Hà Nội

Biến chứng ít gặp nhưng nghiêm trọng của chạy thận nhân tạo

18-05-2018 08:24 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Ngày 29/5/2017, tại BV ĐK tỉnh Hòa bình đã xảy ra một tai biến y khoa nghiêm trọng khiến 7 bệnh nhân trong số 18 ca đang chạy thận nhân tạo tại đây tử vong.

Chúng tôi xin giới thiệu để độc giả hiểu thêm về những tai biến nguy hiểm trong chạy thận nhân tạo. Bài dịch từ tài liệu nước ngoài.

Mặc dù ít gặp nhưng chạy thận nhân tạo có thể gặp một số tai biến nguy hiểm, bao gồm hội chứng mất cân bằng, phản ứng dị ứng, rối loạn nhịp tim, chèn ép tim, xuất huyết nội sọ, co giật, tán huyết và thuyên tắc khí.

Hội chứng mất cân bằng

Đây là một nhóm các triệu chứng toàn thân và thần kinh có thể xảy ra trong hoặc sau chạy thận. Triệu chứng sớm bao gồm buồn nôn, nôn, bứt rứt và nhức đầu. Các triệu chứng nghiêm trọng hơn bao gồm co giật, đờ đẫn và hôn mê.

Nguyên nhân của hội chứng mất cân bằng có thể liên quan đến tăng cấp tính lượng nước trong mô não. Khi nồng độ chất hòa tan trong huyết tương giảm nhanh trong lúc chạy thận, huyết tương trở nên nhược trương so với tế bào não và nước di chuyển từ huyết tương vào mô não. Một số tác giả cho rằng tăng cấp tính pH dịch não tủy trong lúc chạy thận là nguyên nhân của rối loạn này.

Chu trình lọc máu cho người chạy thận nhân tạo.

Chu trình lọc máu cho người chạy thận nhân tạo.

Phản ứng màng lọc

Đây là một nhóm lớn các biến cố bao gồm cả các phản ứng phản vệ lẫn các phản ứng không rõ ràng, có nguyên nhân chưa rõ.

Loại phản vệ (A)

Gồm triệu chứng khó thở, cảm giác gần chết và cảm giác nóng khắp cơ thể là những triệu chứng thường gặp. Ngưng tim và thậm chí tử vong có thể xảy ra. Những trường hợp nhẹ hơn có thể chỉ có triệu chứng ngứa ngáy, mề đay, ho, hắt hơi, chảy nước mũi hoặc chảy nước mắt. Các triệu chứng tiêu hóa như đau quặn bụng hoặc tiêu chảy cũng có thể xảy ra. Bệnh nhân có tiền căn dị ứng và/hoặc tăng eosinophile máu dễ xuất hiện các triệu chứng này. Triệu chứng thường bắt đầu trong vòng vài phút sau chạy thận nhưng đôi khi có thể trong vòng 30 phút hoặc hơn.

Nguyên nhân có rất nhiều như: do màng lọc hoặc hóa chất thậm chí do dịch lọc bị nhiễm bẩn; Sử dụng lại màng lọc. Một nhóm các phản ứng màng lọc kiểu phản vệ đã xảy ra khi sử dụng lại màng lọc; Thậm chí do thuốc kháng đông heparin và tăng eosinophile máu. Việc dùng  heparin kháng đông trong chạy thận đôi khi liên quan đến các phản ứng dị ứng, thậm chí phản vệ. Đặc biệt, phản ứng loại A có khuynh hướng xảy ra dễ hơn ở những bệnh nhân tăng eosinophile nhẹ - trung bình. Phản ứng rất nặng với chạy thận hoặc thay huyết tương đã được báo cáo ở những bệnh nhân có eosinophile máu rất cao; những phản ứng này được cho là do eosinophile phóng hạt đột ngột ra những hóa chất trung gian gây co thắt phế quản và các hóa chất trung gian khác.

Phản ứng loại không đặc hiệu (B)

Các triệu chứng chính của phản ứng loại này là đau ngực, đôi khi kèm theo đau lưng. Khởi đầu triệu chứng thường 20-40 phút sau khi bắt đầu chạy thận. Một cách điển hình, phản ứng loại B ít nghiêm trọng hơn loại A.

Rối loạn nhịp: Rối loạn nhịp trong chạy thận thường gặp, đặc biệt ở bệnh nhân đang dùng digitalis và bệnh nhân có bệnh mạch vành.

Chèn ép tim: Tụt huyết áp bất ngờ hoặc tái đi tái lại trong chạy thận có thể là dấu chứng của tràn dịch màng tim hoặc chèn ép tim sắp xảy ra.

Xuất huyết nội sọ: Bệnh lý mạch máu nền tảng và tăng huyết áp kết hợp với dùng heparin đôi khi có thể gây xuất huyết nội sọ, dưới màng nhện hoặc dưới màng cứng trong khi chạy thận.

Co giật: Trẻ em, bệnh nhân có nồng độ urê máu cao trước chạy thận và bệnh nhân tăng huyết áp nặng là những người dễ co giật nhất trong chạy thận. Co giật có thể là một triệu chứng của hội chứng mất cân bằng.

Tán huyết: Tán huyết cấp trong chạy thận có thể là một cấp cứu nội khoa.

Các triệu chứng của tán huyết gồm đau lưng, nặng ngực và khó thở. Hậu quả nặng nề của tán huyết có thể là ngưng tim. Nguyên nhân bao gồm: tắc nghẽn hoặc hẹp dây máu, catheter hoặc kim; dịch lọc có vấn đề. Nên xem xét khả năng tán huyết do thiếu men G6PD kết hợp và dùng quinine trước chạy thận.

Thuyên tắc khí: Thuyên tắc khí là một tai họa tiềm ẩn có thể gây tử vong nếu không được phát hiện và điều trị nhanh chóng. Các vị trí khí lọt vào thường gặp nhất là kim ở đường máu động mạch, đoạn dây trước bơm và catheter để mở.


BS. Nguyễn Thành Tâm
Ý kiến của bạn