(Nguyễn Văn Vĩnh - Bạc Liêu)
Đối với một người trẻ thì việc bị gãy cổ xương đùi sẽ được cảm nhận ra ngay vì đau đớn và hạn chế vận động (do cơ bắp còn mạnh nên gây co rút biến dạng). Ở người lớn tuổi có thể chậm nhận ra hơn, sau một tai nạn sinh hoạt hoặc tai nạn giao thông sẽ cảm giác đau ở vùng khớp háng, đau lan xuống đùi và gối (một số người lại chỉ đau ở gối). Đau sẽ tăng lên khi xoay trở hoặc ngồi lên nằm xuống, khi kéo duỗi thẳng chân bị đau ra. Một số trường hợp chân bên gãy bị biến dạng ngắn hơn chân lành, bệnh nhân có thể sưng to ở đùi so với bên lành, đau sẽ làm hạn chế vận động, có thể lầm với trặc khớp háng. Tất nhiên khi đến cơ sở y tế thì bác sĩ khám sẽ chẩn đoán được ngay với điểm đau chói ở vùng này, dấu hiệu sưng to và hạn chế vận động ở một số động tác. Xác định chắc chắn bằng phim chụp X-quang thẳng và nghiêng, qua đó cũng đánh giá được mức độ gãy cũng như di lệch. Tùy thuộc bệnh nhân đến bệnh viện sớm hay muộn, có thể phát hiện ra một số biến chứng.
Sau khi gãy cổ xương đùi, có thể gặp một số biến chứng cấp và mãn. Biến chứng cấp có thể gặp là tắc mạch do mỡ (mỡ từ trong ổ gãy xương xâm nhập vào hệ tuần hoàn). Biến chứng lâu dài hay gặp là tình trạng cục máu đông gây tắc mạch do đau đớn nên bệnh nhân ít vận động, biến chứng này có thể gây nguy hiểm tính mạng. Cũng do nằm lâu có thể gây ra viêm phổi (thông khí ở phổi không được tốt), nhiễm trùng đường tiểu, sỏi thận, loét da do tì đè ở vùng ít vận động (vùng xương cùng, mắc cá ngoài, gối …). Đối với vùng gãy xương có thể gây thoái hóa khớp háng, tạo khớp giả, liền xương lệch trục và hoại tử chỏm xương đùi (do mạch máu nuôi dưỡng kém, gãy càng gần chỏm thì hoại tử càng nhiều).