Biến chứng sẽ thành tai biến, nếu...

22-04-2014 22:32 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Chúng ta thường có thắc mắc về biến chứng của các tình trạng bệnh lý. Bệnh nào cũng có biến chứng hay chỉ một số tình trạng bệnh lý có biến chứng?

Chúng ta thường có thắc mắc về biến chứng của các tình trạng bệnh lý. Bệnh nào cũng có biến chứng hay chỉ một số tình trạng bệnh lý có biến chứng? Biến chứng luôn là tình trạng nặng gây khó khăn cho điều trị và có nguy cơ tử vong cao? Xin đề cập đến một vài câu chuyện về biến chứng để đóng góp thêm lời bàn cho chủ đề này.

Câu chuyện thứ nhất: Cả nhà mắc sởi vì nghĩ sởi là bệnh thông thường, không có biến chứng

Sởi đúng là một trong các bệnh thường gặp ở trẻ em do virut gây ra và có những giai đoạn tỷ lệ mắc sởi trong cộng đồng đã xuống rất thấp, nhưng không nên vì thế mà chủ quan. Gia đình anh T., chị H. ở Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội có cháu lớn 2 tuổi và cháu nhỏ mới sinh được 20 ngày. Trước Tết Nguyên đán, cháu lớn sốt 3 ngày, có ho ít, để ý kỹ mới nhận thấy mắt cháu hơi đỏ và mi mắt nề ít. Không ai nghĩ cháu bị sởi nên cả nhà vẫn sinh hoạt chung bình thường. Một vài hôm sau, chị H. xuất hiện sốt, rồi phát ban, đến bệnh viện khám được chẩn đoán là mắc sởi. Sau khi chị H. nhập viện vì sởi, cháu nhỏ 20 ngày tuổi cũng xuất hiện sốt nhẹ và có dấu hiệu viêm long đường hô hấp. Đã có bài học kinh nghiệm nên anh T. cảnh giác cho cháu bé đi khám và được nhập viện theo dõi ngay, sau đó có lúc cháu bé đã phải thở ôxy. Đối với bệnh sởi, giai đoạn trước phát ban là giai đoạn lây lan mạnh nhất, vì vậy những đối tượng chưa có miễn dịch của sởi, lại sống chung với những người bị sởi trong gia đình thì việc mắc sởi gần như là khó tránh khỏi. Vì vậy, ý thức phòng ngừa sởi cần phải có ngay từ khi trong khu vực sinh sống có người mắc sởi mà không cần “đợi” đến khi trong nhà có sởi mới lo phòng ngừa. Các biện pháp phòng ngừa cơ bản như không để người mắc sởi tiếp xúc với người chưa có miễn dịch với sởi, rửa tay trước và sau khi chăm sóc trẻ (một số người cho rằng chỉ cần cho trẻ mắc sởi ở phòng riêng (cách ly) là có thể phòng ngừa sởi lây sang người khác, nhưng lại quên rửa tay sau mỗi lần tiếp xúc với trẻ mắc sởi khi đến chăm sóc trẻ khỏe)... chính là cách phòng ngừa sởi tốt nhất. Khi đã mắc sởi, đối với người trưởng thành, trẻ lớn cho dù chưa có miễn dịch sởi trước đó, nhưng do đã có hệ miễn dịch phát triển nên khả năng chống lại virut sởi tốt, biểu hiện bệnh sẽ bớt nặng nề. Trong khi đó ở trẻ nhỏ, người có hệ thống miễn dịch yếu (người già, bệnh kéo dài...) khả năng chống lại virut sẽ rất kém. Thêm vào đó, đặc tính của virut sởi là “đánh” trực tiếp vào hệ thống miễn dịch nên người mắc sởi rất dễ bị bội nhiễm như viêm phổi. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, cứ 20 trẻ mắc sởi thì ít nhất có 1 trẻ có biến chứng viêm phổi. Trẻ đang mắc các bệnh nền, khi mắc sởi làm cho các bệnh nền nặng thêm và có nguy cơ tử vong. Hiểu biết đúng về bệnh sởi, cách lây truyền cũng như các biến chứng và nguy cơ của các biến chứng là cách để̀ giảm thiểu tác hại do loại bệnh lý tưởng như thông thường này gây ra.

Phaoresol không đúng cách có thể gây nhiều biến chứng nguy hại.

Phaoresol không đúng cách có thể gây nhiều biến chứng nguy hại.

Câu chuyện thứ hai: Mất nước là biến chứng rất dễ gặp trong tiêu chảy nếu...

Cháu V., 13 tháng tuổi bị tiêu chảy ngày thứ 3, gia đình đã tự điều trị cho cháu ở nhà nhưng không có kết quả. Khi đến bệnh viện, cháu ở trong tình trạng li bì, mất nước nặng, sốc, rối loạn điện giải. Tìm hiểu bệnh sử được biết, khi cháu V. bị tiêu chảy, gia đình cũng đã biết phải cho cháu uống oresol. Nhưng bà của cháu thì nghĩ rằng oresol là thuốc chữa tiêu chảy, vì vậy bà đã pha cả gói oresol với một chút nước và còn “sáng tạo” cho thêm chút đường vào dung dịch pha để cháu V. dễ uống. Và kết quả là chẳng thấy khỏi đâu mà cháu V. rơi vào tình trạng nguy kịch. Thậm chí, khi cháu V. đã có biểu hiện vật vã, kích thích gia đình vẫn nghĩ là cháu quấy khóc. Chỉ đến khi cháu li bì gia đình mới đưa cháu đến bệnh viện. Khi mắc tiêu chảy biến chứng, cần để ý nhất chính là tình trạng mất nước. Bệnh nhân mắc tiêu chảy thường có các biểu hiện kèm theo như nôn, chán ăn... điều đó làm cho tình trạng mất nước xuất hiện nhanh hơn. Khi mất nước nhiều, bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng sốc, hạ kali máu, hạ natri máu... chức năng các cơ quan bị suy giảm rối loạn và rất dễ tử vong. Khi mắc tiêu chảy, việc đầu tiên cần làm là bù nước và điện giải, chống mất nước. Oresol không phải là thuốc chữa tiêu chảy mà là dung dịch bù nước và điện giải bằng đường uống. Để phát huy công dụng bù nước và chống mất nước thì oresol phải được pha đúng, uống đúng như hướng dẫn. Từ khi có oresol, hàng triệu trẻ mắc tiêu chảy trên thế giới đã được cứu sống mỗi ngày. Như vậy, khi mắc tiêu chảy, mất nước sẽ trở thành một biến chứng nhanh và dễ đến không ngờ nếu không bù nước và chống mất nước đúng cách. Ngược lại, nếu biết cách bù nước thì mất nước sẽ chẳng bao giờ là biến chứng của tiêu chảy.

Bài viết, ý kiến đóng góp cho diễn đàn “Tai biến y khoa” xin gửi về banthukysk@gmail.com, bandientuskds@gmail.com. Tòa soạn tôn trọng các quan điểm khác nhau, các ý kiến phản biện của tác giả trên cơ sở khách quan, trung thực và khoa học. Các bài viết đăng trên diễn đàn này thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

SK&ĐS

Bùi Hà

(ghi theo lời kể bác sĩ Nhi)

 

 


Ý kiến của bạn