Áp xe, chảy dịch mủ do tự tiêm filler nâng ngực
Bệnh viện Trường Đại học Y dược Huế vừa phẫu thuật thành công cho một bệnh nhân nữ, 22 tuổi, bị áp xe vú đa ổ do tiêm chất làm đầy không rõ nguồn gốc. Cô phải nhập viện trong tình trạng sốt, biến dạng, sưng nề, viêm loét, chảy dịch mủ… vùng ngực.
Kết quả xét nghiệm hình ảnh bệnh nhân cho thấy đây là trường hợp áp xe vú đa ổ hai bên, bội nhiễm với vi khuẩn S. aureus mà nguyên nhân chính là do tự tiêm filler không an toàn.
Theo lời khai với bác sĩ, để làm đẹp, cô tự tiêm chất làm đầy (filler) vào ngực nhằm mục đích nâng ngực trước thời điểm nhập viện 2 tuần.
Trao đổi về vấn đề này cùng Báo Sức khỏe và Đời sống, TS. BS Nguyễn Huy Cảnh, Phó chủ nhiệm khoa Y Học thực nghiệm, Bệnh viện Quân y 108, cho biết, chất làm đầy (filler) được sử dụng ngày càng nhiều trong thẩm mỹ. Có rất nhiều loại filler hiện đang được sử dụng trên thị trường. Đa số dựa trên khả năng phân huỷ của filler người ta chia filler thành 3 nhóm làm có thể phân huỷ sinh học, nhóm không phân huỷ sinh học, nhóm kết hợp của 2 nhóm trên trong cùng một sản phẩm.
Vị chuyên gia chuyên về phẫu thuật thẩm mỹ phân tích, với thành phần cấu tạo khác nhau, nên có tính lý, hoá sinh cũng khác nhau. Có loại tiêu nhanh, có loại tiêu chậm, có loại không tiêu, có loại chỉ tiêu một phần. Và mỗi một sản phẩm dùng với một mục đích khác nhau: Có loại dùng để làm trẻ hoá, có loại dùng với mục đich làm đầy. Do vậy, việc lựa chọn đúng sản phẩm, đúng chỉ định cần phải có một hiểu biết khá sâu về filler.
Để sử dụng hiệu quả thì bác sĩ ngoài việc nắm chắc kiến thức về các loại filler, cách thức sử dụng, hiệu quả của từng loại filler đối với mỗi vùng mà còn phải nắm được những cấu trúc, đặc điểm giải phẫu của vùng cần can thiệp… nên phải được đào tạo tương đối chuyên sâu về vấn đề này.
Tự bản thân không thể tiêm filler
TS. BS. Nguyễn Huy Cảnh nhấn mạnh, không ai có thể tự tiêm filler cho mình một cách hiệu quả, đặc biệt là vấn đề tiêm filler vào vùng ngực; dù việc sử dụng filler bơm làm đầy vòng 1 được thực hiện tương đối phổ biến.
Phần lớn người ta hay sử dụng mỡ tự thân, ít khi dùng các loại filler khác (do khối lượng bơm vào lớn và giá thành rất đắt). Riêng loại filler bơm vào ngực với khối lượng lớn, giá thành rẻ phải cân nhắc. Vì đây có thể là silicone dạng lỏng, loại này gây ra nhiều biến chứng đã được cảnh báo.
Để tiêm filler vùng ngực, phải dựa vào hình thể, tình trạng của ngực và các tổ chức phần mềm xung quanh để tính toán lượng filler cần bù, cũng như xác định các vị trí để tiêm và phải tiêm đúng khoang, đúng lớp, đúng vị trí mới đảm bảo an toàn và có hiệu quả. Việc này không thể tự bản thân làm được.
Vị chuyên gia khuyến cáo, nếu không biết rõ về loại filler được tiêm, không biết hiệu quả của nó khi tiêm vào ngực, không biết kỹ thuật tiêm, không đánh giá được cần tiêm ở lớp nào, khoang nào thì biến cố xảy ra khi tiêm là rất lớn, trong khi chưa thấy hiệu quả ở đâu thì không nên tiêm, đặc biệt là không tự tiêm.
Nguy cơ khi cố tình thực hiện hoặc thực hiện ở những trung tâm thẩm mỹ không được đào tạo cũng như không có kinh nghiệm có thể làm bầm tím vùng tiêm, nhiễm trùng, hoại tử tổ chức tại chỗ tiêm...