Biến chứng sởi - Nhiều ca bệnh nặng

05-04-2014 09:38 | Thời sự

SKĐS - PGS.TS Phạm Nhật An chưa bao giờ thấy số lượng bệnh nhân nặng do biến chứng sởi được chuyển đến BV Nhi TW nhiều như thời điểm 2 tháng trở lại đây.

PGS.TS Phạm Nhật An, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết, trong suốt 40 năm là bác sĩ nhi, chưa bao giờ ông thấy số lượng bệnh nhân nặng do biến chứng sởi được chuyển đến BV Nhi Trung ương nhiều như thời điểm 2 tháng trở lại đây.

“Ngay tại tổ dân phố nhà tôi có một số phòng khám tư khám ngoài giờ của các bác sĩ nhi, được biết mỗi ngày trung bình một phòng khám cũng tiếp nhận khám cho vài bệnh nhi mắc sởi. Ngay tại một tổ dân phố còn thế thì trong cộng đồng số ca mắc sởi nhiều là đương nhiên”- PGS.TS Phạm Nhật An cho hay.

Theo thống kê của BV Nhi Trung ương, trong tháng 3/2014, bệnh viện đã tiếp nhận tới 345 bệnh nhi nhập viện vì bệnh sởi, nhiều nhất là trẻ mắc viêm phế quản phổi. Để phục vụ nhu cầu điều trị của các bệnh nhi mắc sởi, BV Nhi Trung ương đã dành riêng khoa Truyền nhiễm cho điều trị bệnh nhân sởi mà số giường bệnh vẫn không đủ, hơn 200 bệnh nhân biến chứng viêm phổi nặng do sởi vẫn phải nằm ghép 3-4 bệnh nhân một giường. PGS.TS Phạm Nhật An cho biết, trước đây ông từng chứng kiến trẻ mắc sởi bị hoại tử, mù lòa, tiêu chảy, suy sinh dưỡng... nhưng từ đầu năm nay sởi có diễn biến rất đặc biệt, biến chứng viêm phổi rất nặng nề. Dù bệnh viện đã điều trị một số trường hợp tăng cường miễn dịch, dùng kháng sinh mạnh ngay từ đầu nhưng tình trạng bệnh của trẻ vẫn rất nặng

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi -BV Bạch Mai bổ sung thêm thông tin, bệnh sởi năm nay cũng không bình thường như mọi năm. Nếu như bình thường sởi diễn biến bệnh theo kiểu bệnh nhân có sốt, chảy nước mắt mũi vài ba ngày đầu, sau đó nổi ban từ mặt dần xuống chân, sau vài ngày ban bay, trẻ hết sốt. Tuy nhiên năm nay, sởi gặp nhiều ở trẻ dưới 1 tuổi và có nhiều khác biệt, đó là khi bệnh nhi vừa mới mọc ban, thậm chí chưa phân biệt được sởi hay không thì đã biến chứng viêm phổi. Chỉ đến khi xuất hiện thêm nhiều biểu hiện, xét nghiệm huyết thanh mới khẳng định được bệnh nhi mắc sởi. Như vậy, bệnh nhi bị biến chứng phổi ngay từ giai đoạn mọc ban, do vi rút sởi tấn công thẳng vào phổi trẻ.

TS Trần Minh Điển- Phó giám đốc BV Nhi Trung ương cho hay, đa phần các ca mắc sởi đều do trẻ thiếu miễn dịch từ mẹ truyền sang hoặc do trẻ chưa được tiêm phòng vắc xin sởi, do đó cha mẹ cần đưa con em mình đi tiêm phòng sởi theo khuyến cáo của ngành y tế để vừa phòng bệnh cho trẻ, vừa tăng tính miễn dịch để khi đến tuổi trưởng thành, khi sinh đẻ có đủ miễn dịch truyền cho con. Tuy nhiên, ông Điển cũng nhấn mạnh, không phải trường hợp bệnh nhi mắc sởi nào cũng vào viện, nếu mắc nhẹ thì chữa ở nhà vẫn an toàn hơn.

Dưới góc độ của cơ quan đầu mối quản lý về lĩnh vực khám chữa bệnh, ThS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh -Bộ Y tế đưa ra ý kiến các bệnh viện cần xem xét, nếu các ca mắc sởi quá cao, nguy cơ lây lan cho các bệnh nhi khác thì có thể xem xét thành lập bệnh viện dã chiến với khu khám, điều trị riêng biệt cho bệnh nhân sởi.

Liên quan đến dịch sởi, trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống ngày 4/4, PGS.TS Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết từ đầu tháng 3 đến nay, 46 tỉnh, thành phố trong cả nước đã có tiêm vét vắc xin sởi cho trẻ em từ 9 tháng đến dưới 2 tuổi. Theo báo cáo, số đối tượng cần tiêm vắc xin sởi là hơn 662.000 trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi, riêng TP Hồ Chí Minh thực hiện tiêm vét cho đối tượng từ 9 tháng đến dưới 3 tuổi. Cục trưởng Trần Đắc Phu cũng cho biết thêm, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ tổ chức chiến dịch tiêm sởi - rubella phối hợp cho trẻ 1 - 14 tuổi, dự kiến 23 triệu đối tượng được tiêm vắc xin phối hợp này vào tháng 8/2014. “Hi vọng sau chiến dịch này tỉ lệ mắc sởi trong cộng đồng sẽ giảm bởi đã bao phủ đối được đối tượng tiêm phòng rất rộng từ lứa tuổi mẫu giáo đến trung học cơ sởi”- ông Phu nói.

Thái Bình


Ý kiến của bạn