Biến chứng thận ở bệnh nhân đái tháo đường có nguy hiểm không?
Cứ khoảng 3-5 người đái tháo đường thì có một người mắc bệnh thận. Đây được xem là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh đái tháo đường. Và cũng là nguyên nhân hàng đầu của bệnh thận mạn tính, suy thận.
Ở những người mắc đái tháo đường thường xảy ra các tình trạng xơ cứng và xơ hóa các mạch máu nhỏ làm tổn thương cầu thận. Vì bệnh thận mạn thường phát hiện chậm và ít triệu chứng nên thường dễ bị bỏ qua cho đến khi bệnh thận tiến triển nặng. Lúc này cần điều trị thay thế thận bằng các phương pháp như lọc máu, lọc màng bụng, ghép thận… rất tốn kém. Những người bệnh đái tháo đường nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ thường xuyên để phát hiện sớm.
BSCKI Nguyễn Thị Thúy cảnh báo biến chứng thận ở bệnh nhân đái tháo đường.
Biểu hiện biến chứng thận ở bệnh nhân đái tháo đường
Những biểu hiện của bệnh thận giai đoạn sớm được phát hiện qua xét nghiệm rất đơn giản, đó là xét nghiệm nước tiểu. Bệnh nhân đái tháo đường sẽ được các bác sĩ định kỳ kiểm tra nước tiểu để phát hiện albumin niệu. Bệnh thận tiến triển đến giai đoạn cuối sẽ có các biểu hiện như:
- Phù, do bị giảm mức lọc cầu thận gây ứ nước, ứ muối trong cơ thể.
- Tiểu ít.
- Hoa mắt chóng mặt do thiếu máu.
Lúc này bệnh nhân cần điều trị thay thế thận như lọc máu, lọc màng bụng hoặc ghép thận.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc biến chứng thận ở người bệnh đái tháo đường bao gồm:
- Tiền sử gia đình có người mắc biến chứng thận đái tháo đường.
- Hút thuốc lá.
- Ăn nhiều chất đạm.
Phòng ngừa biến chứng thận ở bệnh nhân đái tháo đường
Mỗi quả thận được cấu tạo từ hàng triệu cầu thận, đường huyết cao gây tổn thương các mạch nhỏ trong thận khiến các cầu thận hoạt động không tốt, lâu dần dẫn đến suy thận.
Biến chứng thận ở bệnh nhân đái tháo đường có thể phòng ngừa được thông qua việc kiểm soát tốt đường huyết và giảm các yếu tố nguy cơ. Vì vậy để bảo vệ thận, người bệnh đái tháo đường cần thực hiện các lưu ý sau:
+ Giữ mức đường huyết đạt mục tiêu. Mức <7 mmol/l lúc đói và < 10 mmol/l sau ăn 2 giờ.
+ Xét nghiệm HbA1C ít nhất 2 lần/năm.
+ Đo huyết áp thường xuyên, mục tiêu HA < 130/80 mmHg.
+ Giữ mỡ máu đạt mục tiêu.
+ Ăn nhạt, hạn chế muối.
+ Ăn tăng rau xanh và trái cây ít ngọt.
+ Tăng cường tập thể dục. Nếu có thừa cân, béo phì thì cần phải giảm cân.
+ Uống thuốc đều đặn, đúng theo đơn chỉ định. Bởi vì thận là cơ quan thải độc của cơ thể, nếu không tuân thủ việc dùng thuốc hoặc tự ý sử dụng thuốc không được kê đơn, thuốc trôi nổi không rõ nguồn gốc sẽ gây nguy hiểm cho thận.
Đặc biệt người bệnh đái tháo đường cần lưu ý luôn tình trạng nước tiểu. Định kỳ kiểm tra nước tiểu thường xuyên giúp phát hiện protein, albumin trong nước tiểu để phát hiện biến chứng sớm. Tránh tình trạng bệnh thận tiến triển nặng tới giai đoạn cuối phải điều trị thay thế thận. Lúc này sẽ tăng gánh nặng điều trị cho người bệnh đái tháo đường thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Xem thêm video được quan tâm:
Làm Sao Để Ngăn Sẹo Sau Thủy Đậu? | SKĐS