăng đột biến nồng độ khí nhà kính do phát triển công nghiệp và phá rừng.

Nhà kính là ngôi nhà cho phép các tia bức xạ mặt trời sóng ngắn xuyên qua vỏ kính làm ấm không khí bên trong nhà kính song lại ngăn chặn các tia bức xạ sóng dài từ bên trong ra ngoài.

Trong khí quyển, hơi nước, CO2, CH4, O3 và nhiều khí khác cũng cho các tia bức xạ mặt trời sóng ngắn lọt qua, đến được mặt đất, làm cho mặt đất và lớp không khí sát đất nóng lên, rồi lại hấp thụ các tia bức xạ sóng dài từ đất phát ra khí quyển rồi phát trở lại mặt đất, giữ cho mặt đất không lạnh đi.

Với lượng khí nhà kính hiện có trong khí quyển, nhiệt độ bề mặt trái đất tăng thêm 33oC, đạt mức trung bình 15oC thay vì là -18oC

Các biểu hiện của BĐKH

Con người cảm nhận thấy sự biến đổi của khí hậu qua: Sự thay đổi thất thường của thời tiết: các hiện tượng thời tiết cực đoan nhiều hơn, sự chuyển dịch mùa bất thường, mưa lũ và hạn hán xảy ra thường xuyên hơn, bản đồ về môi trường tự nhiên sẽ thay đổi (vùng ngập nước - khô hạn, cây cối, rừng...); Các cơn bão mạnh hơn và phức tạp hơn (do biển ấm hơn); Sự tan các khối băng vĩnh cửu (sẽ) làm nước biển dâng; Môi trường sống của các loài sinh vật bị tác động; Nhiều bệnh dịch mới có cơ hội phát sinh và lan truyền, diễn biến phức tạp hơn.

Các biểu hiện của BĐKH ở Việt Nam

Lượng mưa tăng trong mùa mưa, gây lũ lớn tại Nam Bộ, Trung Bộ và vùng núi phía Bắc. Lượng mưa giảm trong mùa khô, gây hạn hán tại nhiều nơi. Thiên tai khốc liệt hơn và khó dự báo hơn (cường độ, đường di chuyển). Sự chuyển dịch ranh giới các mùa, các đợt nóng/lạnh bất thường kéo dài. Nước biển dâng gây ngập các vùng đồng bằng thấp và ven biển, vào mùa hạn làm tăng xâm nhập mặn các cửa sông.
Nam Nguyễn
(Theo tài liệu của Tổ chức Y tế Thế giới và Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế)

Ý kiến của bạn