Hà Nội

Biến chứng thần kinh ngoại biên ở bệnh nhân đái tháo đường

04-02-2012 08:10 | Bệnh thường gặp
google news

Biến chứng thần kinh do đái tháo đường hiếm khi gây tử vong nhưng lại là thủ phạm chính gây tàn phế và là nguyên nhân hàng đầu gây cắt cụt chân ở các bệnh nhân đái tháo đường (BN ĐTĐ).

Biến chứng thần kinh do đái tháo đường hiếm khi gây tử vong nhưng lại là thủ phạm chính gây tàn phế và là nguyên nhân hàng đầu gây cắt cụt chân ở các bệnh nhân đái tháo đường (BN ĐTĐ). Cho đến nay, điều trị các biến chứng thần kinh do ĐTĐ vẫn còn nhiều khó khăn cho nên việc phòng ngừa có vai trò cực kỳ quan trọng.

Biến chứng thần kinh có phổ biến không?

Trong cơ thể có nhiều loại dây thần kinh có chức năng khác nhau. Dây thần kinh cảm giác có nhiệm vụ truyền về não các cảm giác như đau, nóng, lạnh, về sự chuyển động của các cơ; dây thần kinh vận động có nhiệm vụ dẫn truyền các tín hiệu từ não đến các cơ, ra lệnh cho cơ chuyển động; ngoài ra còn có các dây thần kinh thực vật làm nhiệm vụ chỉ huy các hoạt động độc lập không theo ý muốn chủ quan của con người như điều hòa huyết áp, nhịp tim, nhịp thở, tiêu hóa thức ăn, tiết mồ hôi… (vì thế còn được gọi là dây thần kinh tự động).

Biến chứng thần kinh khá phổ biến ở các bệnh nhân đái tháo đường (BN ĐTĐ), nhất là các BN kiểm soát đường máu không tốt. Tính chung thì khoảng 60-70% BN ĐTĐ có biến chứng này, chủ yếu là biến chứng thần kinh ngoại biên và biến chứng thần kinh thực vật. Đáng chú ý là ngay tại thời điểm được phát hiện ĐTĐ đã có gần 10% số BN có biến chứng thần kinh.

Nguyên nhân gây biến chứng thần kinh ở các BN ĐTĐ

Cơ chế gây tổn thương thần kinh ở các BN ĐTĐ chưa được biết rõ hoàn toàn, có thể tình trạng đường máu cao kéo dài sẽ gây tổn thương (tắc, hẹp) các mạch máu nhỏ nuôi dây thần kinh, mặt khác đường máu cao còn sinh ra các sản phẩm chuyển hóa gây độc cho dây thần kinh. Hậu quả là các dây thần kinh bị thoái hóa, tốc độ dẫn truyền các tín hiệu bị chậm lại, có khi mất hẳn. Hầu hết những tổn thương này có tính chất thoái hóa vĩnh viễn, và khi có trên 50% số sợi trục bị tổn thương thì khả năng phục hồi là không thể.

Ngoài việc không kiểm soát tốt đường máu, một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc biến chứng thần kinh ở các BN ĐTĐ: Thời gian bị ĐTĐ lâu; Tuổi cao: Trong một nghiên cứu, tỷ lệ bị biến chứng thần kinh là 5% ở những BN 25-29 tuổi nhưng tăng cao tới 44,2% ở những người 70-79.

Có mắc thêm các bệnh tim mạch, có tăng huyết áp, béo phì, có rối loạn mỡ máu; Hút thuốc lá, dinh dưỡng kém, có biến chứng thận…Ngoài ra, các BN nam giới, BN ĐTĐ týp 2 cũng dễ bị biến chứng thần kinh hơn các BN nữ, và BN ĐTĐ týp 1.

 Kiểm soát đường huyết để phòng biến chứng thần kinh của ĐTĐ.

Các biểu hiện của biến chứng thần kinh ở BN ĐTĐ

Có nhiều BN hoàn toàn không có triệu chứng gì và biến chứng thần kinh chỉ được phát hiện khi bác sĩ hỏi hoặc khám. Vì vậy các BN ĐTĐ cần được khám định kỳ thần kinh hoặc khám bàn chân 1-2 lần mỗi năm bởi các bác sĩ thần kinh hoặc bác sĩ ĐTĐ để tránh bỏ sót các biến chứng thần kinh, hạn chế những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Biến chứng thần kinh ngoại biên, ảnh hưởng chủ yếu đến các dây thần kinh ở chi dưới, với các biểu hiện chính là:

Dấu hiệu sớm của tổn thương dây thần kinh ở các BN ĐTĐ là giảm cảm giác đồng đều ở cả hai chân, chủ yếu ở bàn chân, cũng có thể lan lên cả cẳng chân nhưng ít khi vượt qua đầu gối (rối loạn cảm giác kiểu đi bốt).

Tê bì, cảm giác như kiến bò, chủ yếu ở hai bàn, ngón chân.

Đau nóng rát hai bàn chân, nhất là gan bàn chân, đau tăng về đêm khiến BN bị mất ngủ. Đau có thể xuất hiện từng đợt hoặc kéo dài. Các triệu chứng đau này rất khó điều trị và thường không đáp ứng với các thuốc giảm đau thông thường.

Mất một phần hoặc toàn bộ cảm giác ở hai chân và tay. Khi dây thần kinh ở chân bị tổn thương, cảm giác ở khu vực này sẽ bị rối loạn hoặc mất, bàn chân của BN sẽ rất dễ bị tổn thương do không nhận biết được các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm như đau, nóng hay dẫm vào dị vật. Nhiều BN bị bỏng hoặc có những vết rách lớn ở chân mà không hề hay biết cho tới khi chân bị sưng tấy, nhiễm trùng nặng. Hậu quả là nguy cơ bị loét bàn chân, bị cắt cụt chân tăng lên rất cao ở BN ĐTĐ. Tại Mỹ, khoảng 60% các trường hợp bị cắt cụt chi không do chấn thương xảy ra ở BN ĐTĐ, chủ yếu do biến chứng thần kinh.

Biến chứng thần kinh cảm giác ở bàn chân có thể gây biến dạng các khớp xương bàn và cổ chân, điển hình là bàn chân Charcot.

 Chẩn đoán biến chứng thần kinh do ĐTĐ

Đầu tiên các BN cần phải thông báo với bác sĩ tất cả các dấu hiệu bất thường mà bạn mới phát hiện ra, như tê bì chân tay, đái khó, rối loạn tiêu hóa...

Tiếp đó các bác sĩ sẽ khám và làm một số test để đánh giá chính xác là bạn có biến chứng thần kinh hay không, loại biến chứng gì và mức độ như thế nào, ví dụ như các test kiểm tra mức độ cảm nhận của chân hoặc tay bạn về nhiệt độ nóng hoặc lạnh, về cảm giác đau (châm kim), về cảm giác rung... Thông thường để xác định một BN có biến chứng thần kinh hay không chỉ cần dựa vào kết quả khám lâm sàng là đủ.

Một số BN sẽ được đo điện cơ nhằm đánh giá mức độ co cơ khi có các kích thích về dòng điện. Những BN có biến dạng khớp kiểu Charcot được chụp XQ để đánh giá tổn thương xương khớp.

Tuy nhiên cũng có nhiều BN hoàn toàn không có triệu chứng gì và biến chứng thần kinh chỉ được phát hiện khi bác sĩ hỏi hoặc khám. Vì vậy các BN ĐTĐ cần được khám định kỳ thần kinh hoặc khám bàn chân 1-2 lần mỗi năm bởi các bác sĩ thần kinh hoặc bác sĩ ĐTĐ để tránh bỏ sót các biến chứng thần kinh, hạn chế những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Điều trị biến chứng thần kinh do ĐTĐ

Biện pháp chung

Quan trọng và hiệu quả nhất là phải kiểm soát đường máu thật tốt, tránh để đường máu rơi vào vùng nguy hiểm. Để đạt được mục tiêu này, nhiều BN ĐTĐ phải chuyển sang tiêm insulin.

Ngoài ra cần loại bỏ các yếu tố làm nặng thêm biến chứng thần kinh như duy trì chế độ tập luyện đều đặn, phấn đấu có cân nặng bình thường, điều trị tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu và bỏ thuốc lá...

Một số nghiên cứu cho thấy điều trị vitamin nhóm B liều cao có tác dụng hỗ trợ tốt.

Điều trị triệu chứng tê bì, nóng rát, đau bằng các thuốc sau.

Các thuốc giảm đau chống viêm thông thường như paracetamol, mobic, felden... uống trước khi đi ngủ.

Các biện pháp điều trị vật lý như đi tất, mặc quần áo dài khi đi ngủ để phòng ngừa chiếu, ga giường chạm vào da gây đau.

Bôi các loại kem như capsaicin 0,075%, novocain (vốn là các thuốc tê)... hoặc xịt thuốc isosorbide dinitrate lên chỗ đau cũng có hiệu quả trong một số trường hợp.

Một số thuốc chữa đau do nguyên nhân thần kinh có hiệu quả tương đối tốt như amitryptilin (tên thương mại là laroxyl) uống trước khi đi ngủ 1-2h, thuốc có thể đạt hiệu quả tối đa sau 2-3 tuần. Tuy nhiên khi dùng liều cao có thể gây tác dụng phụ như khô miệng, đái khó.

Hiện nay thuốc giảm đau do biến chứng thần kinh ĐTĐ có hiệu quả nhất là gabapentin (tên thương mại là neurontin, gabantin). Thuốc bắt đầu có hiệu quả sau khoảng 1-2 tuần, và tính chung thì khoảng gần 80% các trường hợp biến chứng thần kinh ngoại biên có đáp ứng với thuốc này.

Nhìn chung các thuốc giảm đau cần được dùng đều và thường xuyên thì có tác dụng tốt hơn là chỉ dùng khi có đau hoặc đau tăng lên. Tuy nhiên cho tới nay chưa có phương pháp hoặc loại thuốc nào được coi là có khả năng điều trị khỏi hoàn toàn biến chứng thần kinh do ĐTĐ, nhất là triệu chứng đau.

Tóm lại: Biến chứng thần kinh là một biến chứng phổ biến ở các BN ĐTĐ và có biểu hiện rất đa dạng ở nhiều cơ quan, bộ phận khác nhau. Biến chứng thần kinh, một khi đã xuất hiện, sẽ làm thay đổi bệnh cảnh ĐTĐ, và là nguyên nhân quan trọng gây tàn phế, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Điều trị biến chứng thần kinh thường đạt hiệu quả không cao, vì vậy cần áp dụng sớm và tích cực các biện pháp phòng ngừa mà quan trọng nhất là kiểm soát đường máu thật tốt.

ThS. Nguyễn Quang Bảy



Ý kiến của bạn