Biển đảo và biên cương - những phần máu thịt không thể tách rời của đất mẹ Việt Nam từ lâu đã trở thành đề tài, chất liệu cho các loại hình nghệ thuật, trong đó nổi bật có lĩnh vực âm nhạc. Và thời gian qua, nhiều sáng tác, sản phẩm âm nhạc về chủ đề biển đảo, biên cương đã ra đời được nhân dân yêu mến, trân trọng...
Âm vang biển đảo...
Dễ dàng nhận thấy, xuyên suốt thời gian, nền âm nhạc nước ta luôn dồi dào những ca khúc về biển đảo quê hương với âm hưởng hào hùng, thiêng liêng khơi dậy tình yêu Tổ quốc, lòng tự hào dân tộc trong mỗi người dân nước Việt. Đến nay, chúng ta đã rất quen thuộc với các nhạc phẩm có sự kết hợp hài hòa giữa dòng nhạc cách mạng với dòng nhạc trữ tình như Hải quân Việt Nam hành khúc (sáng tác Văn Cao), Lướt sóng ra khơi (Thế Dương), Bài ca gửi đất liền (Lương Ngọc Trác), Nơi đảo xa (Thế Song), Lãnh hải thiêng liêng (Doãn Nho), Gần lắm Trường Sa ơi (Huỳnh Phước Long), Trường Sa mãi trong ta (Phan Huỳnh Điểu), Huyền tích Trường Sa (Đức Trịnh)...
Album ca nhạc Gần lắm Trường Sa của NSƯT Khánh Hòa được ghi hình tại quần đảo Trường Sa, đồng thời có nhiều nhạc phẩm hay về biển đảo.
Với tình yêu biển đảo sâu nặng, không ít văn nghệ sĩ đã kế thừa tinh thần của lớp nhạc sĩ gạo cội để cho ra đời các nhạc phẩm hay, để lại những dư âm trong lòng người nghe gồm: Phố đảo (Xuân Thủy), Lời ca bay tới Trường Sa (Minh Khang), Màu xanh Trường Sa (Lương Minh), Với biển (Tuấn Phương), Chuyện tình Trường Sa (Lê Mây), Tổ quốc nhìn từ biển (thơ: Nguyễn Việt Chiến, nhạc: Quỳnh Hợp)... Bên cạnh những sáng tác về biển đảo đậm chất nghệ thuật này, những sản phẩm âm nhạc là các album, clip ca nhạc về biển đảo do các nghệ sĩ Việt thực hiện cũng ra đời. Nổi bật phải kể đến album ca nhạc Gần lắm Trường Sa của NSƯT Khánh Hòa được ghi hình ngay trên quần đảo và biển Trường Sa.
Không chỉ có vậy, năm 2014, nhóm xẩm Hà thành gồm các nghệ sĩ trẻ Nguyễn Quang Long, Mai Tuyết Hoa, Khương Cường...sáng tác ra tiết mục Tiễu trừ cướp biển khẳng định chủ quyền, lãnh hải của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Tiễu trừ cướp biển được thực hiện dưới dạng video clip và phát hành miễn phí trên mạng Youtube đã thu hút một lượng lớn người xem và ủng hộ. Sau đó, bản xẩm Tiễu trừ cướp biển còn được các nghệ sĩ đem sang một số nước châu Âu biểu diễn hồi đầu năm 2015 và được người dân nước sở tại cũng như kiều bào ta đón nhận nồng nhiệt.
Và dạt dào vùng biên
Cũng giống như đề tài biển đảo, miền biên cương và hình ảnh người lính mang quân hàm xanh - bộ đội biên phòng từ lâu đã đi vào những sáng tác âm nhạc, tạo nên bức tranh sống động, vừa lãng mạn mà cũng rất ấm áp tình quân dân, dạt dào tình yêu quê hương đất nước. Đó là nhạc phẩm Chiều biên giới (nhạc: Trần Chung, thơ: Lò Ngân Sủn). Ca khúc này cũng được bình chọn là một trong 10 ca khúc được yêu thích nhất về đề tài “Người lính và chiến tranh cách mạng”.
Cũng cần nhắc tới Hát về anh, người chiến sĩ biên cương (Thế Hiển) với hình ảnh người lính trẻ canh giữ vùng biên cương của Tổ quốc mặc gió sương vẫn vững vàng đứng gác bảo vệ giấc ngủ cho đàn em thơ, bảo vệ mùa xuân hòa bình cho đất nước.
Gần đây nhất vẫn là NSƯT Khánh Hòa, chị đã cho ra đời album phim ca nhạc Tình biên cương bởi sự kỳ công và đậm chất nghệ thuật, với nhiều ca khúc về biên giới, về người lính biên phòng đã quen thuộc với người nghe như Bài ca trên núi (thơ: Tô Hoài, nhạc: Nguyễn Văn Thương), Tình yêu bên suối (Thế Song), Thơ tình của núi (An Thuyên)... Nhưng bên cạnh đó, NSƯT Khánh Hòa cũng giới thiệu những bài vẫn còn lạ đối với đại bộ phận công chúng như Tiếng chim họa mi hót (Lưu Hà An), Thương anh nhiều lắm đấy (Phó Đức Phương)...
Thực hiện album Tình biên cương, NSƯT Khánh Hòa đã chủ động tiên phong đi lên các vùng biên, đến từng đồn biên phòng trên Hà Giang, trên những điểm chốt xa xôi để thâm nhập thực tế đời sống của bộ đội, hát cho bộ đội nghe. “Đó là cách mà mình được gần gũi bộ đội hơn và được chia sẻ mang giọng hát của mình tới các chiến sĩ bộ đội biên phòng và từ đó thì bắt đầu mình mới có nhiều cảm xúc hơn để làm, phải đi mới có cảm xúc để làm”, NSƯT Khánh Hòa chia sẻ.