ĐTĐ là thủ phạm gây tử vong ở hơn 57.000 người mỗi năm, và chi phí điều trị bệnh ĐTĐ sẽ tăng từ mức 11 triệu đồng/năm khi chưa có biến chứng lên mức 30 triệu đồng/năm (chiếm khoảng 60% thu nhập hàng năm) nếu có các biến chứng mạn tính của ĐTĐ.
Những con số này nói lên một tình trạng đáng báo động trong chăm sóc sức khỏe và tiềm ẩn nguy cơgây nên nhiều biến chứng nguy hiểm do tình trạng đường huyết kéo dài, trong đó có suy giảm thị lực hoặc thậm chí mù lòa.
Chia sẻ từ TS.BS Nguyễn Quang Bảy - Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai; Tổng thư ký Hội Nội tiết - Đái tháo đường Hà Nội:
Người bệnh ĐTĐ, đặc biệt là ĐTĐ type 2 thì lúc phát hiện đã có 50% có >=1 biến chứng mạn tính. Thời gian mắc bệnh càng lâu, nguy cơ càng tăng lên do đa số người bệnh ko kiểm soát tốt bệnh lý ĐTĐ. Thống kê cho thấy > 60% người bệnh ở Việt Nam đa số đến cơ sở y tế vì có biến chứng ĐTĐ chứ không phải do đường huyết cao, trong đó biến chứng mắt khá thường gặp.
Ước tính 1 trong 3 bệnh nhân ĐTĐ có nguy cơ gặp phải biến chứng này và tiềm ẩn mối đe dọa thị lực. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mù lòa trong những năm gần đây tại nước ta. Một điều đặc biệt là những bệnh lý này đang có xu hướng trẻ hóa, và người bệnh có nguy cơ bị các biến chứng nặng khi họ còn trong độ tuổi lao động.
Cùng quan điểm đó, TS.BS Đặng Trần Đạt - Trưởng khoa Khám và Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện Mắt Trung ương; Tổng thư ký Hội Dịch kính Võng mạc Việt Nam cho biết thêm:
Biến chứng mắt thường diễn tiến thầm lặng mà người bệnh rất khó tự phát hiện. Người bệnh ĐTĐ khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào về thị lực như nhìn mờ, méo hình, giảm độ tương phản, nhòe màu sắc, tầm nhìn bị vướng/che khuất… thì cần ngay lập tức thăm khám Bác Sĩ Mắt, đặc biệt là Bác Sĩ Mắt có chuyên ngành Dịch kính Võng mạc.
Tuy nhiên khi người bệnh nhận biết được những sự thay đổi này thì có thể bệnh đã phát triển trước đó, do vậy theo các khuyến cáo, người bệnh ĐTĐ type 1 nên thăm khám Bác Sĩ Mắt mỗi 5 năm và người bệnh ĐTĐ type 2 nên thăm khám Bác Sĩ Mắt hàng năm từ lúc được chẩn đoán để có thể phát hiện sớm những thay đổi tại mắt mà người bệnh ko tự nhận biết được. Khi người bệnh càng có nhiều yếu tố nguy cơ (ĐTĐ, kèm tăng huyết áp, suy thận…) thì càng nên thăm khám định kỳ thường xuyên.
Theo các chuyên gia, tầm soát định kỳ cũng là "Chìa khóa vàng" nhằm đảm bảo điều trị thành công và hiệu quả. Hiện nay,cả chuyên khoa Nội tiết và chuyên khoa Mắt đã và đang có những chương trình tầm soát ĐTĐ từ tuyến trung ương đến tuyến tỉnh giúp người bệnh ĐTĐ nâng cao nhận thức về biến chứng suy giảm thị lực và có cơ hội phát hiện sớm/phòng ngừa biến chứng này. Tuy nhiên, người bệnh và gia đình nên tự nhận thức được tầm quan trọng phòng bệnh và chủ động thăm khám tại các Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhằm phát hiện sớm dấu hiệu biến chứng mắt trên nền bệnh ĐTĐ, ngay cả khi họ không có triệu chứng gì về mắt.
Khi được chẩn đoán mắc biến chứng tại mắt đo ĐTĐ, tiến bộ y học cũng đã có nhiều bước tiến trong điều trị. Nguyên tắc đầu tiên người bệnh cần chú trọng là kiểm soát toàn diện tất cả yếu tố nguy cơ, đặc biệt là đường huyết, huyết áp, mỡ máu để đảm bảo kiểm soát tốt bệnh lý gốc là ĐTĐ và từ đó ngăn chặn quá trình suy giảm thị lực diễn tiến trầm trọng hơn, giảm nguy cơ dẫn đến phù hoàng điểm/điểm vàng vốn là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong thị lực mỗi người bệnh.
TS.BS Nguyễn Quang Bảy nhấn mạnh việc người bệnh cần thăm khám đều đặn với nhóm BS chuyên ngành và đảm bảo tuân thủ thăm khám và điều trị để giúp đạt được kết quả tối ưu.
Là một chuyên gia trong ngành Mắt có nhiều nghiên cứu chuyên sâu về bệnh lý này, TS.BS Đặng Trần Đạt cho biết trong 10 năm trở lại đây, đã có nhiều phương pháp điều trị mới ra đời, lần đầu tiên người bệnh đã có thể cải thiện được thị lực, nhìn rõ hơn sau điều trị. Trên thế giới và tại Việt Nam, tiêm vào mắt thuốc chống tăng sinh mạch máu (gọi là thuốc kháng VEGF) là điều trị đầu tay cho Người bệnh có biến chứng phù hoàng điểm do ĐTĐ. Đã có ba thuốc được Bộ Y tế phê duyệt tại nước ta trong điều trị là aflibercept, ranibizumab, và bevacizumab. Mới nhất là aflibercept, đây là một loại protein có phổ hoạt tính rộng, ức chế nhiều yếu tố bệnh sinh (VEGF, PGF) và mang đến hiệu quả tác dụng kéo dài. Bên cạnh đó, tùy theo tình trạng, người bệnh có thể được phối hợp điều trị laser hoặc phẫu thuật.
Khuyến cáo từ nhiều Hiệp hội Y khoa chuyên ngành, lịch trình điều trị tiêm vào mắt các thuốc kháng VEGF cần tuân thủ hai giai đoạn. Đầu tiên, trong pha điều trị khởi động (pha nạp thuốc), việc tiêm thuốc được thực hiện hàng tháng với tối thiểu 5-6 mũi tiêm liên tiếp nhằm giúp người bệnh tăng thị lực đến mức tối đa. Tiếp đến, trong pha điều trị nhằm duy trì mức thị lực này, việc tiêm thuốc được khuyến cáo thực hiện hàng tháng với ranibizumab và bevacizumab, mỗi hai tháng với aflibercept hoặc cá thể hóa điều trị để giảm gánh nặng.
Tuân thủ điều trị được TS.BS Đặng Trần Đạt nhấn mạnh đóng vai trò rất quan trọng nhằm nhận được hiệu quả điều trị tốt nhất. Các nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng trong năm điều trị đầu tiên, trung bình bệnh nhân cần tuân thủ 9 mũi tiêm, năm thứ hai là 5 mũi tiêm và giảm dần ở những năm tiếp theo. Sau 5 năm thông thường người bệnh sẽ không phải tiêm nữa mà chỉ cần được theo dõi bởi Bác Sĩ chuyên khoa.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, việc phối hợp điều trị giữa chuyên khoa Nội tiết và chuyên khoa Mắt càng trở nên tối quan trọng với mục tiêu giúp người bệnh duy trì được khả năng tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh và đảm bảo được hiệu quả điều trị. Ngành Y tế cũng đã triển khai ứng dụng các nền tảng công nghệ thông tin, số hóa như khám chữa bệnh từ xa (telemedicine), hội chẩn trực tuyến (online) và mạng xã hội (zalo, viber)giúp xóa bỏ khoảng cách giữa Bác Sĩ – Người bệnh. Quý người bệnh có thể gọi điện hoặc nhắn tin trao đổi về tình trạng, gửi hình ảnh điều trị, kết quả tại chỗ ở những cơ sở khám chữa bệnh gần nhất nhằm giữ kết nối trong điều trị liên tục. Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 đã ổn định, các chuyên gia khuyến cáo tất cả người bệnh ĐTĐ mới mắc hoặc lâu năm đều cần được đi tái khám các chuyên khoa để sàng lọc và kết nối các Bác Sĩ chuyên ngành với nhau để đồng hành quản lý biến chứng suy giảm thị lực và bệnh ĐTĐ.
Để lắng nghe thêm thông tin hữu ích từ các chuyên gia, giải pháp và tiếp cận đa chuyên khoa nhằm giúp phục hồi thị lực, mang đến chất lượng sống tốt hơn cho quý người bệnh, xin mời Quý độc giả cùng xem VIDEO: Suy giảm thị lực ở người bệnh Đái tháo đường.