Biến chứng mắt do sốt xuất huyết nguy hiểm thế nào?

07-12-2019 14:35 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Sốt xuất huyết hiện nay là bệnh truyền nhiễm thành dịch, có thời điểm xuất hiện dồn dập đến mức quá tải tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài việc nằm viện làm giảm sức lao động, đôi khi đe dọa tính mạng ở các thể nặng, bệnh còn xuất hiện thể có biểu hiện ở mắt gây đe dọa giảm thị lực trầm trọng.

Biến chứng ở mắt thường xảy ra vào tuần đầu tiên khi mắc sốt xuất huyết, đôi khi xuất hiện sau khi bệnh đã khỏi.

Các thể bệnh mắt do sốt xuất huyết

Bệnh có thể xuất hiện rất nhẹ như xuất huyết kết mạc, bệnh nhân chỉ bị đỏ góc mắt, đôi khi gây cho người bệnh lo lắng hoặc ảnh hưởng đến thẩm mỹ trong thời gian ngắn mà không ảnh hưởng đến thị lực.

Có thể gặp xuất huyết dịch kính ở thể giảm tiểu cầu, tuy nhiên tiên lượng của bệnh không quá nặng, có thể xuất huyết sẽ tự giảm, đôi khi cần can thiệp bằng phẫu thuật cắt dịch kính, nhưng thị lực sau phẫu thuật phục hồi khá ổn.

Biến chứng mắt do sốt xuất huyết nguy hiểm thế nào?

Thể xuất huyết võng mạc có thể ảnh hưởng một phần thị lực nếu ở ngoài vùng hoàng điểm, ảnh hưởng nhiều thị lực nếu xuất huyết rơi vào vùng hoàng điểm.

Thể bệnh gây xuất tiết vùng hoàng điểm, có thể thấy bong thanh dịch trên OCT, kèm với xuất huyết nhẹ vùng hoàng điểm. Thị lực phục hồi chậm với steroid trị liệu.

Thể viêm thị thần kinh ảnh hưởng rất nhiều đến thị lực một hoặc hai bên, gây ám điểm lớn, thậm chí giảm thị lực tới đếm ngón tay. Trên lâm sàng, bệnh nhân thấy mờ mắt nhiều hay ít và có thể nhận thấy có ám điểm trung tâm. Điều trị thể này rất khó khăn, có quan điểm chỉ theo dõi bệnh nhân, có quan điểm can thiệp bằng steroid trị liệu.

Các thể bệnh xảy ra trên mắt không liên quan tới mức độ nặng của bệnh sốt xuất huyết.

Phòng ngừa thế nào?

Để tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra, giảm gánh nặng xã hội, biện pháp tích cực nhất là chúng ta phải chung tay phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết trong cộng đồng.

Đối với những bệnh nhân đã mắc sốt xuất huyết, cần lưu ý những dấu hiệu ở mắt, ngay cả khi chúng không gây đau nhức. Triệu chứng nặng nhất bệnh gây ra là chảy máu trong nhãn cầu. Có 2 vị trí có thể bị xuất huyết:

- Xuất huyết dịch kính: Dịch kính là dịch keo trong suốt nằm sau thủy tinh thể và trước võng mạc, lấp đầy 80% thể tích nhãn cầu. Trong trạng thái bình thường, dịch kính trong suốt giúp mắt nhìn thấy mọi vật. Khi sốt xuất huyết, khả năng một mạch máu trong mắt bị vỡ khiến máu tràn vào buồng dịch kính che khuất các vật ở trước mắt khiến bệnh nhân gần như mù hẳn. Bệnh nhân không cảm thấy đau nhức mắt. Nếu bịt mắt lành thì trước mắt đau chỉ còn là khoảng tối đen hoàn toàn. Thị lực chỉ đủ phân biệt được sáng, tối.

- Xuất huyết võng mạc: Nhãn cầu trông bề ngoài có vẻ bình thường nhưng bên trong máu rỉ ra từ các mạch máu của võng mạc. Thị lực giảm nhiều hay ít tùy theo lượng máu chảy ra và tùy vị trí xuất huyết. Xuất huyết võng mạc làm cho các mạch máu bị tổn thương, máu từ từ thấm lên thành lớp mỏng che trước võng mạc. Khi đó võng mạc không thể thực hiện chức năng hội tụ ánh sáng và chuyển thông tin về não như bình thường. Bởi vậy thị lực bị giảm sút, người bệnh bị hạn chế tầm nhìn bởi những phần bị che khuất này.

Muốn phân biệt được xuất huyết võng mạc và xuất huyết trong dịch kính, thầy thuốc nhãn khoa phải dùng máy soi đáy mắt. Thỉnh thoảng có thể thấy viêm giác mạc, viêm mống mắt.

Ngoài ra, sốt xuất huyết còn gây ra các bệnh lý khác như viêm màng bồ đào, viêm mạch máu võng mạc, phù võng mạc. Các biến chứng về mắt nên được phát hiện sớm và điều trị để tránh những hậu quả đáng tiếc.

Khi đang được theo dõi bệnh sốt xuất huyết, nếu người bệnh thấy mắt bị mờ thì nên đến bác sĩ chuyên khoa mắt khám ngay. Nếu là xuất huyết dịch kính hay xuất huyết võng mạc mà được điều trị đúng cách và kịp thời thì tiên lượng bệnh đỡ xấu hơn là để bệnh kéo dài rồi mới chữa. Do vậy trước biến chứng chảy máu ở trong nhãn cầu của bệnh sốt xuất huyết, bệnh nhân nên đến khám ở khoa mắt để được điều trị, bởi việc chữa xuất huyết trong nhãn cầu chỉ có kết quả nếu bệnh nhân đến bệnh viện sớm.


Hòa Trần
Ý kiến của bạn