Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến con người suốt chiều dài lịch sử

15-09-2016 11:29 | Quốc tế
google news

SKĐS - Biến đổi khí hậu là một vấn đề gây tranh cãi trong thế giới ngày nay xung quanh nguyên nhân của nó và cách đối phó của chúng ta.

Biến đổi khí hậu là một vấn đề gây tranh cãi trong thế giới ngày nay xung quanh nguyên nhân của nó và cách đối phó của chúng ta. Tuy nhiên, không phải chỉ đến gần đây biến đổi khí hậu mới trở nên quan trọng. Phần lớn lịch sử của chúng ta đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng này.

Biến đổi khí hậu định hình sự tiến hóa của nhân loại

Nhiều phát hiện cho thấy rằng bước “đại nhảy vọt” tuyệt vời trong sự tiến hóa của con người trùng hợp với những thay đổi căn bản về khí hậu. Ví dụ, 3 triệu năm trước, loài Homo hiện đại đầu tiên xuất hiện vào khoảng thời gian châu Phi bắt đầu khô hạn, thay đổi từ cảnh quan rừng cây sang đồng cỏ mà chúng ta biết ngày nay. Khi hệ thực vật của châu Phi thay đổi, chúng ta đã phải tự điều chỉnh từ leo trèo là chủ yếu sang đi bộ qua những vùng rộng lớn.

Một hậu quả khác của sự khô hạn ở châu Phi là thay đổi trong chế độ ăn của loài người. Trước đó, chúng ta không phải đi rất xa để kiếm thức ăn. Nhưng hạn hán đòi hỏi nhiều mưu mẹo hơn trong việc tìm kiếm thức ăn và chúng ta đã phải điều chỉnh khẩu vị với những thứ có thể kiếm được, khiến tổ tiên loài người phải thay đổi đáng kể theo thời gian.

Thúc đẩy những sáng tạo trong thời kỳ đồ đá

Có hai trường phái lý luận khác nhau khi nói đến những tác động của biến đổi khí hậu đối với con người thời kỳ đồ đá. Một lý thuyết đã trở nên phổ biến sau khi được công bố vào năm 2013, là thay đổi khí hậu hẳn đã tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong cuộc sống của tổ tiên chúng ta đến mức họ buộc phải sáng tạo để có thể chiến đấu với thiên nhiên. Một giả thuyết khác, mới được đưa ra gần đây, nói rằng không phải những thay đổi mạnh mẽ trong môi trường thúc đẩy sự sáng tạo, mà là những trải nghiệm trong thời gian tốt đẹp.

Bằng chứng cho giả thuyết thứ nhất được tìm thấy ở châu Phi, nơi 30.000 - 280.000 năm trước, loài Homo sapiens bắt đầu phát triển những biểu tượng, công cụ và đồ trang sức trong thời gian khí hậu cực kỳ thay đổi. Tuy nhiên, những phát hiện vào năm 2016 cho thấy tuy giai đoạn mà những sáng tạo này diễn ra là thời kỳ bất ổn về khí hậu, song có lẽ tổ tiên chúng ta đã phát triển một cách độc lập. Biến đổi khí hậu chắc chắn đóng vai trò phần nào trong những sáng kiến của thời kỳ đồ đá, nhưng chúng ta chưa biết là đến mức độ nào.

bien doi khi hau, kho han khien con nguoi suy tan

Khô hạn khiến nhiều đế chế suy tàn.

Biến đổi khí hậu dẫn đến sự di cư sớm của con người

Những con người đầu tiên có nguồn gốc từ vùng tiểu Sahara châu Phi và rất lâu sau khi họ xuất hiện lần đầu tiên, không có cách nào để họ rời đi. 70.000 năm trước, Đông Bắc châu Phi là một vùng ngập nước ngăn cản bất cứ ai băng qua khu vực này đến Trung Đông, châu Á và châu Âu. Tuy nhiên, thời điểm mà tổ tiên chúng ta được biết là rời khỏi châu Phi lần đầu tiên trùng hợp với thời điểm diễn ra sự thay đổi mạnh mẽ về khí hậu, có thể đã cho phép thực vật và thực phẩm dồi dào hơn, nhờ đó cho phép chúng ta di chuyển đến các khu vực khác.

Ở một số nơi, các dòng sông băng cản trở con đường di cư, nhưng sau sự thay đổi của khí hậu, nhiều sông băng bắt đầu tan chảy, mở ra những lối đi như những cây cầu trên cạn từng tồn tại ở nơi mà bây giờ là chỗ biển Bering nối với Siberi và Bắc Mỹ.

Sự hưng vong của vùng Lưỡng Hà

12.000 năm trước đây, Lưỡng Hà đã trở thành cái nôi của nền văn minh vì đại đa số các nền văn hóa sớm nhất của loài người xuất hiện từ đây. Sau khi tổ tiên chúng ta di cư đến khu vực này, họ thấy nó thật là màu mỡ do điều kiện khí hậu thuận lợi. Tuy phần lớn khu vực hiện khô cằn, nhưng nó đã từng rất hoàn hảo để tổ tiên chúng ta dừng chân.

Tuy nhiên, khoảng 6.000 năm trước, nhiều nền văn minh ở vùng Trăng lưỡi liềm màu mỡ đã đột ngột bị bỏ rơi, nhiều khả năng là do hạn hán bất thường trong khu vực. Trong nửa đầu của kỷ Holocene vẫn đang tiếp diễn đến ngày hôm nay, Lưỡng Hà là trung tâm của nền văn minh, nhưng các điều kiện lại đột ngột thay đổi một lần nữa, khiến cái nôi của nền văn minh này bị mất dần tầm quan trọng, trong khi Bắc Phi và châu Âu ngày càng hưng thịnh.

Biến đối khí hậu hủy diệt các thổ dân vùng Tây Nam Mỹ

Bộ lạc Anasazi là nền văn hóa thổ dân Mỹ tiến bộ nhất mà chúng ta từng tìm được. Họ cư trú ở Tây Nam nước Mỹ, mà ngày nay là một vùng hoang mạc khô cằn chết người. Tuy nhiên, trong thời kỳ của bộ lạc Anasazi, đây là một ốc đảo vì 3.000 năm trước, khu vực này khá mát mẻ.

Bộ lạc Anasazi phát triển mạnh trong nhiều thế kỷ, nhưng sự thay đổi đột ngột vào khoảng 300 năm sau CN buộc họ phải từ bỏ đế chế của mình. Điều tương tự cũng có thể xảy ra với người da đỏ Pueblo - những người được biết đến nhiều nhất hiện nay với những ngôi nhà trên vách đá. Khoảng năm 700 sau CN, vùng Tây Nam lại trở thành nơi có thể cư trú, mang lại sự thịnh vượng cho bộ lạc Pueblo, nhưng 650-450 năm trước đây, khí hậu lại biến chuyển một lần nữa, khiến người Pueblo suy vong. Sau sự sụp đổ của bộ lạc Pueblo, khu vực này không còn là nơi sinh sống của bất kỳ bộ lạc nào khác.

Khô hạn khiến nhiều đế chế suy tàn

Do thay đổi khí hậu, một số các đế chế hùng mạnh đã suy tàn. Ai Cập, hiện chủ yếu là sa mạc, trừ vùng xung quanh sông Nile, từng khá màu mỡ trong quá khứ, khiến nơi đây trở thành một trong những đế chế vĩ đại nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, từ 1.250-1.100 trước CN, hạn hán nghiêm trọng đã khiến đế chế này tan rã, và tuy điều kiện tự nhiên đã cải thiện dần theo thời gian, song nó không bao giờ hồi phục.

Điều tương tự cũng có thể đã xảy đến với Hy Lạp cổ đại, đế quốc bị mất đi quyền lực do 300 năm hạn hán từ 1200-850 trước CN. Bắt đầu vào năm 250 sau CN, hạn hán trên khắp La Mã đã khiến vương quốc này sụp đổ.


BS. Cẩm Tú (Theo Listverse 9/2016)
Ý kiến của bạn