Tại khoa Lão, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, trung bình một tháng khoa tiếp nhận khoảng 60 trường hợp bị đột quỵ, nhưng khi trời trở lạnh, số bệnh nhân tăng cao hơn.
Trong 3 tháng gần đây số người bị đột quỵ tăng nhiều, tháng 11/2023 có 77 trường hợp, tháng 12/2023 là 73 trường hợp và tháng 1/2024 là 71 trường hợp. Đa phần bệnh nhân đến bệnh viện trong tình trạng nặng do chủ quan không kiểm tra sức khỏe thường xuyên để phát hiện bệnh lý nền.
Đơn cử như trường hợp bệnh nhân Đ.H (SN 1947, xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột). Đang khỏe mạnh, bất ngờ ông H có triệu chứng ú ớ, không nói được nên gia đình đưa ông đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để cấp cứu và được chẩn đoán bị đột quỵ.
Con gái ông H cho biết: "Từ trước đến nay bố tôi không đau ốm hay bệnh tật gì nên cũng không bao giờ đi khám bệnh định kỳ hay kiểm tra sức khỏe cho ông. Khi nhập viện, sau khi làm các cận lâm sàng, bác sĩ cho biết bố tôi bị huyết áp rất cao mà không được kiểm soát, không uống thuốc nên đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bị đột quỵ".
Theo bác sĩ Trần Xuân Nhã - Khoa Lão, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, bệnh nhân H khi vào viện đã hôn mê sâu, tri giác xấu, không đáp ứng khi gọi hỏi. Khi chụp CT phát hiện bị xuất huyết não diện rộng, bị rung nhĩ và xuất hiện thêm nhiều biến chứng nguy hiểm, như viêm phổi nặng, xuất hiện dấu hiệu nhiễm trùng huyết.
"Bệnh nhân H trước đó bị cao huyết áp và bị rung nhĩ nhưng không được phát hiện. Hai bệnh lý này là nguyên nhân hàng đầu gây nên bệnh đột quỵ. Tại Khoa Lão, trong số những người nhập viện do đột quỵ thì có đến hơn 50% là bệnh nhân bị mắc bệnh rung nhĩ", bác sĩ Trần Xuân Nhã thông tin.
Biến chứng nặng do sơ cứu sai cách cho người đột quỵ
Theo bác sĩ Nhã, đột quỵ là hiện tượng máu lên não bị gián đoạn đột ngột. Có 2 dạng đột quỵ não là nhồi máu não và chảy máu não. Cả hai đều xảy ra đột ngột. Nếu may mắn được cứu sống, bệnh nhân vẫn có nguy cơ cao mắc các biến chứng nguy hiểm như rối loạn nhận thức, mất khả năng vận động, khó khăn trong việc nói hoặc nuốt, rối loạn tâm lý. Tình trạng nặng hay nhẹ tùy thuộc vào số lượng tế bào não bị chết đi.
Đột quỵ cũng là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 3 sau bệnh tim mạch và ung thư trên toàn thế giới, đứng hàng đầu về tàn tật ở người trưởng thành, là thảm họa cho bệnh nhân và gia đình người bệnh, là gánh nặng kinh tế cho toàn xã hội. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn rất nhiều người chưa thật sự hiểu biết về căn bệnh đột quỵ, có bệnh lý nền nhưng không kiểm tra sức khỏe thường xuyên và khi bị đột quỵ thì sơ cứu ban đầu không đúng khiến người bệnh bị những biến chứng nặng.
"Chúng tôi đã từng tiếp nhận một bệnh nhân bị đột quỵ, người nhà sơ cứu ban đầu bằng cách dùng vật sắc nhọn đâm vào 10 đầu ngón tay khiến máu chảy ồ ạt, không cầm máu được, khi chuyển đến bệnh viện mới biết bệnh nhân bị rối loạn đông cầm máu rất nặng. Mặc dù được truyền máu liên tục nhưng bệnh nhân vẫn tử vong.
Ngoài ra, nhiều người có triệu chứng yếu người, nói khó… nhưng gia đình không đưa đến bệnh viện ngay lập tức mà tự ý cho bệnh nhân uống những loại thuốc kháng các loại tiểu cầu, thuốc chống đông hoặc thuốc aspirin. Sau nhiều ngày thì bệnh nhân bị loét dạ dày, có trường hợp bệnh nhân bị xuất huyết não diện rộng khiến việc điều trị khó khăn hơn gấp bội, thậm chí mất thời gian vàng để cứu sống người bệnh", bác sĩ Nhã thông tin.
Để hạn chế tối đa nguy cơ tử vong cũng như các biến chứng do đột quỵ, bác sĩ Nhã khuyến cáo, khi có các dấu hiệu như méo miệng, khó nói, líu lưỡi, nói ngọng hoặc thụt lưỡi, tay cầm nắm không được, lơ mơ, chóng mặt, đau đầu, hoa mắt, không giữ được thăng bằng, dễ té ngã… cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế ngay lập tức để không bỏ lỡ "thời gian vàng" trong cấp cứu người bị đột quỵ. Tuyệt đối không tự ý sơ cứu hoặc cho dùng bất kỳ loại thuốc nào.
Với những người cao tuổi, nên đi khám định kỳ để phát hiện sớm loại trừ những yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ như tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu, rung nhĩ... Đặc biệt, với những nhóm người hút thuốc lá, uống bia rượu, dùng các chất kích thích; người có tiền sử mắc bệnh tim mạch, huyết áp tầm soát bệnh càng sớm càng tốt để ngăn chặn, loại bỏ các yếu tố nguy cơ gây bệnh.
Ngoài ra, người dân nên tăng cường vận động, tham gia các hoạt động thể dục, thể thao phù hợp. Không ăn nhiều mỡ, đồ ngọt, tinh bột; hạn chế muối; nên ăn nhiều rau, củ, quả, bổ sung vitamin… để kiểm soát cân nặng, đường huyết, tránh tăng cân, béo phì. Tránh stress, xúc động, đi ngủ đúng giờ để giữ tinh thần luôn minh mẫn.
Mời bạn đọc xem tiếp video: Làm thế nào để phòng tránh đột quỵ?
Làm thế nào để phòng tránh đột quỵ?