Biến chứng suy thận mạn ở bệnh nhân HIV

23-11-2023 14:36 | Camera bệnh viện

SKĐS - Suy thận mạn là một biến chứng ở bệnh nhân HIV. Biện pháp gần như duy nhất là chạy thận nhân tạo chu kỳ qua một mạch máu (cầu tay).

Khoa Ngoại gan mật - Tiêu hoá và ung bướu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiến hành phẫu thuật làm cầu tay chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân suy thận mạn - HIV. 

Các bác sĩ phẫu thuật làm cầu tay chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân suy thận mạn - HIV.

Bên cạnh chuyên ngành chính, khoa Ngoại Gan mật - Tiêu hoá & Ung bướu còn thực hiện một số phẫu thuật phụ trợ đặc thù của bệnh viện. 

Suy thận mạn là một biến chứng không hiếm gặp ở bệnh nhân HIV. Vì vậy ghép thận với họ vì nhiều lý do vẫn còn khá xa xăm… Biện pháp gần như duy nhất là chạy thận nhân tạo chu kỳ qua một mạch máu (cầu tay). 

Tuy nhiên với người bệnh HIV, đặc biệt với tiền sử tiêm chích nhiều năm, tĩnh mạch viêm xơ, việc chọn được mạch máu phù hợp là tương đối khó khăn. 

Một trong những biện pháp đã được thực hiện tại khoa Ngoại Gan mật - Tiêu hoá & Ung bướu là sử dụng tĩnh mạch sâu còn nguyên vẹn để tạo cầu nối Cánh tay - Nền (Brachiobasilic AVF). 

Với kỹ thuật này, tĩnh mạch nền cánh tay (vị trí sâu) sẽ được bóc tách, đưa lên lớp nông dưới da và nối với động mạch cánh tay để tạo một cầu thích hợp cho chạy thận. 

BSCKII Nguyễn Trường Giang, khoa Ngoại Gan mật - Tiêu hoá & Ung bướu cho biết: "Dù cho mất công một chút nhưng ưu điểm của phương pháp là chọn được mạch máu nguyên vẹn và đường kính tương đối tốt, khả năng trưởng thành mạch sẽ cao hơn".

Theo các bác sĩ, bệnh lý suy thận thường được phát hiện muộn do những tổn thương tiến triển âm thầm. Người bệnh thích nghi dần với các biểu hiệu mơ hồ, không rõ ràng. Bên cạnh đó, đối tượng dễ bỏ qua nhất là ở những người trẻ tuổi do tâm lý chủ quan, lơ là với những bất thường của cơ thể. Điều này dẫn đến việc hầu hết người bệnh không tự phát hiện được khi suy thận ở mức độ nhẹ, thậm chí có người bệnh được phát hiện khi bệnh thận mạn đã ở giai đoạn cuối.

Để phòng ngừa bệnh thận, bác sĩ khuyến cáo người dân cần kiểm soát tốt các bệnh mạn tính, người bệnh tiểu đường cần kiểm soát tốt đường máu và thường xuyên kiểm tra định kỳ chất đạm trong nước tiểu. Điều trị tốt bệnh lý tăng huyết áp, tăng mỡ máu… nếu có. 

Ngoài ra, cần hạn chế rượu, bia, nước ngọt. Ăn ít muối, ít chất béo, và các thực phẩm có lợi như: cá, rau, củ, quả. Một số loại thức ăn ít muối như thực phẩm tươi, trái cây, củ hành, tiêu, chanh, gừng… 

Cần uống đủ nước, khoảng 2-3 lít một ngày tùy mức vận động, thời tiết, tập thể dục đều đặn. 

Đặc biệt không tự ý dùng thuốc khi không có chỉ định của y bác sĩ và cần khám bác sĩ chuyên khoa thận để được được tư vấn và điều trị.



Minh Đức
Ý kiến của bạn