Hà Nội

Biến chứng nguy hiểm của viêm phế quản cấp

22-12-2023 14:56 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Viêm phế quản cấp do virus và vi khuẩn gây ra, thường gặp vào mùa lạnh. Bệnh có thể trầm trọng đối với người cao tuổi, trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ, người có thể tạng yếu, người bị suy giảm miễn dịch, có bệnh mạn tính như hen, viêm phế quản, giãn phế quản...

Những sai lầm thường gặp khi điều trị viêm phế quản tại nhàNhững sai lầm thường gặp khi điều trị viêm phế quản tại nhà

SKĐS - Viêm phế quản là một bệnh lý đường hô hấp thường gặp. Tuy nhiên nhiều người thường chủ quan, tự ý theo dõi và điều trị tại nhà gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Viêm phế quản cấp với một số người bệnh sẽ dễ bị bội nhiễm, khiến bệnh kéo dài và có thể dẫn đến tình trạng viêm phế quản mạn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Biểu hiện viêm phế quản cấp

Bệnh viêm phế quản cấp thường xuất hiện cùng lúc hoặc ngay sau khi bị viêm đường hô hấp trên với các triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi, ho khan, rát họng... Diễn tiến bệnh viêm phế quản cấp thường qua hai giai đoạn:

– Giai đoạn 1: Viêm phế quản cấp kéo dài 3 – 4 ngày (còn gọi là giai đoạn viêm khô), người bệnh có các triệu chứng như: Sốt 38 – 39 độ C, 40 độ C, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, có thể thấy cảm giác nóng rát sau xương ức. Khó thở nhẹ, có thể có tiếng rít, ho khan, ho thành cơn về đêm. Nghe phổi có ran rít, ran ngáy.

– Giai đoạn 2: Giai đoạn xuất tiết bệnh viêm phế quản từ 6 – 8 ngày, các triệu chứng ở giai đoạn đầu giảm, người bệnh ho khạc đờm nhầy hoặc đờm mủ. Bệnh có thể biểu hiện bằng các thể bệnh: Viêm phế quản xuất huyết thường ho ra máu với số lượng ít lẫn đờm. Khi đó cần chẩn đoán phân biệt với ung thư phổi ở người trên 40 tuổi và có hút thuốc lá. Viêm phế quản cấp thể tái diễn thường kèm theo các yếu tố thuận lợi như hút thuốc lá, hít phải khí độc.

Bệnh nhân có thể có biểu hiện tắc nghẽn phế quản như dị vật đường thở ở trẻ em, ung thư phế quản ở người lớn, các ổ nhiễm khuẩn ở răng miệng, tai mũi họng, suy tim, trào ngược dạ dày - thực quản, hen phế quản, xơ phổi kén, suy giảm miễn dịch. Viêm phế quản co thắt hay gặp ở trẻ em và người trẻ. Viêm khí quản cấp có giả mạc gặp ở bệnh bạch hầu.

Biến chứng nguy hiểm của viêm phế quản cấp- Ảnh 2.

Để tránh biến chứng viêm phế quản cấp ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, người bệnh cần đi khám và điều trị ngay khi mới có triệu chứng bệnh. Ảnh minh hoạ.

Biến chứng nguy hiểm của viêm phế quản

Bệnh viêm phế quản cấp nếu không được điều trị sớm và dứt điểm sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Trong một số trường hợp bệnh sẽ tái phát nhiều lần, những ổ viêm nhiễm ở phế quản không được điều trị đầy đủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho viêm phổi, viêm giãn phế quản, viêm phế quản mạn tính, suy hô hấp cấp.

Ở trẻ em có thể gặp biến chứng viêm phế quản bít tắc. Và đôi khi viêm phế quản cấp là sự khởi đầu của bệnh hen phế quản. Nếu người bệnh bị cúm có bội nhiễm viêm phế quản thì bệnh trở nên nặng, khi đó việc điều trị sẽ khó khăn hơn nhiều.

Bệnh có thể dễ dàng tiến triển thành viêm phế quản mạn tính nếu lơ là điều trị. Đây là biến chứng phổ biến nhất của viêm phế quản cấp, đặc biệt hay gặp ở trẻ nhỏ và người già. Đây là hai đối tượng mà sức đề kháng yếu, hoặc đã bị suy giảm, nếu mắc viêm phế quản cấp mà không chữa trị tích cực thì bệnh sẽ nhanh chóng chuyển thành mạn tính rất khó điều trị. Đặc biệt là với trẻ nhỏ, tình trạng viêm phế quản mạn tính sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình phát triển của trẻ.

Viêm phế quản dễ tiến triển thành bệnh viêm phổi. Nếu không cố gắng tích cực điều trị thì không bệnh nào có thể tự khỏi, mà bệnh chỉ trở nên nặng hơn mà thôi. Cách điều trị khá đơn giản, khả năng khỏi hoàn toàn là rất cao, chỉ trong thời gian ngắn nếu như người bệnh chú ý, điều trị tích cực. Song nếu như lơ là, chủ quan, lẽ tất yếu sẽ gặp các biến chứng, mà một trong số đó là biến chứng viêm phổi.

Ngoài ra, viêm phế quản còn có thể tiến triển thành bệnh áp xe phổi. Đây có thể hiểu đơn giản là nhiễm trùng phổi, là tình trạng các mô xung quanh phổi bị sưng tấy và có thể có mủ. Chắc hẳn người bệnh sẽ rất lo lắng khi tìm đáp án cho câu hỏi viêm phế quản cấp có nguy hiểm không sau khi tìm hiểu đến biến chứng này. Bởi áp xe phổi có thể gây tử vong do khả năng hoại tử dẫn đến nhiễm trùng ở phổi. Người bệnh nên đi khám để có phác đồ điều trị phù hợp.

Vì vậy, khi có biểu hiện ho, khó thở, nhất là những trường hợp nặng cần phải đến cơ sở y tế, bệnh viện để khám bệnh, làm xét nghiệm máu, chụp X-quang phổi, cấy đờm để loại trừ một vài bệnh khác như lao phổi, ung thư phổi, giãn phế quản, hen phế quản, dị vật vào đường hô hấp hoặc phổi bị ứ đọng trong các trường hợp suy tim.

Để tránh biến chứng của viêm phế quản cấp ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, người bệnh cần đi khám và điều trị ngay khi mới có triệu chứng bệnh. Tùy vào mức độ và tình trạng bệnh cụ thể, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, ngăn ngừa bệnh tiến triển và gây biến chứng.

BS Nguyễn Văn Dũng
Ý kiến của bạn