Biến chứng nguy hiểm của bạch hầu

17-07-2015 14:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Có 2 loại biến chứng: biến chứng do màng giả lan rộng và biến chứng do độc tố gây nên.

Có 2 loại biến chứng: biến chứng do màng giả lan rộng và biến chứng do độc tố gây nên.

Trường hợp bệnh bạch hầu mà chẩn đoán và điều trị muộn thì màng giả phát triển và lan nhanh xuống phía dưới thanh - khí phế quản sẽ gây tắc nghẽn đường hô hấp. Nếu cấp cứu không kịp thời bệnh nhân sẽ tử vong nhanh chóng.

Viêm cơ tim có thể xảy ra ở cả hai trường hợp bạch hầu nặng và nhẹ, nhất là khi có tổn thương tại chỗ lan rộng và khi có sự trì hoãn trong chỉ định kháng độc tố.Tỷ lệ viêm cơ tim là 10% - 25%. Tỷ lệ tử vong do viêm cơ tim là 50% - 60%. Viêm cơ tim có thể xuất hiện rất sớm vào những ngày đầu tiên của bệnh hoặc trễ hơn vào tuần thứ 4 đến tuần thứ 6. Đây là một biến chứng trầm trọng đòi hỏi sự chăm sóc theo dõi chặt chẽ, tỉ mỉ và điều trị tích cực. Thông thường tiên lượng là xấu.

Ngoài ra còn có biến chứng thần kinh thường xuất hiện sau một thời gian muộn hơn. Liệt khẩu cái cả hai bên và thường liệt vận động, liệt phần mềm của lưỡi gà tuần thứ 3, liệt cơ vận nhãn thường xuất hiện tuần thứ 5, nhưng cũng có thể xuất hiện trong tuần đầu đó là nguyên nhân gây cho bệnh nhân nhìn mờ và lác. Viêm dây thần kinh cơ hoành, gây liệt cơ hoành thường ở tuần thứ 5 đến tuần thứ 7. Liệt các chi hoàn toàn nhưng hiếm gặp. Hầu hết các biến chứng thần kinh sẽ phục hồi hoàn toàn trong nhiều tuần đến nhiều tháng.

Về điều trị: nhất thiết phải được điều trị bằng kháng sinh và nên dùng kháng độc tố ngay lập tức khi có những dấu hiệu đầu tiên của bệnh.

Phòng bệnh có khó?

Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm, có tỷ lệ tử vong cao, vì vậy người nhiễm bệnh bạch hầu, cần cách ly bệnh nhân ít nhất 2 ngày sau điều trị kháng sinh thích hợp và đeo khẩu trang khi tiếp xúc. Ngoài ra cần vệ sinh phòng ở, đồ dùng cá nhân, đồ chơi... bằng dung dịch sát khuẩn.

Tiêm vắc-xin là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh bạch hầu. Vắc-xin phòng bệnh bạch hầu đã đượctriển khai trong chương trình Tiêm chủng mở rộng từ năm 1984. Tất cả trẻ em dưới 01tuổi sẽ được tiêm đủ 3 mũi vắc-xin phối hợp 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - viêm phổi, màng não do vi khuẩn Hib (DPT-VGB-Hib) lúc 2,3 và 4 tháng tuổi. Tiêm nhắc lại vắc-xin bạch hầu-ho gà-uốn ván (DPT) khi trẻ đủ 18 tháng tuổi. Việc trì hoãn tiêm chủng vì bất cứ lý do gì sẽ khiến cho trẻ có nguy cơ mắc bệnh.

Bộ Y tế gửi công điện khẩn phòng bệnh bạch hầu

Liên quan đến vụ việc 3 người tử vong tại xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, Quảng Nam, ngày 16/7, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) có Công điện yêu cầu Sở Y tế Quảng Nam tăng cường phòng, chống dịch bệnh này. Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Quảng Nam gửi báo cáo hàng ngày cho Cục Y tế dự phòng về việc điều tra tất cả các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng và tại các cơ sở điều trị... Chiều 16/7, trao đổi với phóng viên qua điện thoại, Ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam cho biết, hiện tại tình hình đã ổn định, Sở Y tế đã chỉ đạo điều trị dự phòng hàng loạt theo phác đồ quy định, chỉ đạo và triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống tùy diễn biến của dịch bệnh. Quyết tâm không để xảy ra thêm các trường hợp tử vong có liên quan đến bệnh và hạn chế đến mức thấp nhất số mắc. Tổ chức các chiến dịch tiêm vắc-xin phòng bệnh cho người dân xã Phước Lộc…

TK

BS.Tô Thị Lan Phương

 

 


Ý kiến của bạn